Để HS lớp 6 hòa nhập tốt với môi trường học mới rất cần sự giúp đỡ của giáo viên (ảnh mang tính chất minh họa) |
Bước vào môi trường học mới với cách đánh giá mới là nguyên nhân khiến một số học sinh (HS) lớp 6 không bắt nhịp kịp chương trình dẫn đến đuối kiến thức, điểm kiểm tra thấp.
Đòi đổi giáo viên vì… con bị điểm thấp
Năm học 2015-2016, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) có hơn 370 HS lớp 6. Qua đợt kiểm tra 15 phút mới đây, hơn 90% HS trên điểm trung bình, khoảng 10 HS dưới điểm trung bình. Cô Hoàng Lê An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nguyên nhân HS bị điểm thấp không phải do học không tốt mà do các em chưa quen với chương trình học và cách đánh giá ở bậc THCS. Nếu ở tiểu học, đặc biệt năm học vừa rồi, với việc áp dụng Thông tư 30 mang đến kết quả đánh giá thông qua nhận xét là chủ yếu thì sang THCS, các em được đánh giá bằng điểm số. Lượng kiến thức ở tiểu học còn khá nhẹ, trong khi lượng kiến thức, bài tập ở THCS nhiều hơn và đòi hỏi cao hơn về tinh thần tự học. Ngoài ra ở tiểu học, các em học các môn chỉ với một số giáo viên (GV), được thầy cô dìu dắt, yêu chiều thì sang bậc THCS, các em phải học 13 môn với nhiều GV khác nhau. Tính cách GV khác nhau, các GV phải dạy nhiều lớp, ít có thời gian quan tâm như GV tiểu học.
“Thực trạng HS lớp 6 có điểm thấp diễn ra thường xuyên vào đầu các năm học chứ không riêng gì năm nay. Phải mất hơn một tháng thì những em này mới bắt nhịp được chương trình mới. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường luôn chú trọng trao đổi về chương trình học, cách đánh giá ở bậc THCS để phụ huynh nắm bắt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ con cái. Bản thân HS được GV hướng dẫn phương pháp học tập, soạn đề cương bài học để các em quen dần”, cô An cho biết thêm.
Tại Trường THCS An Phú (Q.2), đầu năm học này, số HS lớp 6 dưới điểm trung bình ở bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng không nhiều. Tuy nhiên có một phụ huynh yêu cầu với nhà trường được đổi GV chủ nhiệm lớp con họ học. Phụ huynh này đưa lý do là ở tiểu học, con họ được đánh giá học tốt nhưng khi vào lớp 6 lại phải nhận điểm thấp. Trách nhiệm này thuộc về GV chủ nhiệm nên yêu cầu nhà trường phải đổi.
Thầy Trần Đức Vinh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Với cách đánh giá theo Thông tư 30, HS được đánh giá là đạt, hoàn thành ở các năng lực học tập bên cạnh điểm số môn toán, tiếng Việt khá cao đã khiến phụ huynh này đinh ninh con mình học rất giỏi, đồng nghĩa với việc sẽ luôn đạt điểm cao. Lên lớp 6, khi thấy con bị điểm thấp, phụ huynh không tránh được bất ngờ, thậm chí sốc, từ đó đổ lỗi cho GV chủ nhiệm với nhiều lý do khác nhau.
Nói về việc đánh giá HS bằng Thông tư 30, thầy Vinh công nhận mục đích của thông tư là hay, đạt được mục tiêu giáo dục HS phát triển toàn diện, nhưng không thể không nói đến hạn chế. Đó là hướng phấn đấu của một số HS không đạt, hạnh kiểm một số em chưa tốt.
Cần có bài kiểm tra chung
Nếu như ý kiến của thầy cô hiệu trưởng cho rằng nguyên nhân khiến HS bị điểm thấp khi vào lớp 6 là do các em chưa quen với chương trình, cách đánh giá kết quả học tập mới thì lãnh đạo một số phòng GD-ĐT lại lo ngại. Đó là chính nguyên tắc ra đề kiểm tra môn toán, tiếng Việt cuối năm lớp 5 là một phần nguyên nhân khiến cho HS không theo kịp chương trình, dẫn đến điểm kém.
“Đối với bài kiểm tra 2 môn chính cuối năm lớp 5, hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề chung cho cả khối sẽ không khả thi, không tránh được trường này ra đề dễ, trường kia ra đề khó. Và mặt bằng chung kết quả học tập của HS chắc chắn không được đánh giá đồng đều, từ đó GV bậc THCS khó nắm bắt được năng lực các em để có những phương pháp giảng dạy phù hợp. Từ đây dẫn đến tình trạng HS đuối kiến thức, bị điểm thấp vào đầu năm học”, cô Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cho biết.
Theo cô Thu, mặc dù Bộ GD-ĐT có yêu cầu GV trường THCS (trường sẽ nhận HS lớp 5 vào lớp 6) phải tham gia coi, chấm bài kiểm tra. Tuy nhiên, sự tham gia chỉ đạt 10%, không thể hiện được giá trị đầy đủ. Ví dụ tại Q.5, HS lớp 5 Trường Tiểu học Minh Đạo sẽ về Trường THCS Hồng Bàng học lớp 6, GV Trường Hồng Bàng sẽ tham gia coi, chấm bài nhưng sẽ không thẩm định được kết quả học tập của một số HS các trường khác như Tiểu học Bàu Sen, Chính Nghĩa về học.
“Suốt 5 năm học, các em được đánh giá bằng nhận xét là chính và đều được làm các bài kiểm tra do chính trường ra. Thiết nghĩ ngành giáo dục cần có một bài kiểm tra chung vào cuối năm lớp 5 để đánh giá đúng mặt bằng chung kết quả học tập của HS. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT nên chấp nhận điều này, giao cho phòng hoặc sở ra đề. Khi đó GV THCS tham gia chấm điểm dễ dàng nắm được năng lực học tập của HS để có định hướng giảng dạy ngay từ ban đầu, giúp các em học tốt hơn”, cô Thu kiến nghị.
Xoay quanh những vấn đề trên, TS. Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11, cũng có ý kiến ngành giáo dục nên có những định hướng chung, khung chung về yêu cầu các bài kiểm tra cuối năm lớp 5. Cụ thể như mức thông hiểu của HS phải đạt bao nhiêu %; khả năng ứng dụng kiến thức của các em phải đạt bao nhiêu %… Đây là cơ sở để các trường dựa vào ra đề thi, đạt được sự đồng nhất về yêu cầu kiến thức, tránh tình trạng đề dễ, đề khó.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Hạn chế cho nhiều bài tập về nhà Để giúp HS lớp 6 làm quen với môi trường học mới, theo cô Võ Ngọc Thu (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5): GV phải hạn chế cho nhiều bài tập về nhà để không gây áp lực, mệt mỏi cho HS vì các em phải làm bài tập nhiều môn chứ không riêng một môn. Ngoài ra, GV giữa các bộ môn phải có sự trao đổi, nắm bắt những khó khăn, kiến thức còn hổng của HS để kịp thời thông báo đến phụ huynh để họ can thiệp sớm. Box: Chính nguyên tắc ra đề kiểm tra môn toán, tiếng Việt cuối năm lớp 5 là một phần nguyên nhân khiến cho HS không theo kịp chương trình, dẫn đến điểm kém. |
Bình luận (0)