Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tạp chí trường bao giờ lên “đẳng cấp quốc tế’

Tạp Chí Giáo Dục

Chất lượng bài báo khoa học ở Việt Nam mới được đánh giá sơ bộ thông qua việc xét chức danh GS, PGS được quy thành 1 hoặc ½ điểm. Nhưng nó trở thành "vô giá trị" với lý do không tính điểm của "tạp chí nhà trường" khi SV làm hồ sơ du học Mỹ. 

Thông tin mà TS Vũ Đình Hoàng (Trường ĐH Bách khoa HN) nêu trên là một trong nhiều lý do để các trường ĐH kỹ thuật cả nước ngồi lại tìm hướng nâng chất lượng và uy tín Tạp chí Khoa học và Công nghệ (do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức cuối tháng 12/2008).
Quang cảnh hội thảo (Ảnh Thiên Trường)
Tự viết bài, tự phản biện
Theo PGS Đinh Văn Phong, Trưởng Phòng KH&CN (Trường ĐH Bách khoa HN), sau 14 năm hoạt động, gần 1.500 công trình đăng tải đã "góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của trường".
Tuy nhiên, chất lượng bài báo được đăng tải chưa cao đã làm giảm uy tín của tạp chí. Ông Phong dẫn dụ, nhiều bài quá dài nhưng lại thiếu thông tin, một số tác giả còn thiếu trách nhiệm trong việc truyền tải thông tin đến với người đọc khi phần tóm tắt chỉ vài dòng.
Từ năm 2007 đến nay, tất cả trường ĐH có 432 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí ở nước ngoài. Số lượng bài được đăng trên tạp chí trong nước là 6.082 bài. Con số này còn rất thấp so với các trường ĐH trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tổng số hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ năm 2006 đến nay là 589 hợp đồng với tổng giá trị 135 tỉ đồng. Chỉ riêng trong năm 2008 số tiền chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ trong các trường ĐH, CĐ chiếm hơn 203 tỉ đồng.
(Theo Tuổi Trẻ)
Mặt khác, công tác phản biện ở một số trường chưa tốt – do bài viết gửi về các tiểu ban biên tập (BBT) của các trường thành viên tổ chức phản biện và gửi về toà soạn.
Tiến sĩ Trần Thu Hà, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lý giải “công tác phản biện không hiệu quả là do các tiểu BBT ở các trường không có cán bộ chuyên trách, phần lớn là kiêm nhiệm”.
PGS.TSKH Nguyễn Phùng Quang, Trung tâm Nghiên cứu – Triển khai công nghệ cao nhìn nhận: các thành viên của Hội đồng biên tập không trực tiếp làm công tác biên tập, cũng không hẳn đã là các nhà KH đầu ngành của 1 lĩnh vực KH. Đôi khi, bản thân người viết bài cũng được mời tham gia phản biện… nên chất lượng không cao.
Một thực tế nữa, theo bà Hà khi nêu sẽ động chạm đến một số “cây đa, cây đề”, nhưng không thể không nói: Chất lượng một số đề tài NCKH cấp nhà nước không cao, thậm chí còn thua chất lượng đề tài cấp bộ. Trong khi đó, đề tài NCKH cấp nhà nước “ngốn” toàn tiền tỷ – rất lãng phí!?
Thí điểm in bằng tiếng Anh 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long:“Tới đây, bài báo khoa học có chất lượng phải đạt các yêu cầu: mới, không trùng lặp, có phần bàn luận và kết luận. Phần tóm tắt phải hoàn chỉnh, đầy đủ ý chính, tránh tình trạng có bài báo phần tóm tắt chỉ có 2 câu. Bài báo sẽ không hạn chế số trang, nhưng ít nhất phải có 3 trang và nhiều nhất là 7 trang. Dần tăng trách nhiệm của HĐBT và phản biện”.
“Điều kiện quyết định sự hội nhập quốc tế, để có tên “Tạp chí KH&CN” lọt vào bảng xếp hạng tạp chí khu vực và thế giới đòi hỏi chất lượng bài báo khoa học phải được nâng tầm, ngôn ngữ sử dụng bắt buộc bằng tiếng Anh (phần tóm tắt có thể viết cô đọng bằng tiếng Việt, nhưng không thể kéo dài) – PGS Phạm Thành Huy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nêu. 
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Tổng Biên tập tạp chí cho biết, song song với việc cải tiến nội dung, nâng chất lượng các bài báo khoa học, trong năm 2009, sẽ triển khai thí điểm 2 số thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Mục tiêu này tạo điều kiện cho các nhà KH có tầm cỡ tham gia tổ chức và phản biện.
Số đông đại biểu cho rằng để “hội nhập” thì ngôn ngữ thể hiện bài báo khoa học phải sử dụng 100% tiếng Anh. Thế nhưng, việc thực hiện và thể hiện không dễ.
Theo bà Hà, việc chuyển ngôn ngữ của tạp chí hoàn toàn sang tiếng Anh phải có lộ trình. Bởi, “rào cản” lớn của đội ngũ chuyên gia đầu ngành trước đây đều học ở Nga về, nên việc nói và viết bằng tiếng Anh là không thể đáp ứng.
Tiến sĩ Vũ Đình Hoàng thì thận trọng, 2 vấn đề BBT cần cân nhắc khi xuất bản bằng tiếng Anh bởi: sự phổ cập tiếng Anh ở Việt Nam chưa cao, đồng nghĩa với việc người đọc sẽ ít hơn và người viết sẽ giảm đi vì độ khó viết, khó đọc.
Ý kiến của GS Đỗ Xanh cũng là đề xuất của hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo: Để nâng chất lượng và uy tín của tạp chí, nên cấu trúc lại theo hướng tận dụng được tối đa lực lượng mạnh của các trường. Nếu tập trung vào một số ngành thế mạnh, mũi nhọn chứ không thông tin quá dàn trải ở trên chục ngành khối kỹ thuật rất khó… bán báo, mà người mua cũng đắn đo khi rút hầu bao mua quyển tạp chí mà tìm mãi không thấy thông tin cần.
 Ít NCKH thì sẽ không có nhiều kết quả để giới thiệu 
(PGS.TSKH Nguyễn Phùng Quang, Trung tâm Nghiên cứu – Triển khai công nghệ cao (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
 
 
Khảo sát chưa đầy đủ cho thấy, tạp chí có ít bài viết chất lượng cao.
Quá ít bài viết giới thiệu các công trình mang tính thời sự, nhưng lại  nhiều bài viết trình bày lặp lại các nội dung đã được đăng tải trong tạp chí nước ngoài.
Mặt khác, do đặc thù đa ngành, giới thiệu công trình thuộc các lĩnh vực quá khác nhau, trong khi xu thế chung là chọn đọc tạp chí chuyên ngành.
Điều này khiến mỗi ấn phẩm “ra lò” kém hấp dẫn với bạn đọc là các nhà khoa học. Ít ai mua tạp chí chỉ để đọc 1 bài duy nhất.
Việc hạn chế dung lượng bài viết trong phạm vi 5-6 trang đã bó tay người viết, khiến họ trình bày khá hời hợt, hình thức và thiếu chiều sâu.
Ngôn ngữ Tiếng Việt của tạp chí là điều hợp lý vì ấn phẩm chỉ được phát hành trong nước. Tuy nhiên, lại hạn chế khả năng giới thiệu tạp chí với các nhà khoa học ngoài nước.
Những yếu tố về mặt kỹ thuật nêu trên có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Nhưng, với những nguyên nhân mang tính chủ quan và khách quan, không thể khắc phục nhanh.
Nguyên nhân khách quan cũng là nguyên nhân chính: Việc NCKH nói chung, đặc biệt là trong các trường ĐH, CĐ còn quá ít. Ít NCKH thì sẽ không có nhiều kết quả để giới thiệu.
Mặt khác, hội đồng biên tập (HĐBT) của tạp chí mang tính thành phần đại diện cho các vùng miền hoặc các trường ĐH. Các thành viên của HĐBT không trực tiếp làm công tác biên tập, họ cũng không hẳn đã là các nhà KH đầu ngành của 1 lĩnh vực KH. Công tác phản biện bài viết được thực hiện còn khá hình thức.
Tùng Linh (Vietnamnet)

Bình luận (0)