Ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không Đà Nẵng (người đứng) báo cáo tình hình chống dịch Zika tại sân bay |
Chiều 6-4, Cảng vụ hàng không miền Trung, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc với đại diện các hãng hàng không có chuyến bay từ vùng dịch bệnh Zika.
Tại cuộc họp, ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không Đà Nẵng cho biết, qua 1 năm thành lập, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Đà Nẵng đã phối hợp đồng bộ trong việc xử lý một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: MERS-CoV, sốt vàng da, Ebola, cúm A (H7N9, H5N9)… Các bệnh truyền nhiễm kể trên bùng phát trên thế giới trong 1 năm vừa qua, nhưng ghi nhận tại Việt Nam chưa xảy ra một trường hợp dương tính nào. Thời gian gần đây dịch Zika (chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh) đã trở thành nỗi lo trên toàn thế giới. Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc Zika, là quốc gia thứ 61 trên toàn thế giới có bệnh nhân mắc Zika.
Ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, cho biết Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên có loài muỗi vằn Aedes Aegypti sinh sống và nguy cơ lây truyền bệnh Zika cũng như các virus gây bệnh khác rất cao. Tại nhà ga quốc tế Đà Nẵng, lực lượng chức năng sân bay đã phun thuốc diệt muỗi, gián… nhưng mới phun được ở ga quốc ngoại, còn ga quốc nội thì phải chờ phối hợp. Mặt khác, ông Lâm cho biết thêm, việc phun thuốc phải tiến hành lúc muỗi ra nhiều, nhưng thời điểm đó sân bay có đông khách nên phải phun thuốc vào lúc nửa đêm. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch virus này. Mặc dù vậy việc sàng lọc người có nguy cơ mắc virus là rất khó vì triệu chứng của nó mơ hồ, người đã nhiễm cũng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, đau mỏi cơ; Đà Nẵng không có chuyến bay trực tiếp nào từ vùng dịch về nhưng hành khách có thể đi qua nhiều sân bay trước khi nhập cảnh về Đà Nẵng.
Tại cuộc họp, các phương án chống dịch khi phát hiện có bệnh nhân mắc dịch cũng đã được đưa ra thảo luận nhằm chia sẻ thông tin, rà soát lại cơ sở vật chất để các đơn vị liên quan có sự hỗ trợ kịp thời trong phòng, chống dịch. BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết: “Bộ Y tế đã đồng ý để ngành y tế Đà Nẵng chủ động xét nghiệm ban đầu chẩn đoán virus Zika thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM như trước đây. Nhờ đó, sẽ giúp phát hiện sớm bệnh nhân mắc virus Zika để có phương án phòng và tránh lây lan ra cộng đồng”.
Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes Aegypti, đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu. Thời gian ủ bệnh chưa xác định rõ và được cho là trong 12 ngày. Có 80% trường hợp virus Zika không có biểu hiện bệnh hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ, không rõ ràng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 1-2007 đến ngày 23-3-2016, đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó 6 quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp nhiễm bệnh do virus Zika.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bình luận (0)