Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao năng lực hướng nghiệp và tiếp cận CMCN 4.0 cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17-12, Chương trình tập huấn hướng nghiệp với chủ đề “Nâng cao năng lực hướng nghiệp và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo Dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc Gia TP.HCM tổ chức cùng sự đồng hành của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã tiếp tục diễn ra, với sự tham gia của trên 200 cán bộ, giáo viên trung học tại 12 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.


Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại chương trình

Cùng với các chuyên gia, hơn 200 cán bộ, giáo viên đã được thảo luận, trao đổi, tìm hiểu về các ngành nghề có xu hướng phát triển trong cuộc CMCN 4.0, từ đó có định hướng hướng học sinh chọn được ngành phù hợp với bản thân trong kỷ nguyên 4.0.

Giáo viên làm gì để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh?

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn ĐứcTrung- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, các ngành nghề liên quan đến quản trị thông tin, chiết xuất thông tin, an toàn thông tin… sẽ là những ngành đòi hỏi nhu cầu nhân lực cao trong kỷ nguyên 4.0. Vai trò của trường ĐH không chỉ đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội mà còn phải là nơi kiến tạo ra nhu cầu của xã hội, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực trong thời gian từ 4-5 năm tới. “Như vậy, điều cần thiết là tạo ra được hệ sinh thái với các trường phổ thông, trang bị cho học sinh những kiến thức đầy đủ nhất về ngành nghề, hướng các em lựa chọn được những ngành phù hợp”, PGS.TS Trung nêu vấn đề.


TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ tại buổi tập huấn

Kể lại câu chuyện chọn ngành, chọn trường của bản thân từ những năm 2004, TS. Châu Đình Linh – Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho hay, thời điểm đó việc chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, không có định hướng rõ ràng nên phải mất nhiều thời gian để tìm ra được ngành phù hợp. “Hiện nay, khi cấu trúc ngành nghề trong xã hội đã có sự thay đổi, xã hội càng lúc càng phát triển nên tính chuyên môn hoá của công việc rất cao song vẫn tồn tại một bộ phận học sinh chọn ngành nghề theo cảm tính. Nhiệm vụ của giáo viên là phải trao cho học sinh hiểu rằng, lựa chọn nghề nghiệp đó cần khung kiến thức chuyên môn gì, ở những bộ môn nào để có sự định hướng bổ sung những kiến thức cần thiết, để học sinh học để vận dụng chứ không chỉ là học để biết. Làm sao trang bị cho học sinh kỹ năng học hỏi từ những người xung quanh, từ đó từng bước hình thành năng lực nghề nghiệp, phù hợp với từng vị trí và đòi hỏi của công việc sau này”, TS. Linh nhấn mạnh.


Giáo viên được trao Giấy chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn

Cụ thể hơn, ThS. Nguyễn Anh Vũ – Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trước hết phải giúp các em hiểu được khái niệm về ngành, nghề, nhóm nghề. Từ việc hiểu được các khái niệm này, các em sẽ có định hướng là chọn ngành trước hay chọn nghề trước. “Các ngành nghề mới hiện nay xuất hiện rất nhiều. Mỗi nhóm ngành nghề lại có tính chất công việc đòi hỏi những cấp độ kỹ năng, chuyên môn khác nhau. Xác định được mức độ, tính chất của ngành nghề sẽ hỗ trợ người học xác định đúng bậc học, trường học, phương thức tuyển sinh phù hợp”, ThS. Vũ khái quát.

Hãy trao cho học sinh sự tự tin

TS. Nguyễn Văn Thuỵ – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khẳng định, tác động của CMCN 4.0 đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận, giảng dạy và đào tạo ở tất cả các bậc học, công tác tư vấn hướng nghiệp vì thế cũng phải “vận động” theo. “Thực tế, khi tư vấn cho học sinh về các ngành cơ khí rất khó nhưng thực tế nhóm ngành này đang rất thiếu nhân lực. Ngành du lịch không chỉ là làm hướng dẫn viên du lịch mà là mảng kết nối rất rộng với đa dạng các vị trí công việc. Để học sinh hiểu được những điều này thì chính bản thân mỗi giáo viên khi tư vấn phải có kiến thức sâu”.

Theo TS. Thuỵ, doanh nghiệp cần ở sinh viên ra trường tính “thực tế” chứ không phải là sự hoang tưởng. Tuy nhiên, ngay cả khi có giấy chứng nhận là tấm bằng ĐH người học cũng chưa chắc đã có sự thực tế. “Ngay từ bây giờ, hãy trao cho học sinh sự tự tin vào bản thân, dám khác biệt để nhìn nhận ra tính thực tế đó”.


Ông Trần Văn Mạnh – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM trao Giấy chứng nhận Hoàn thành khoá tập huấn cho giáo viên

Trong khi đó, TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ rõ, tư vấn hướng nghiệp để hiệu quả phải có sự dài hơn, liên kết ở nhiều cấp bậc, hướng đến phát triển năng lực của học sinh. Quá trình thực tế cho thấy, học sinh còn rất loay hoay trong việc tìm ra năng lực thực sự bản thân mình là gì. “Giáo viên khi hướng nghiệp cho học sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhiều hơn, trong khi đó hướng nghiệp bài bản phải cần đến quy trình phù hợp với từng học sinh, trở thành người bạn người đồng hành với học sinh. Với những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình tư vấn thì cố gắng kéo học sinh về mục tiêu cuộc đời chứ tuyệt đối không tư vấn kiểu “tát nước vào mặt” học sinh”.

Nhìn nhận hướng nghiệp cho học sinh là cả một quá trình chứ không phải là đích đến, TS. Lê Thẩm Dương nhấn mạnh, hãy để học sinh được tự vận hành quá trình đó, vai trò của giáo viên là dẫn dắt học sinh biết cách tự hướng nghiệp. Để các em tự hướng nghiệp cho bản thân được thì các em phải định vị được bản thân mình từ kiến thức, kỹ năng, thái độ, biết mình yếu ở đâu, mạnh ở đâu. Tạo điều kiện để học sinh được lắng nghe những đánh giá, nhận xét bao quát, toàn diện về bản thân qua những người xung quanh. Quan trọng là hãy trao cho học sinh sự tự tin để các em mạnh dạn, nỗ lực, cố gắng hoàn thiện bản thân.

Kết thúc buổi tập huấn, hơn 200 cán bộ, giáo viên đã được trao Giấy chứng nhận Hoàn thành lớp tập huấn hướng nghiệp. Đây cũng là buổi tập huấn cuối cùng trong chương trình tập huấn hướng nghiệp năm 2020.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)