Dạy học là một vấn đề nghệ thuật, trong đó mỗi giáo viên phải có tinh thần tự học, tự rèn luyện (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Lâu nay chúng ta thường kêu gọi học sinh phải tự học, tự nâng cao kiến thức, hiểu biết của mình. Trên thực tế, do có ý thức học tập từ nhỏ, nhiều học sinh tự học rất tốt, có hiệu quả. Có những trường hợp nhà nghèo (không đi học thêm được) nhưng nhờ tự học, tự nghiên cứu nên các em vẫn có kết quả cao trong học tập.
Kỹ năng tự học có nhiều lợi ích như kiến thức luôn khắc sâu, nhớ lâu, vận dụng tốt vì đó là kiến thức thực sự của mình, không vay mượn, sao chép của người khác. Bên cạnh đó là tạo cho các em sự tự tin vào bản thân trước mọi tình huống để xử lý. Sự chủ động, năng động cũng từ do tự học mà tạo nên “vốn liếng” trong hành trang vào đời của các em.
Nhưng cũng trên thực tế, đa số giáo viên tự bằng lòng với tấm bằng, với thời gian thâm niên đứng lớp nên họ thường suy nghĩ rằng: “Tự học cho nhiều cũng dạy… chừng đó” nên việc tự học của giáo viên là vấn đề cần nghiêm túc xem xét! Nhiều giáo viên ngoài giờ đứng lớp, nếu có tự học thì cũng lên mạng tìm hiểu một số kiến thức, phục vụ cho bài dạy sắp tới chứ không có được ý thức thu thập kiến thức cho lâu dài về sau. Ngay tại trường tôi công tác, những phút nghỉ giữa giờ, thay vì cùng về phòng bộ môn để trao đổi chuyên môn nhưng các thầy cô lại ra quán cà phê bàn về mốt thời trang, mỹ phẩm; bàn về giá cả lên xuống như thế nào rất nhiệt tình.
Không lẽ mình lớn tuổi nên “chậm cập nhật”, nhưng tôi chưa bao giờ thấy, nghe các giáo viên trong tổ cùng đưa ra một ý kiến, một tình huống, một chi tiết khó của bài dạy để cùng nhau mổ xẻ, phân tích; thậm chí phản biện các ý kiến đưa ra để cuối cùng tìm ra cách giải quyết thấu đáo nhất. Đó cũng là hình thức tự học, cùng bàn bạc, trao đổi chuyên môn; mài giũa để kiến thức ngày càng sắc bén như người xưa đã dạy “dao có mài mới sắc”…, nhưng họ chưa say mê, chưa tự giác tự học.
Đành rằng cuộc sống gia đình có trăm công ngàn việc, thời gian đâu mà “chuyên” với “môn” nhưng thật lòng mà nói, số giáo viên đam mê, yêu nghề dạy học hiện nay quá ít ỏi. Họ trở thành “thợ dạy” nên bây giờ bắt họ rời xa cuốn sách giáo khoa là “chết đứng” như Từ Hải trong Truyện Kiều. Có giáo viên tâm sự cùng tôi là có những người thầy khi dạy hết chữ cuối cùng trong sách nhưng vẫn còn giờ thì lúng ta lúng túng, không biết nói cái gì… cho hết giờ.
Muốn học sinh tự học có hiệu quả, trở thành niềm đam mê thì trước hết, giáo viên phải tự học, phải đam mê để các em làm theo, noi theo. Theo tôi, ngành sư phạm khi tuyển chọn cũng cần lưu ý chọn người có ý thức học tập, đam mê với bộ môn, với ngành nghề. Dạy học là cả một vấn đề nghệ thuật, trong đó mỗi giáo viên phải có tinh thần tự học, tự rèn từ trong máu thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp “trồng người”!
Thạch Hoàng Sa
Bình luận (0)