Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Loạn” giá sách, người tiêu dùng thiệt đủ đường

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tháng 3 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục ra văn bản chỉ đạo giảm 10-15% giá sách, nhưng hiện nay tất cả các cửa hàng đều không giảm, vẫn bán đúng giá bìa. Trong khi, giá bìa mỗi nơi lại in một kiểu khác nhau.
NXB và cửa hàng sách đùn đẩy nhau
Thông tin từ website của NXB Giáo dục, ngày 4/3/2009, NXB Giáo dục đã có công văn gửi cho các Công ty Sách – Thiết bị trường học trong cả nước triển khai ngay việc giảm giá sách giáo khoa phục vụ năm học 2009-2010 với các mức chiết khấu trực tiếp cho học sinh như sau: Sách giáo khoa giảm 10% giá bìa; Sách bổ trợ giảm 15% giá bìa.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân trí ngày 21/4 thì chưa có nhà sách nào thực hiện việc giảm giá này.
Chị Thu Huyền, nhân viên Cửa hàng sách Tiền Phong (phố Nguyễn Thái Học – Hà Nội) cho biết cửa hàng chưa nghe thông tin giảm giá sách nên vẫn bán theo đúng giá bìa. Còn tại Cửa hàng sách Đức Trí (phố Giảng Võ), nhân viên bán hàng cũng cho biết, không có chuyện giảm giá sách thời điểm này.
Thậm chí, ngay tại Cửa hàng sách của Nhà Xuất bản giáo dục (187 Giảng Võ) nhân viên thu quầy cho biết, cửa hàng bán đúng giá niêm yết trên bìa và khẳng định không có chuyện giảm giá sách giáo khoa, sách bổ trợ.
Trao đổi với PV, nhiều chủ nhà sách đều phản ánh không nhận được văn bản này vì thế không có chuyện điều chỉnh giá. Thế nhưng, ông Nguyễn Minh Khang – Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục lại lại tỏ ra bất ngờ khi nghe điều này. Ông Khang nói “cũng không ngờ là các cửa hàng sách lại không thực hiện việc chỉ đạo này” (?!) và cho biết, “NXB sẽ gửi văn bản chỉ đạo thêm về việc giảm giá sách này”.
“Để khắc phục tình trạng các cửa hàng sách không thực hiện việc giảm giá, chúng tôi sẽ triển khai rầm rộ như treo băng rôn, tuyên truyền, niêm yết giá bán giảm giá tại cửa hàng… sau đó sẽ xuống kiểm tra từng cửa hàng, nếu vi phạm sẽ phạt” – ông Khang khẳng định.
Phụ huynh “thiệt đơn, thiệt kép”
Với thông tin giảm giá sách còn “quá kín” như trên, phụ huynh trên cả nước nếu mua sách giáo khoa từ tháng 3/2009 sẽ bị thiệt mỗi bộ sách từ 10%-15%. Ngoài ra, qua khảo sát, chúng tôi còn phát hiện có tình trạng một loại sách lại có nhiều mức giá khác nhau. Người tiêu dùng vì thế phải chi cho những khoản “chênh lệch” không rõ lý do mà chả biết kêu ai.
Chị Vũ Hải Vân, phố Pháo Đài Láng, có con đang học lớp 3 Trường Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết, mặc dù con đã có sách học nhưng thường xuyên chị vẫn phải đến cửa hàng để mua những quyển sách bổ trợ, sách bài tập hoặc quyển sách con đánh hỏng. Tuy nhiên, có nhiều loại giá khác nhau như vở bài tập Tiếng Việt lớp 1, tập 1, cùng có tem đảm bảo của NXB Giáo dục nhưng lại có hai giá khác nhau: một cuốn giá 4.200 đồng, cuốn khác giá 5.000 đồng.
Chênh lệch giá của sách Ngữ văn lớp 11
Việc loạn giá sách khá phổ biến. Điển hình cho ví dụ một cuốn sách có nhiều giá khác nhau như: Vở bài tập toán lớp 1, tập 2 (cùng nội dung, chỉ khác nhà in) một cuốn giá 3.800 đồng (in tại Công ty in và thương mại Sông Lam, tháng 7/2008), cuốn khác lại có giá 4.300 đồng (in tại Công ty cổ phần in Diên Hồng, tháng 1/2009).
Còn sách Bài tập Ngữ văn 11 nâng cao, tập 1 cũng có nhiều giá, một cuốn có giá 7.200 đồng, cuốn khác lại có giá 8.100 đồng. Song, cuốn này “đặc biệt” ở chỗ có thông tin giống hệt nhau: Cùng mã số, cùng seri ngày tháng xuất bản, cùng in tại Nhà in Hà Nội – Công ty Sách Hà Nội, tháng 12/2007.
Được biết, năm 2008 thời điểm giá sách được phép tăng 10% thì giá sách/vở bài tập vẫn rẻ hơn so với sách in năm 2009 – là thời điểm giá giấy trên thị trường không hề có biến động.
Thêm vào đó, những cuốn in năm 2009 đều in với số lượng lớn hơn năm 2008, lẽ ra giá thành phải hạ hơn nhưng không hiểu vì lý do gì sách/vở bài tập lại tăng từ 10 đến gần 20%?
Như vậy, nếu các nhà sách giảm giá sách bổ trợ 15% theo đúng tinh thần công văn của NXB Giáo dục, cái giá mà phụ huynh phải trả cho một số cuốn vẫn cao hơn so giá sách in năm 2008.
Được biết, năm học 2009-2010, NXB Giáo dục phát hành chừng 90 triệu bản sách giáo khoa phục vụ học sinh. Nếu kế hoạch giảm giá sách này không đến được phụ huynh, học sinh thì lại người tiêu dùng lại phải chịu cảnh “có tiếng nhưng không được miếng” và phải chịu thiệt tới tiền tỷ.
 Hồng Hạnh (Dan tri)

Bình luận (0)