Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhà vệ sinh trong trường học: thấy mà kinh! – Bài 1: Thiếu, dơ và… đóng cửa!

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện không mới nhưng kết quả khảo sát mới đây vẫn khiến người ta phải giật mình. Không ít con em chúng ta hằng ngày học hành trong trường vẫn phải “nín nhịn” vì không có nhà vệ sinh hoặc có nhưng quá khủng khiếp! 


Nhà vệ sinh nằm sát phòng học (ảnh chụp tại một cơ sở của Trường tiểu học Cây Bàng ở quận 4, TP.HCM). Và các em học sinh – trong trường hợp này – chỉ biết… chịu đựng! – Ảnh: L.Trang

Chuyện đã được “kêu” hàng chục năm nay, học sinh kêu, phụ huynh kêu, nhà trường cũng kêu nhưng đâu vẫn hoàn đấy, tình hình vẫn không được cải thiện: nhà vệ sinh trong trường học thiếu và mất vệ sinh kinh khủng!

Tình trạng khá phổ biến này đáng lưu ý, lại xảy ra ở hai TP lớn nhất nước: Hà Nội và TP.HCM. Cũng dễ hiểu: vì hai nơi này mật độ học sinh cao, diện tích trường học lại thấp.
Hà Nội: quá tải, xuống cấp, thiếu thốn
Ở đâu cũng có vấn đề
Theo kết quả kiểm tra phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại 14 tỉnh, TP trên cả nước gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, có 3.000 trường/11.000 trường được kiểm tra không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng.
Cụ thể có khoảng 1.200 trường mầm non nằm trong tình trạng trên, chiếm 32% so với số trường đã kiểm tra, gần 1.000 trường THCS, chiếm 36% và 900 trường tiểu học, chiếm 22%, 100 trường THPT… Đáng nói nhất là nghệ An có đến 900/1.600 trường chưa có công trình vệ sinh và nước sạch hợp vệ sinh. Sau nữa là Thanh Hóa có trên 1.200/2.100 trường chưa có nhà vệ sinh hoặc công trình vệ sinh xuống cấp, không đạt yêu cầu.
Vĩnh Hà (Nguồn: Bộ GD-ĐT)
Con số trên 1.000 trường học/1.255 trường học được khảo sát tại Hà Nội (khu vực mở rộng) thiếu nhà vệ sinh khiến nhiều người thấy “choáng”. Nhưng còn đáng suy nghĩ hơn khi khu vực Hà Nội cũ, nơi vẫn được xem là thuận tiện hơn về cơ sở vật chất trường học, thì trong số 1.000 trường được khảo sát vẫn còn có trên 600 trường “có vấn đề” về nhà vệ sinh.
Ngay cả ở một vài trường điểm của Hà Nội, nhà vệ sinh cũng là vấn đề. Bà hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Thành Công cho biết: “Chuyện vệ sinh của học trò được trường rất quan tâm”. Thế nhưng, dù được quan tâm cũng chỉ có hai khu vệ sinh, mỗi khu khoảng 20m2 cho 2.900 HS. “Đúng là hơi… quá tải”, theo nhận xét của bà hiệu trưởng.
Tương tự, Trường tiểu học Kim Liên với trên 3.000 HS chung ba nhà vệ sinh. Tình trạng bốc mùi do chất thải không kịp thoát là phổ biến khiến nhiều HS ở những lớp gần đó “phải sống chung với ô nhiễm”.
Tại Trường tiểu học và THCS Bế Văn Đàn, tuy nhà vệ sinh được xây bên ngoài khu lớp học nhưng HS thường xuyên phải ngửi mùi khai thối khi cửa sổ lớp học trông thẳng ra khu vệ sinh thông thống không cửa. Em N.M., học sinh lớp 7, cho biết: “Những ngày trời nóng, sau giờ giải lao chúng em không thể tập trung học được”.
Đa số trường học ở nội thành Hà Nội khi thiết kế đều có đầy đủ khu vệ sinh theo tính toán đủ cho số HS sử dụng. Nhưng vì quy mô tăng mà cơ sở vật chất không nhúc nhích nên việc quá tải, xuống cấp nhà vệ sinh diễn ra. Một số trường còn tận dụng cả nơi được thiết kế cho nhà vệ sinh để làm phòng học, phòng chức năng.
Trường THCS Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm) khi thiết kế có ba phòng vệ sinh cho ba tầng nhà. Nhưng ba phòng vệ sinh hiện đã biến thành phòng y tế, thư viện, công đoàn. Nhà vệ sinh được cải tạo lại ở tầng 1 cho HS nữ. Còn HS nam thì nhà trường tận dụng khu hành lang sát tường rào. Gần 1.000 HS sử dụng chỗ tiểu tiện quá chật hẹp. Một HS nam cho biết: “Chỗ đi tiểu vốn là hành lang nên hẹp và không thông khí, rất bẩn và nặng mùi. Chúng em thường “đi” luôn phía ngoài cửa, ít vào bên trong vì không thể thở được!”. Không “phục vụ” nổi HS, một số trường ở Hà Nội giải quyết khó khăn bằng cách tiêu cực là “đóng cửa nhà vệ sinh” (!).
Một nhà vệ sinh “cấm vận” vì hư hỏng, thiếu lại càng thiếu – Ảnh: L.Trang
Sống chung với… WC
Mặc dù hầu hết các trường trên địa bàn TP.HCM đều có hệ thống nhà vệ sinh, nhưng do tỉ lệ HS sử dụng quá cao đã khiến nhà vệ sinh rơi vào tình trạng quá tải, nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.
Do đặc trưng thiếu diện tích trường, rất nhiều trường ở TP.HCM phải xây nhà vệ sinh ngay cạnh dãy phòng học, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và HS. Tại một cơ sở của Trường tiểu học Cây Bàng (Q.4), hai phòng vệ sinh mới xây đều nằm sát dãy phòng học. Có phòng học mở cửa sổ ra là gặp… cửa nhà vệ sinh. Một giáo viên ở đây cho biết: “Do diện tích các cơ sở quá chật hẹp, không thể bố trí nhà vệ sinh nằm xa các phòng học được. Dẫu biết ảnh hưởng đến việc dạy và học, nhất là trong mùa nắng nóng, nhưng tạm thời chúng tôi chưa có phương án khắc phục”.
Trường tiểu học BT (Q.Bình Tân) có ba khu nhà vệ sinh, trong đó có một khu dành cho giáo viên. Tuy nhiên, các phòng vệ sinh của trường đều bị xuống cấp trầm trọng: có ba phòng vệ sinh đóng cửa vì không sử dụng được hoặc được sử dụng làm kho chứa đồ. Trước cửa nhà vệ sinh có dán “Cầu bị nghẽn không đi được”. Cửa các phòng đều bị hư hoặc không có cửa. Các dụng cụ như cọ, xô chậu nằm lộn xộn chiếm hết diện tích. Sàn nhà và tường luôn trong tình trạng ẩm ướt, bốc mùi. Điều đáng nói là hai khu vệ sinh HS đều nằm sát dãy phòng học, do đó vào các buổi trưa hoặc chiều thì bốc mùi rất khó chịu.
Em N., HS lớp 8 Trường THCS PT (Q.11), cho biết: “Khu vực nhà vệ sinh cái thì không hiểu sao luôn đóng cửa, cái thì quá dơ, không có giấy vệ sinh, xà bông, gáo múc nước. Mặc dù các cô lao công dọn vệ sinh hằng ngày nhưng vẫn không át được mùi hôi. Thường chỉ khi nào bí quá em mới đi vệ sinh tại trường.”.
Tại nhiều khu vệ sinh của các trường, chúng tôi đều thấy dán những quy định về việc sử dụng nhà vệ sinh, như nhắc nhở việc giội nước, không ngồi xổm lên bồn cầu, không vứt rác bừa bãi… nhưng hầu như chưa cải thiện được ý thức của HS trong việc sử dụng nhà vệ sinh. Thực tế cho thấy phần ghế bồn cầu thường bị xước, gãy, cửa nhà vệ sinh hỏng, không đóng được, nước chảy vô tội vạ và rác không được bỏ vào thùng như quy định.
Xây trường mà không có nhà vệ sinh
Trong trên 1.000 trường khu vực Hà Nội thiếu nhà vệ sinh, đáng nói là có những nơi nhà vệ sinh hoàn toàn không được nghĩ đến khi xây dựng. Bà Nguyễn Thu Hòa, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (H.Thạch Thất), cho biết khu trường cũ xây dựng năm 2001 không hề có nhà vệ sinh. Năm 2007, trường được xây dựng thêm một khu trường nữa, thiết kế cũng chỉ có phòng học. Thắc mắc lên trên thì được giải thích “mẫu trường của bộ chỉ có thế thôi!”, nhà vệ sinh không có trong thiết kế, nghĩa là không có kinh phí cho hạng mục này, đành bó tay! Theo bà Hòa, một quan niệm tương đối phổ biến đang tồn tại là “cái cấp bách hơn là phòng học thì phải lo xây phòng học đã”.
Quá tải
Theo cách tính của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc khảo sát mới chỉ lấy căn cứ vào tiêu chí mang tính bình quân đối với các cấp học – là cứ 100 HS có một nhà tiêu, 50 HS có một nhà tiểu, 60 HS có một vòi nước.
Trong khi đó, tại TP.HCM, theo thang điểm đánh giá trường tiểu học đạt chuẩn, khối một buổi phải đạt tỉ lệ 200 HS/một bồn cầu và 50 HS/một bồn tiểu; còn khối bán trú phải đạt tỉ lệ 50 HS/một bồn cầu và 50 HS/một bồn tiểu.
Nhưng hầu như các trường đều gặp khó khăn trong việc thực hiện tỉ lệ này, từ Hà Nội đến TP.HCM.
T.V.HÀ – L.TRANG (TTO)

Bình luận (0)