CẦN CHIẾN LƯỢC, LỘ TRÌNH CỤ THỂ
Trả lời báo chí trong dịp khai giảng đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục, không thể đưa những cụm từ như “thí nghiệm”, “chuột bạch” vào trong quá trình này. Nhiều chuyên gia đồng ý với ý kiến này nhưng cho rằng, Bộ cần tính toán kỹ khi tiến hành đổi mới.
Tính toán kỹ, hạn chế làm thử
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về đổi mới giáo dục. Bởi công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng, không thể chờ đến khi hoàn thành chương trình và sách giáo khoa mới mới bắt đầu, mà phải bắt đầu ngay từ khi có Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương Đảng. Những bất cập tồn tại trong thực tế cần được khắc phục, những giải pháp nâng cao chất lượng cũng cần được áp dụng ngay”.
“Tuy nhiên, đổi mới phải có chiến lược, lộ trình; những giải pháp cụ thể phải được nghiên cứu cẩn thận, phải qua thí điểm rồi mới nhân rộng. Có như vậy mới hạn chế được cách làm “thử và sai”, liên tục thay đổi, làm khó người dạy, người học và tạo ra những phản ứng tiêu cực từ xã hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng dẫn chứng, một vấn đề khác đang thu hút sự quan tâm của xã hội là dạy và học ngoại ngữ. Trong lúc đề án dạy và học tiếng Anh 2008- 2020 thực hiện lúng túng, không có kết quả, thì Bộ GD – ĐT lại dự kiến xây dựng các đề án dạy tiếng Trung (đúng ra phải gọi là tiếng Hán), tiếng Nga, tiếng Nhật như là những ngoại ngữ số 1 (bắt buộc).
Chương trình, sách giáo khoa ở bậc phổ thông vẫn được đánh giá là nặng.
|
Phân tích về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Trong bối cảnh hội nhập, quan hệ đa phương hiện nay, việc chọn ngoại ngữ nào là số 1 thì phải căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước mà quyết định. Để hội nhập trong Cộng đồng ASEAN và hội nhập với thế giới, công cụ tốt nhất là tiếng Anh. Tiếng Anh đang là ngôn ngữ giao dịch phổ biến nhất trên thế giới và chắc chắn sẽ trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung của các nước ASEAN. Khi đã xác định tiếng Anh là ngoại ngữ số 1, thì cần tập trung đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để thực hiện bằng được mục tiêu đề ra trong khoảng mươi năm tới.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Các môn ngoại ngữ khác ở phổ thông nên để học sinh tự chọn. Nếu coi một số ngoại ngữ ngoài tiếng Anh là bắt buộc, thì các trường sư phạm vẫn phải đào tạo với số lượng lớn. Hậu quả là học sinh học những ngoại ngữ này ra trường sẽ khó tìm được việc làm hoặc ở một số trường, lớp nhất định, học sinh phổ thông sẽ buộc phải học ngoại ngữ trái với nguyện vọng của các em chỉ vì Sở GD – ĐT có nhiều thầy cô dạy các ngoại ngữ ngoài tiếng Anh. Điều này Bộ GD – ĐT cần tính toán rất cẩn thận”.
Theo báo cáo của Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tổng số kinh phí đã chi từ năm 2011 đến 2015 là hơn 3.829 tỷ đồng, gồm 2.198 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Trung ương và 1.631 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa mang lại biến chuyển rõ rệt về chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Một trong những nguyên nhân là do đề án đặt ra các mục tiêu quá cao, không phù hợp thực tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết, mặc dù gần 30 năm qua Nhà nước cũng như phụ huynh đầu tư rất nhiều cho con học tiếng Anh, nhưng kết quả vẫn rất thấp. Theo phổ điểm thi tốt nghiệp phổ thông của Bộ GD – ĐT, kết quả thi tiếng Anh trong hai năm 2015 và 2016 là khoảng 80% thí sinh trượt môn tiếng Anh.
Đang đổi mới từ “ngọn”
Theo GS Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đổi mới giáo dục hằng năm là cần thiết, nhưng đổi mới để đáp ứng một số yêu cầu, chứ không đổi mới một cách tùy tiện. Mục tiêu của Việt Nam là chuyển từ giáo dục theo lối truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh. Mục tiêu của vấn đề tự chủ của các trường đại học, cao đẳng là tự chủ đã được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học. Nhưng trong vài năm qua, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lại không đi theo định hướng đó bởi có sự nhầm lẫn trong cách điều hành triển khai của Bộ GD – ĐT. Cụ thể, thay vì giao tự chủ tuyển sinh để các trường thực hiện, thì Bộ lại ôm đồm việc của các trường, thậm chí cả xét tuyển.
Mặt khác, GS.VS Đào Trọng Thi băn khoăn về việc Bộ GD – ĐT xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá. Nghĩa là khâu có thể làm ngay và có thể tác động ít nhiều đến đổi mới. Tuy nhiên thi cử lại không phải là khâu chính trong quá trình đổi mới này, mà khâu chính trong này là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thì Bộ chưa làm được.
Như vậy, mặc dù Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã chỉ ra những việc cần làm, nhưng đi vào thực tế lại cần có những lộ trình phải được tính toán kỹ. Điều này ngành giáo dục vẫn còn thiếu và yếu.
Lê Vân/ Tin tức
Bình luận (0)