Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2016), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, cho biết TP đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành GD-ĐT phát triển, đồng thời nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên (GV), công nhân viên.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2015 cho thầy Nguyễn Xuân Toán – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu, Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày rất đặc biệt, có tính chất xã hội rộng lớn ở nước ta. Đó là dịp để mọi người đã, đang là học trò và toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người làm một nhiệm vụ rất đẹp, cao cả là “trồng người”; ngày để mọi người bày tỏ lòng tri ân về những cống hiến to lớn của ngành GD-ĐT đối với thế hệ trẻ, khẳng định vị thế của tri thức, trí tuệ và nhân cách Việt Nam; nâng cao lòng tự hào, vun đắp lòng yêu nghề của nhà giáo… Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo và cũng là sự biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, của tình thầy trò sâu sắc, thiêng liêng.
Cùng với các hoạt động thiết thực của ngành GD-ĐT và các địa phương, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM và ngành GD-ĐT TP tổ chức nhiều đoàn do các đồng chí lãnh đạo TP làm trưởng đoàn, đến thăm hỏi các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú đang sống ở TP; trân trọng trao giải thưởng Võ Trường Toản cho thầy giáo, cô giáo tiêu biểu…
PV: Như Phó Chủ tịch đã chia sẻ, rõ ràng giá trị của người thầy là bất biến! Thưa đồng chí?
Trong bức thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 3-1955, Bác Hồ dặn dò: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em nhân dân thành công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của Nhà nước”. Thực hiện lời dạy ân cần ấy của Bác, nhiều thế hệ nhà giáo TP bằng tình thương yêu con người và trách nhiệm đối với HS thân yêu đã và đang vượt qua những khó khăn đời thường, bám trường bám lớp, miệt mài chuẩn bị bài giảng, tích cực sáng tạo, vận dụng những phương pháp dạy học mới, hiện đại vào từng bài giảng, để từng tiết học thật sinh động, giàu tính gợi mở, nâng sự chủ động của người học; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, bằng sự mẫu mực của người thầy để làm gương, giáo dục nhân cách cho HS.
Rõ ràng, ở bất kỳ thời điểm nào, người thầy cũng luôn để lại dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong sự phát triển của các thế hệ, thông qua việc đánh thức, vun trồng, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn nại, sự bền bỉ, trí tuệ và cái tâm trong sáng. Ngày nay, mọi mặt đời sống xã hội phát triển nhanh chóng, nhiều mối quan hệ xã hội thay đổi, trong đó có mối quan hệ thầy – trò; mặt khác, sự phát triển của khoa học – công nghệ cho phép HS không chỉ học ở trường, lớp mà còn có nhiều môi trường khác để nghiên cứu, học tập. Nhưng với vai trò định hướng, giáo dục con người, dạy làm người thì không có môi trường học tập nào khác có thể thay thế được người thầy.
Đảng ta xác định phải đổi mới căn bản và toàn diện về GD-ĐT; yêu cầu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả” thì vai trò của người thầy lại càng sáng tỏ, đậm nét hơn.
Bên cạnh những chính sách, chế độ của Nhà nước mà thầy, cô giáo được hưởng thì một bộ phận thầy, cô hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về đời sống kinh tế… TP có chính sách nào để hỗ trợ những thầy giáo này không thưa đồng chí?
TP.HCM luôn quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, chăm sóc việc học tập của con em nhân dân TP, cho dù trước bất cứ khó khăn nào cũng không để HS phải bỏ học, nghỉ học. Đội ngũ nhà giáo đã gánh vác trực tiếp những việc khó về mình để mọi HS đều được đến trường. Do vậy, các đồng chí lãnh đạo TP các nhiệm kỳ đã luôn chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, tìm mọi cách có thể được để góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của nhà giáo, để thầy cô tiếp tục đứng trên bục giảng với HS của mình. Trong những lúc khó khăn, ngân sách dành cho GD-ĐT vẫn luôn tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên, 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của TP. Nhờ vậy, vào mỗi đầu năm học, TP kịp thời đưa vào sử dụng khoảng 2.000 phòng học mới với ngân sách đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Khó khăn của một bộ phận GV là có thật, bằng các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bình ổn thị trường, đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, lãnh đạo TP chia sẻ và hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người nghèo, người cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp, trong đó có một bộ phận GV. Trên cái nền chung đó, các cơ sở giáo dục công lập cần đẩy mạnh công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình. Nếu ngành GD-ĐT TP thực hiện tốt công việc này, nhất định sẽ góp phần tăng thu nhập rất thiết thực, chính đáng cho GV. Đồng hành cùng việc này, TP sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho GD-ĐT để phát triển trường lớp, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, kéo giảm sĩ số HS/lớp, thúc đẩy nâng cao tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày… góp phần giảm tải cho GV và HS.
Một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là GV dạy trẻ khuyết tật, GVMN, thưa đồng chí?
Một nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016-2017 trên lĩnh vực giáo dục đặc biệt là Sở GD-ĐT cần khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ nhân viên khối gián tiếp trong trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (công lập) trên địa bàn TP, trình UBND TP phê duyệt. Thực tế hiện nay, các chức danh về cấp dưỡng, bảo vệ, phục vụ, văn thư, thủ quỹ và y tế ở các trường phần lớn là kiêm nhiệm. Áp lực và khối lượng công việc quá lớn trong khi đồng lương chưa tương xứng, khiến người lao động thường xuyên bỏ việc, tuyển dụng mới cũng rất khó khăn.
Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Bình Thạnh) trong ngày khai giảng năm học 2016-2017 và khánh thành trường mới |
Dù TP đã có quy định trợ cấp giảng dạy đối với GV dạy HS khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp tiền hỗ trợ chưa đến tay GV, do phụ huynh chưa hỗ trợ trong việc lập hồ sơ; một số HS thuộc diện tạm trú không thuộc UBND phường, xã nơi cư trú giám định mức độ khuyết tật, có nơi UBND quận chưa chỉ đạo các phường thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận cho HS nên không được Sở Tài chính duyệt kinh phí hỗ trợ. Quyết định 05/2016 của UBND TP đã nêu rõ trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức thực hiện.
Đối với GVMN, nhất là GVMN ở địa bàn có các khu công nghiệp, trước tình hình áp lực công việc rất cao, chế độ phụ cấp chưa tương xứng với công sức của GV, nên trong tháng 10 vừa qua, tôi đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan thống nhất mức hỗ trợ là 44.000 đồng/giờ làm thêm. Yêu cầu Sở GD-ĐT phải nhanh chóng hoàn thành đề án “vị trí việc làm” để các quận, huyện chủ động trong việc tuyển dụng GV.
Bên cạnh đó, GV và cán bộ quản lý làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở các cơ sở GDMN dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở GDMN thực hiện trả lương theo thang bảng lương GVMN, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như GV đã hợp đồng làm việc có cùng trình độ đào tạo đang công tác ở các cơ sở GDMN công lập; GVMN công tác tại các cơ sở GDMN tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Các cơ sở GDMN tư thục đảm bảo chế độ lương cho GV không thấp hơn ở các cơ sở GDMN công lập có cùng trình độ, thâm niên công tác và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho GV theo quy định hiện hành, bảo đảm các chế độ thi đua, khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng…
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí có lời chúc và gửi gắm gì tới cán bộ, GV, công nhân viên ngành GD-ĐT?
Tôi có may mắn được lãnh đạo TP phân công lĩnh vực công tác trực tiếp với nhà giáo, với môi trường sư phạm; mỗi bước tiến của ngành GD-ĐT TP đang trên hành trình đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi hết sức mạnh mẽ của nhân dân, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, về đào tạo nhân lực, về phát triển đỉnh tháp dân trí, về bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ gắn liền với hoài bão, lòng say mê, lao động bền bỉ và sự vượt khó của mỗi thầy, cô giáo. Tôi chân thành tri ân sâu sắc các thế hệ nhà giáo, kính chúc quý thầy, cô giáo của TP thân yêu luôn mạnh khỏe, giàu nghị lực, mãi sáng tạo, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Bình luận (0)