Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mức học phí ở TP Hồ Chí Minh sẽ cao nhất nước

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều nay, 13-5, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 -2012 để Ủy ban cho ý kiến trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
6% là mức chi quá cao
Một trong những nội dung quan trọng của đề án là đề xuất thay đổi về chính sách học phí. Như tin đã đưa, đề án khẳng định sẽ sửa đổi chế độ học phí của các trường công lập theo hướng mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Mức học phí cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và hộ gia đình trên địa bàn.
Học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 trong giờ học
vi tính. Ảnh: MAI HẢI
Khung học phí đại học cũng chia thành 7 nhóm ngành đào tạo: Khoa học xã hội, kinh tế, luật từ 250.000-550.000đ/tháng; kỹ thuật – công nghệ: 270.000-650.000đ/tháng; khoa học tự nhiên: 270.000-650.000đ/tháng; nông – lâm – thủy sản: 230.000-550.000đ/tháng; y dược: từ 290.000-800.000đ/tháng; thể dục thể thao, nghệ thuật: từ 270.000-650.000đ/tháng; sư phạm: 200.000-500.000đ/tháng. Trong trường hợp SV sư phạm vay vốn tín dụng để đóng học phí, sau khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với đại học, cao đẳng) và 3 năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì Nhà nước sẽ xóa nợ (cả gốc lẫn lãi).
Tuy nhiên, theo ý kiến của Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Trong khi mức sống của nhân dân ta còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục thì việc tăng học phí của các cấp học có thể sẽ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Trao đổi với SGGP 12 Giờ sáng nay, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, 6% là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển (theo số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT); trong khi ở các nước phát triển con số này cũng chỉ từ 2%-10%.
Chưa nên thực hiện trong năm nay
Theo đề án, học sinh tiểu học là đối tượng được miễn học phí (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM). Ảnh: MAI HẢI
Khung học phí trong đề án có biên độ rất rộng, vì vậy ông Thuyết cho rằng cần chia thành các mức nhỏ hơn tương ứng với các mức chất lượng khác nhau và chỉ cho phép các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí ở mức tương ứng với chất lượng đã được kiểm định công nhận. Ngoài ra, lộ trình tiến tới miễn học phí đối với cấp THCS cũng cần phải làm rõ vì hiện nay, theo chiến lược giáo dục thì đến năm 2010, nước ta sẽ phổ cập xong THCS.
Về lộ trình thực hiện, khoảng cách giữa mức học phí với khung học phí dự kiến hiện nay là quá lớn. “Cần thực hiện tăng dần theo từng năm học, mỗi năm chỉ nên tăng khoảng 30%-40%. Nói chung, các mức học phí cụ thể trong đề án là quá cao, đặc biệt đối với hệ đào tạo nghề nghiệp và như vậy sẽ không khuyến khích được học sinh học nghề, không phân luồng được học sinh”, ông Thuyết nói.
Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay nên thực hiện việc tăng học phí từ năm 2010, không nên thực hiện ngay trong năm 2009, vừa khó khăn, vừa gấp gáp.
Đề án cũng đặt ra việc miễn học phí đối với học sinh tiểu học, học sinh thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia; giảm học phí cho các đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách, ngành nghề khuyến khích; Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập (chi phí ngoài nhà trường) cho học sinh phổ thông và các vùng có thu nhập rất thấp…, tuy nhiên theo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì đề án lại chưa đề cập đến học bổng khuyến khích cho những học sinh, sinh viên giỏi. Trong khi đó, cần coi đây là giải pháp hữu hiệu nhằm tạo động lực cho học sinh phấn đấu học tập, góp phần thực hiện chính sách nhân tài.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở mức thu nhập bình quân đầu người/tháng cả nước năm 2008 là 871.000đ thì mức học phí mới bình quân tương đương 44.000đ/tháng.
Tuy nhiên, do thu nhập bình quân của 3 vùng (thành thị, nông thôn, miền núi) khác nhau nên mức học phí của 3 vùng này cũng khác nhau: Học sinh khu vực thành thị sẽ phải đóng bình quân 113.000đ/tháng nhưng ở khu vực nông thôn thì mức học phí phổ thông chỉ còn 22.000đ tháng (dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người là 693.000đ/tháng) và ở miền núi cơ bản không phải đóng học phí. TPHCM là nơi sẽ phải đóng học phí cao nhất nước.
PHAN THẢO (Theo SGGP)

Bình luận (0)