Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Điều chỉnh học phí: Theo khả năng chi trả và bảo đảm công bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Như tin đã đưa, chiều 13-5, Thường vụ Quốc hội đã có cuộc họp bàn về Đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012" và vấn đề học phí (HP) đã đi đến hồi kết sau thời gian dài có nhiều ý kiến khác nhau. Sự cần thiết đã là điều được khẳng định, nhưng cũng cần có lộ trình.

Hiện tại, các trường ĐH, CĐ, TCCN đang thực hiện tốt chế độ học bổng chính sách và học bổng khuyến khích học tập. Ảnh: P.Thanh

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cần phải hiểu cho đúng rằng HP được điều chỉnh theo khả năng chi trả của người dân và bảo đảm công bằng xã hội.
Học sinh: Nhà nước lo 94,5% chi phí
Đổi mới chính sách HP là một trong 8 nội dung của Đề án "Đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT giai đoạn 2008-2012" với nội dung toàn diện nhằm giải quyết các bất hợp lý trong hệ thống, tạo sự hoạt động hiệu quả hơn, công bằng hơn. Tuy nhiên, HP là một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình, có tác động lớn đến xã hội nên theo Bộ GD-ĐT thì HP giáo dục phổ thông là sự chia sẻ chi phí giáo dục của người dân với Nhà nước ở mức đóng góp phù hợp khả năng chi trả từ thu nhập của hộ gia đình. Vì thế, HP và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương và trong từng tỉnh có các vùng có thu nhập khác nhau thì có mức HP khác nhau. Các hộ có thu nhập rất thấp thì không phải đóng HP, có đối tượng còn được hỗ trợ tiền để cho con đi học. Đây là một sự đổi mới trong việc xác định mức HP, tạo sự công bằng hơn trong việc đóng góp cho con đi học của người dân. Đặc biệt, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chi lớn nhất, chủ yếu cho việc học tập, bảo đảm thực hiện yêu cầu phổ cập và quy mô các cấp học theo từng giai đoạn. Với mức này thì HP khối mầm non, phổ thông sẽ đóng góp 5,5% vào chi phí giáo dục, 94,5% là kinh phí của Nhà nước. Phương án này đã được lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương trong hơn 1 năm qua.
Khi quy định HP và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập ở giáo dục mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương, có nghĩa là các hộ ở địa bàn có thu nhập cao thì 6% thu nhập sẽ cao hơn ở địa bàn có thu nhập thấp. Học phí sẽ không còn cào bằng như trước kia nữa. Khi đó, người giàu hơn sẽ chia sẻ với Nhà nước nhiều hơn về chi phí giáo dục cho con em họ. Nhưng xét về tỷ lệ đóng góp cho giáo dục so với thu nhập của hộ gia đình thì như nhau.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội thì mức 6% là cao so với thu nhập hiện nay của người dân. Giải thích về con số này, những người xây dựng đề án cho biết, theo thống kê, mức chi HP của hộ có 1 hoặc 2 con đi học so với thu nhập của gia đình nằm trong giới hạn 4% đến 8%, nên mức 6% là phù hợp. Đồng thời, cùng với việc điều chỉnh khung HP còn có các cơ chế tài chính kèm theo như: HS gia đình chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia được miễn học phí; đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách, ngành nghề khuyến khích được giảm HP; HS diện chính sách và các vùng có thu nhập rất thấp được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập.
Sinh viên: Không phải bỏ học vì học phí
HP đối với đào tạo nghề nghiệp từ sơ cấp đến ĐH được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học. Mục tiêu là HP phải bảo đảm bù đắp chi phí tiền lương cho giáo viên và cán bộ quản lý, từng bước bảo đảm chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành. Tuy nhiên, theo đề án, mức HP trần vào khoảng 235.000 đồng/tháng, hiện nay là 180.000 đồng/tháng. Mức tăng này chỉ bằng 50% mức trượt giá trong 11 năm qua. Với mức này, các trường mới có khả năng bù đắp chi phí tiền lương cho giáo viên với mức lương tối thiểu đã tăng lên 650.000 đồng/tháng. HP cũng được tính cho các nhóm ngành đào tạo và tăng dần từ nay đến năm 2012.
Khi biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng chế độ HP mới, nhiều sinh viên lo rằng sẽ phải bỏ học vì không có tiền đóng HP. Tuy nhiên, với những chế độ chính sách hiện đang áp dụng cho sinh viên thì có lẽ không có sinh viên nào muốn học, có ý thức học tập và phấn đấu học tốt mà lại không có nguồn kinh phí để học tập. Học sinh khá, giỏi thì được cấp học bổng khuyến khích học tập. Theo quy định, các trường công lập phải dành tối thiểu 15% nguồn thu HP, trường ngoài công lập phải dành tối thiểu 5%, để cấp học bổng cho sinh viên loại khá với mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức HP trần, loại giỏi và xuất sắc thì đương nhiên cao hơn loại khá. Hiện nay, các trường ĐH, CĐ, TCCN thực hiện rất tốt chế độ học bổng chính sách và học bổng khuyến khích học tập, kể cả trường ngoài công lập.
Với sinh viên thuộc diện chính sách như hệ cử tuyển, đang học trường dự bị đại học, học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật đang học trường dạy nghề thì được cấp học bổng bằng 80% lương tối thiểu, có nghĩa là cao hơn nhiều HP. Sinh viên thuộc diện chính sách, con gia đình nghèo được miễn hoặc giảm HP theo quy định.
Hiện nay, tính trên tổng số HS, sinh viên từ mầm non đến đại học thì có đến 53% được miễn giảm, chỉ có 47% là phải đóng HP. Theo tính toán, nếu theo khung HP mới, mỗi năm Nhà nước sẽ phải chi 5.300 tỷ đồng để miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng này.
Đặc biệt, hiện nay, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ không còn khả năng lao động được vay ưu đãi với mức vay tối đa là 800.000 đồng/tháng.
Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính cho GD-ĐT giai đoạn 2008-2012”, trong đó có đổi mới HP, có được triển khai trong năm học 2009-2010 hay không còn chờ ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Điều mà dư luận trông chờ là quyết định ấy sẽ tính được đầy đủ lợi ích của cả người học, cơ sở đào tạo và Nhà nước.
Kim Thoa (Hà nội mới)

Bình luận (0)