Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đang thực hiện tại một số trường tiểu học sẽ đi về đâu nếu năm học 2018-2019 thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở lớp đầu cấp. Ngoài ra, bài toán tổ chức học 2 buổi/ngày chưa thể đáp ứng thì nên chăng trước mắt vẫn tổ chức lớp học 1 buổi?…
Mô hình VNEN sẽ đi về đâu nếu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể triển khai đại trà? |
Đây là những băn khoăn của lãnh đạo nhiều trường tiểu học xoay quanh dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Bỏ hay duy trì mô hình VNEN?
Mặc dù đã nhận được thông tin đóng góp ý kiến cho dự thảo, tuy nhiên các giáo viên cũng như lãnh đạo Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi, TP.HCM) vẫn tỏ ra băn khoăn không biết mô hình VNEN mà trường đang thực hiện sẽ tiếp tục duy trì hay xóa bỏ hoàn toàn khi chính thức thực hiện chương trình tổng thể.
Cô Phan Thị Mỵ (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Chúng tôi mới chỉ đọc được khung dự thảo chương trình và không thấy dự thảo nói đến mô hình VNEN. Nếu mà xóa bỏ mô hình này thì thật đáng tiếc vì đến nay nhà trường đã thực hiện được 5 năm với 26 lớp (từ lớp 2 đến lớp 5). Theo đó, mọi hoạt động giảng dạy, đánh giá đi vào nề nếp và đạt được những hiệu quả nhất định. Lớp học nhẹ nhàng, thân thiện, giữa giáo viên và học sinh có sự tương tác, học sinh hình thành được tinh thần chủ động, tích cực, tự tin trong học tập. Riêng phụ huynh cũng đã nắm bắt, có sự tin tưởng. Để có được kết quả này, giáo viên và học sinh nhà trường phải trải qua một quá trình tập huấn, làm quen”.
Theo cô Mỵ, nếu chương trình tổng thể xây dựng trên tinh thần VNEN thì việc đưa vào thực hiện không khó vì 100% học sinh học 2 buổi/ngày, giáo viên cũng dễ dàng bắt nhịp. Tuy nhiên, đặc điểm của mô hình VNEN là không triển khai ở lớp 1 vì học sinh chưa biết đọc, không thể chủ động trong các hoạt động học tập theo từng ban, cho nên chương trình tổng thể có xây dựng trên tinh thần VNEN thì cũng phải triển khai từ lớp 2 mới phù hợp.
Trường Tiểu học Tân Thông là trường đầu tiên của TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình VNEN từ năm học 2012-2013 ở lớp 2, lớp 3 và nhân rộng dần lên. Đây là mô hình tổ chức dạy – học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm và giáo trình riêng hoàn toàn. Theo Sở GD-ĐT, đến nay TP.HCM đã nhân rộng mô hình ở hơn 60 trường tiểu học. Trong đó, khối 2 gần 200 lớp, khối 3 gần 200 lớp, khối 4 gần 90 lớp và hơn 20 lớp ở khối 5. Dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng, triển khai mô hình ở bậc THCS.
“Phải có chương trình 1 buổi”
Đây là chia sẻ của một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân khi nói đến chương trình tổng thể. Vị lãnh đạo này nhận định, triển khai đại trà chương trình từ các lớp đầu cấp với 100% học 2 buổi sẽ khó tránh được bất cập, thiếu sót. Một chương trình tổng thể mang tầm quốc gia, hướng đến phát triển hài hòa thể chất, tinh thần, phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh hội nhập thì đòi hỏi phải có một lộ trình chuẩn bị về cơ sở vật chất, giáo trình, năng lực, phẩm chất đội ngũ… đầy đủ, kỹ lưỡng.
Khó khăn lớn nhất mà những quận vùng ven đối diện hàng năm đó là học sinh nhập cư tăng mạnh, số lượng phòng học, trường học không đáp ứng kịp thời việc dạy học 2 buổi. Như Q.Bình Tân, hiện tại chỉ có 37% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và chỉ đạt 32% ở bậc THCS. Thử hỏi sau 1 năm quận giải quyết bằng cách nào để đáp ứng yêu cầu chương trình tổng thể. Nếu như lấy các phòng chức năng làm phòng học thì đi trái với điều lệ trường học, vì học sinh sẽ học các bộ môn đặc thù của phòng chức năng ở đâu?
Cần có thêm thời gian chuẩn bị Trao đổi với chúng tôi, cô Võ Ngọc Thu (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.5) tỏ ra lo lắng về đội ngũ giáo viên khi triển khai chương trình tổng thể. Vì đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy nhưng hiện tại chưa thấy sự bất kỳ sự khởi động nào. “Theo dự thảo, chắc chắn giáo viên sẽ tham gia tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp thực tiễn, nhưng trong khoảng thời gian quá ngắn thì công tác tập huấn liệu có hiệu quả?”, cô Võ Ngọc Thu nói. Theo cô, Bộ GD-ĐT nên có thêm thời gian chuẩn bị, triển khai áp dụng chương trình. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng nên xem lại việc phân bổ thời gian học giữa các khối, tránh lớp nhiều, lớp ít để nhà trường dễ dàng quản lý. |
Trước thực trạng khó khăn, vị lãnh đạo này kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trước khi xây dựng chương trình. Trước mắt chưa giải quyết được khó khăn thì phải xây dựng chương trình 1 buổi để phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương. Thời điểm này, nếu đưa vào triển khai thì sớm nhất cũng phải 2 năm nữa để sự chuẩn bị được kỹ lưỡng, chứ 1 năm thì rất khó. Chỉ nói đến khâu góp ý, bản thân người góp ý mới nắm được khung chương trình, chưa biết cụ thể nội dung giáo trình giảng dạy từng bậc học và kết quả đánh giá về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên… thì việc góp ý cũng khó mà chuẩn xác”.
Liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất, ông Ngô Xuân Đông (Trưởng phòng GD-ĐT Q.7) cũng chia sẻ, Q.7 hiện đạt trên 99% học sinh học 2 buổi/ngày, chỉ còn 4 lớp học 1 buổi. Theo kế hoạch trong năm nay sẽ tiến tới khởi công 1 trường học. Nếu đúng tiến độ thì 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu chương trình tổng thể. Nhưng chuyện xây dựng không phải chủ quan của ngành mà là của quận vì thế phòng cũng không thể khẳng định sang năm có thêm trường mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)