Trung Quốc, Nga và Mỹ đang chạy hết tốc lực phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) – công nghệ được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ tương lai nhân loại.
Tỉ phú công nghệ Elon Musk là người lên tiếng cảnh báo vũ khí tự động sẽ đẩy nhân loại đến thế chiến thứ 3 – Ảnh: AFP
"Trí tuệ nhân tạo là tương tai, không chỉ đối với Nga mà còn là toàn thể nhân loại. Ai dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới" – Tổng thống Vladimir Putin đã phát biểu như vậy trong một đoạn video trực tuyến nhân dịp khai giảng năm học mới tại Nga.
Ông Putin không phải là người duy nhất có suy nghĩ đó. Đây là một cuộc đua căng thẳng đang diễn ra giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ, với mục tiêu sở hữu trong tay "sức mạnh quân sự thông minh".
"Không chỉ khác biệt, đó là cách mạng"
Thực tế, mỗi cường quốc trên đều đã chính thức công nhận tầm quan trọng của AI đối với an ninh quốc gia. Trong một tương lai không xa, các loại máy móc/vũ khí tự vận hành bằng AI, như máy bay không người lái (UAV), được dự báo sẽ thay thế những người lính cầm súng trên chiến trường.
"Mỹ, Nga và Trung Quốc đều hiểu trí tuệ nhân tạo sẽ là công nghệ chìa khóa củng cố sức mạnh quốc gia trong tương lai" – ông , chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, khẳng định.
Ông Allen là đồng tác giả của một báo cáo về AI công bố gần đây, đặt hàng bởi chính Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ. Báo cáo kết luận như sau:
"Giống với các công nghệ quân sự đột phá trước đây, ảnh hưởng của AI đối với an ninh quốc gia sẽ mang tính cách mạng, chứ không đơn thuần là khác biệt. Các chính phủ trên khắp thế giới sẽ quan tâm và ban hành nhiều chính sách đặc biệt để thích ứng, có thể so sánh với các chính sách trong những thập niên đầu của vũ khí hạt nhân".
Dù Mỹ được công nhận là một trung tâm toàn cầu về AI, sự phát triển này lại chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tư nhân. Mãi cho đến tháng 10-2016, Nhà Trắng mới công bố một báo cáo cụ thể về AI. Chính phủ Mỹ bị đánh giá là chậm hơn so với Trung Quốc và Nga trong việc ứng dụng AI vào thực tế.
" Giống với các công nghệ quân sự đột phá trước đây, ảnh hưởng của AI đối với an ninh quốc gia sẽ mang tính cách mạng, chứ không đơn thuần là khác biệt"" Chuyên gia Gregory C. Allen |
Binh sĩ Mỹ thử nghiệm một loại súng hiện đại – Ảnh: AFP
Người dẫn đầu
Tháng 7 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc công bố một chiến lược quốc gia chi tiết, trong đó nêu rõ tham vọng trở thành "người dẫn đầu" và "trung tâm sáng tạo toàn cầu" trong lĩnh vực AI đến năm 2030.
Cụ thể, Bắc Kinh cam kết sẽ đổ tiền cho AI và các hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) liên quan, qua đó "tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững và bảo vệ an ninh quốc gia".
Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Goldman Sachs, Trung Quốc hiện đang có đầy đủ động lực, sự ủng hộ của chính phủ và tài nguyên cần thiết để trở thành một cường quốc thế giới về AI.
Trung Quốc cũng được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng AI để quản lý người dân, điều mà Mỹ không thể có do khác biệt về thể chế chính trị. Ví dụ, để phát hiện sớm tội phạm, nhà cầm quyền Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ AI nhận diện gương mặt và phân tích dự đoán.
Ngoài ra, chiến lược AI của Trung Quốc còn kết nối trực tiếp mảng phát triển AI thương mại và ứng dụng quốc phòng, một đặc điểm có được nhờ quyền kiểm soát mạnh của chính phủ trung ương Bắc Kinh.
Nga đang trỗi dậy
Nga vẫn theo sau Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, chương trình hiện đại hóa quân đội Matxcơva khởi động năm 2008 đã mang lại sự bùng nổ và làn sóng đầu tư mới vào AI.
Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga đặt ra mục tiêu chuyển đổi 30% khí tài quân sự sang tự động đến năm 2025. Do ngành công nghệ của nước này yếu hơn Trung Quốc và Mỹ, họ cần một mục tiêu cụ thể và tham vọng như vậy để giữ tính cạnh tranh, theo giới quan sát.
Nga có lợi thế nhờ truyền thống học thuật mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ và khoa học, thêm vào đó là những phát minh, kỹ thuật đã có sẵn.
Chuyên gia Samuel Bendett, Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), nhận xét Nga tuy sở hữu các mẫu UAV rẻ tiền với tầm hoạt động ngắn, họ đã triển khai chúng rất hiệu quả ở Ukraine và Syria.
Giống với Trung Quốc, chính phủ Nga có nhiều quyền hạn trong việc quyết định chiến lược phát triển AI. Họ có toàn quyền hướng AI vào mục tiêu chính là các ứng dụng quân sự và tình báo.
Kết luận
Cuộc đua AI giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ khác với bất cứ cuộc chạy đua vũ trang nào trước đây trên khía cạnh công nghệ này còn có các ứng dụng thương mại rõ ràng.
Cùng một công nghệ giúp Facebook nhận ra gương mặt trong các bức hình cũng có thể giúp các chính phủ phát hiện tội phạm và gián điệp.
Xe hơi tự hành cũng cần những công nghệ giống với máy bay, xe quân sự không người lái. Do đó, có thể nói các công ty tư nhân đang nghiên cứu kỹ thuật quân sự, dù vô ý hay cố tình.
Tuy nhiên, vẫn còn chút "hy vọng" le lói. Theo ý kiến của Tổng thống Putin, việc san bằng sân chơi AI có thể giúp thế giới an toàn hơn.
Điều này được giải thích tương tự như logic "răn đe hạt nhân": Nếu chúng ta có vũ khí hạt nhân ở cả hai chiến chuyến và sự hủy diệt đồng loạt là chắc chắn, chúng ta sẽ không sử dụng chúng.
Chuyên gia Allen cũng chỉ ra rằng AI sẽ thay đổi mọi thứ một cách căn cơ, đến mức dân số không còn là yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh quốc gia; các nước nhỏ hơn sở hữu sức mạnh AI "sẽ đấm vượt hạng cân của mình".
Bình luận (0)