Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009: Hoàn tất khâu chuẩn bị

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mai (2-6), tại gần 2.400 hội đồng coi thi (HĐCT) trên toàn quốc sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009 – dấu mốc nhằm tiến tới

Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông-Hà Nội ôn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp. Ảnh: Viết Thành

một kỳ thi THPT quốc gia dự kiến tổ chức vào năm 2010. Với nhiều thay đổi đáng kể, nhất là trong việc tổ chức thi theo cụm trường đã đặt lên vai các địa phương mối lo không nhỏ trong việc xây dựng phương án đi lại, ăn, nghỉ, sinh hoạt, bảo đảm an toàn cho thí sinh (TS)

Đa dạng đáp án cho bài toán đường xa

Một trong những điểm mới có ảnh hưởng trực tiếp tới TS trong kỳ thi năm nay là phương án tổ chức thi theo cụm trường được triển khai thống nhất trên toàn quốc, với yêu cầu mỗi cụm trường được ghép từ 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trở lên, bởi thế, việc đi lại của TS vất vả hơn so với các năm trước.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hơn 80% trong tổng số 1.069 cụm tổ chức thi theo cụm có từ 3 trường (3 TTGDTX) trở lên. Trừ một số ít địa phương đã từng tổ chức thi theo cụm, còn lại đều khá bỡ ngỡ trước hình thức mới này, trong đó mối lo đầu tiên là xây dựng phương án thuận lợi, an toàn tuyệt đối trong việc đi lại, ăn, nghỉ, sinh hoạt cho TS và người nhà TS trong những ngày thi.
Thanh Hóa – địa phương có số lượng TS đông thứ 3 toàn quốc (với  59.000 TS) có 160 TS ở huyện Mường Lát phải đi hơn 100km để tới điểm thi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, đã cố gắng sắp xếp các cụm thi để mọi TS không phải đi lại quá xa, song cũng khó tránh khỏi ở địa bàn khó khăn. Phương án tổ chức xe đưa đón TS và bố trí chỗ ăn, nghỉ tại trường dân tộc nội trú ở gần địa điểm thi đã được thống nhất. Đây cũng là cách làm của các tỉnh miền núi như Điện Biên, Hà Giang, Bắc Cạn, Đắc Lắc… Có nơi như Ninh Bình còn huy động sự tham gia của đại diện cha mẹ TS để chuẩn bị nơi ăn, nghỉ cho TS, liên hệ với các hàng quán gần HĐCT để phục vụ việc ăn, uống bảo đảm vệ sinh, giữ gìn sức khỏe trong thời gian thi.
Là địa phương có kinh nghiệm trong việc tổ chức thi theo cụm từ nhiều năm nay nên hầu hết các HĐCT của Hà Nội đều được bố trí thuận tiện cho TS, song cũng còn một số TS ở các huyện của Hà Tây (cũ) hợp nhất về phải đi xa gần 30km. Chính quyền địa phương đã sẵn sàng phương án hỗ trợ TS, trong đó đặc biệt chú ý tới việc huy động lực lượng phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông, không để bất cứ trường hợp nào phải bỏ thi vì lý do đi lại.
Kiên trì mục tiêu chất lượng thật
Năm học 2008-2009 là năm thứ ba toàn ngành thực hiện cuộc vận động "Hai không" (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích), bởi thế, mục tiêu được đặt lên hàng đầu là nhằm đánh giá đúng chất lượng GD-ĐT của các địa phương. Hàng loạt các giải pháp đã được triển khai như rà soát điều kiện phục vụ dạy – học, bồi dưỡng phụ đạo HS yếu kém, nhiều quy định mới nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi, tạo công bằng, khách quan cho mọi TS, ở mọi địa bàn.
Hà Nội là địa phương có số lượng TS nhiều nhất cả nước (hơn 89.000 TS), lại là năm đầu tổ chức thi trong điều kiện địa giới mở rộng, bởi thế, chủ trương "chuẩn bị chu đáo, tổ chức nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, kết quả thực chất" duy trì từ nhiều năm, nay lại càng được nhấn mạnh. Một trong những yêu cầu được quán triệt trong toàn ngành là tổ chức kỳ thi nghiêm túc mà không gây căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái cho TS làm bài đạt kết quả tốt nhất. Số lượng cán bộ, giáo viên được huy động là hơn 10.000 người, ngoài ra còn có 4.000 nhân viên phục vụ, 1.000 thanh tra của Bộ và Sở GD-ĐT đã sẵn sàng làm nhiệm vụ tại 182 HĐCT.
Ghi nhận tại Hà Nội ngày 31-5 cho thấy, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất: tường rào một số nơi được gia cố lại; cửa sổ gần nhà dân, gần đường giao thông được niêm phong; cầu thang có thêm bóng đèn; công trình xây dựng trong trường đã dừng thi công… Ở Ba Vì, do địa bàn khó khăn nên một địa điểm thi phải mượn của trường tiểu học để TS không quá vất vả, song toàn bộ bàn ghế đều được thay thế cho phù hợp với HS THPT.
Kỳ thi đầu tiên của năm 2009 đã sẵn sàng.
Hồng Hạnh (Hà Nội mới)
Những điều TS tuyệt đối tránh:
– Mang vào phòng thi tài liệu, các vật dụng bị cấm từ lúc bắt đầu phát đề đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi; nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); chuyển giấy nháp cho TS khác hoặc nhận giấy nháp của TS khác; cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài) bị phát hiện. Nếu vi phạm một trong các khuyết điểm trên sẽ bị đình chỉ thi và hủy kết quả của cả kỳ thi.
– Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các HĐCT, hội đồng chấm, phúc khảo; gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ. Nếu vi phạm một trong các khuyết điểm trên sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 – 2 năm.
Lịch thi:
Hệ THPT
– Ngày 2-6: Ngữ văn (150 phút), Sinh học (60 phút)
– Ngày 3-6: Địa lý (90 phút), Vật lý (60 phút)
– Ngày 4-6: Toán (150 phút), Ngoại ngữ (60 phút). Các TS học ngoại ngữ không đủ 3 năm thi thay thế bằng môn Lịch sử (90 phút)
Hệ bổ túc THPT
– Ngày 2-6: Ngữ văn (150 phút), Sinh học (60 phút)
– Ngày 3-6: Địa lý (90 phút), Vật lý (60 phút)
– Ngày 4-6: Toán (150 phút), Hóa học (60 phút)

Bình luận (0)