Có không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ 10, thậm chí 20 năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, một hiện tượng được coi là bất thường.
Mua sắm tại siêu thị Metro Q.2, TP.HCM vào tháng 7-2015 – Ảnh: Thuận Thắng
Phát biểu tại hội thảo "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" ngày 10-7, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh – Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) – cho biết DN FDI đóng góp rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư.
Từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ là từ 44% đến 51% tổng số doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu của tình trạng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của DN FDI.
Lỗ 10-20 năm mà vẫn mở rộng kinh doanh!
Về cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh – phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn.
Đặc biệt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI cũng chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết. Chi phí lãi vay luôn vượt quá định mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Nói về tình trạng báo lỗ liên tục của nhiều doanh nghiệp FDI, bà Lan Anh chia sẻ: "Có những doanh nghiệp FDI đầu tư 10 năm lỗ, 15 năm cũng lỗ. Chúng tôi đang làm một trường hợp hơn 20 năm lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Câu hỏi đặt ra cho cơ quan quản lý là đầu tư như vậy có hiệu quả hay không?".
Tỉ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ qua các năm – Đồ họa: T.ĐẠT
Kiểm soát hạn chế lỗ lũy kế, lỗ mất vốn
161.608 tỉ đồng Đó là số thu từ các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2016, tăng 15% so với năm 2015. |
Ông Bùi Ngọc Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, khẳng định tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhiều năm mà vẫn mở rộng đầu tư là rất bất thường trong kinh doanh. Cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý những trường hợp này.
Cụ thể, đối với việc doanh nghiệp kê khai giá nguyên phụ liệu để đẩy giá vốn lên cao, theo ông Tuấn, có nhiều cách để kiểm tra xem doanh nghiệp kê khai giá đó có hợp lý hay không.
Một là cơ quan thuế nên thông qua cơ sở dữ liệu của hải quan về các sản phẩm tương tự trên thị trường. Người ta có thể độc quyền về công thức nhưng không thể độc quyền về nguyên vật liệu. Nguyên liệu không có gì là quá quý hiếm nên việc kiểm tra giá không quá khó.
Cách thứ hai là có thể làm việc với cơ quan thuế sở tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để trao đổi thông tin nhằm có mức giá nguyên liệu tại nước sở tại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch – đầu tư cần nghiên cứu báo cáo Chính phủ có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, bà Lan Anh cho biết từ năm 2014, ngành thuế tập trung thanh tra những doanh nghiệp có rủi ro là những đơn vị lỗ nhiều năm liên tục, có dấu hiệu chuyển giá. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã gạt những chi phí không hợp lý để giảm số lỗ của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cơ quan thuế tập trung thanh tra những DN có giao dịch liên kết và báo lỗ liên tục.
Tình hình thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết – Đồ họa: T.ĐẠT
Xem lại chính sách thuế với dự án đầu tư
Theo Bộ Tài chính, hiện nay một số dự án FDI quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn như dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2015 lần lượt là 30,1% và 61,4%; năm 2016 là 26% và 49%.
Trong khi đó, các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, thời gian tới cần xem lại chính sách thuế đối với các doanh nghiệp FDI nhằm đảm bảo công bằng với các khu vực khác.
Để thu hút FDI trong thời gian tới, bà Nguyễn Vân Chi – ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội – đặt vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi thuế hay bằng thủ tục đầu tư. Sẽ chú trọng để đưa ra các ưu đãi hay tập trung vào giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Thủ tục đầu tư có thời gian 2-3 tháng, nhất là những lĩnh vực đầu tư có điều kiện phức tạp kéo dài hơn. Trên thực tế, có vướng mắc của cán bộ thực hiện chứ không chỉ quy định của chính sách.
Tuy nhiên, bà Chi cho rằng nên tập trung hài hòa, chú trọng tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, chi phí không tên mà các DN đang phải chịu hiện nay.
Bà Chi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần phải xem xét nghiên cứu chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án mà không theo tư cách pháp nhân. Có những dự án được ưu đãi, công ty mẹ được ưu đãi nên cùng trong một công ty mẹ nhưng các chi nhánh, công ty con lại được hưởng chế độ thuế ưu đãi khác nhau. Do đó, các DN sẽ chuyển giá.
Thách thức cho cơ quan quản lý Bà Nguyễn Vân Chi, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nói: "Các chi nhánh, công ty của cùng một tập đoàn sẽ có các giao dịch với nhau. Đây là giao dịch liên kết nên sẽ khó tránh khỏi có chuyển giá để chuyển lợi nhuận về những chi nhánh đang được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn. Chúng ta tự làm phức tạp công tác quản lý của chúng ta. Đây là thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý". |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh (Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính): Có hiện tượng chuyển giá ngược từ nước ngoài vào Việt Nam Gần đây xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào VN của một số doanh nghiệp FDI. Đây là các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế doanh nghiệp. Thực tế, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của doanh nghiệp FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như "linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi", "viễn thông, phần mềm" đạt trên 30%… |
LÊ THANH/TTO
Bình luận (0)