Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sự lãng phí trong giáo dục “cản trở” đề án tăng học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Hiểu rõ đối tượng tác động của Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục là rất lớn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn nhất khi bấm nút thông qua là câu hỏi bức xúc dành cho Bộ GD-ĐT: hiệu quả sau tăng học phí?
“Quyết” mức học phí thấp để lấy lòng dân?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nhìn nhận, với sự bao cấp, mức đóng góp thấp duy trì suốt 10 năm đã dẫn đến sự bất cập về giá trị học phí. Chi phí đào tạo 4 năm cho một sinh viên đại học chỉ vào khoảng 7-10 triệu đồng, nộp 30.000đ là có thể thi đi thi lại cho đủ môn học.
“Giáo dục Việt Nam quá rẻ nên người đi học không xót tiền, gia đình cũng có thể vui vẻ nuôi con em đi học mãi”, ông Đào phân tích.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cũng cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính là cần thiết, cấp bách và càng chậm đổi mới càng “chết”. Ông Lập đưa ra một loạt những lí do để ủng hộ đề án, trong đó có việc ưu tiên ngân sách cho vùng khó khăn, miễn học phí cho học sinh khó khăn, giảm học phí cho hộ cận nghèo…
Không nên bất ngờ về mức mới theo đề án của Bộ GD-ĐT là ý kiến của đại biểu Chu Văn Đạt (Nam Định), vì theo ông học phí cao đã có “tiền lệ” từ các loại hình đào tạo không chính quy – kiểu đào tạo liên kết giữa các trường đại học với các cơ sở ở địa phương, thu những mức học phí 500-700 nghìn đồng/tháng.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, với mức thu cao ngất như thế nhưng theo ông Đạt, chất lượng đào tạo “ai cũng thừa nhận là… thấp”. 
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: "Giáo dục quá rẻ nên người đi học không xót tiền, gia đình cũng có thể vui vẻ nuôi con em đi học mãi”.
Mức thu 6% so thu nhập do HĐND tỉnh quyết định, đại biểu Đạt nhận định khó ước lượng, nếu áp dụng ở Nam Định có khi còn thấp hơn mức cũ. Cũng theo ông Đạt, ở một tỉnh giàu, thu ngân sách lớn thì HĐND hoàn toàn có thể định mức thu học phí thấp để được lòng dân vì không thiếu khoản bù lại. Những tỉnh nghèo tình trạng lại hoàn toàn trái ngược.
Là chủ tịch HĐND địa phương, ông Đạt làm phép suy từ bản thân: “Nếu tôi được giao quyền, tôi chỉ quyết mức thấp, thiếu bao nhiêu tôi lên Bộ xin thêm, không mất gì lại lấy được lòng dân, có lợi cho tôi trong lần bầu cử tới”.
Cũng liên quan đến con số 6% thu nhập, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nhìn nhận mức học phí này là quá cao, cần phải cân nhắc dưới 5% vì chúng ta vừa ra khỏi nước kém phát triển, học sinh chủ yếu là con em nông dân, thu nhập đủ ăn là chủ yếu.
Tuy nhiên, con số 6% lại không khiến đại biểu Chu Sơn Hà bận tâm nhiều, bởi theo ông, học phí không đáng kể, các khoản chi khác cho người học mới là bài toán cần tính trong mỗi gia đình. Theo mức khung thu học phí của Bộ GD-ĐT, với thu nhập trung bình của địa phương là 800.000đ/tháng (thuộc loại cao) thì khoản phải đóng cho mỗi học sinh bậc phổ thông là 35.000đ. Một buổi học thêm của học sinh theo giá thị trường ở nhiều tỉnh thành như vậy cũng bằng học phí cả tháng ở trường. Thế nhưng, vấn đề này đề án chưa tính tới.
Quyết định bấm nút khó khăn nhất
Theo ông Trần Du Lịch (TPHCM), xét về mặt đầu tư, giáo dục đúng là hàng đầu. Từ năm 1990 đến nay, đầu tư cho giáo dục của chúng ta gấp 40 lần, trong khi thu nhập bình quân tăng chưa đến 3 lần. Chính sự ưu ái cho giáo dục này đã giúp chúng ta có thêm nhiều trường học, nhiều người được đi học và mặc dù nước ta ở trong nhóm 30 nước có thu nhập thấp nhưng chỉ số phát triển con người (có tính tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) lại đứng ở tốp giữa.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là chất lượng giáo dục. “Phải đánh giá lại hiệu quả thắt lưng buộc bụng của xã hội đầu tư cho giáo dục, bởi chính sự lãng phí trong làm giáo dục đang làm người ta phân vân với đề nghị tăng học phí”, ông Lịch phân tích.
Theo ông Lịch, với các gia đình có cơ cấu chi là 20% dành cho ăn uống, việc điều chỉnh học phí không vấn đề gì. Tuy nhiên, với các gia đình 60% chi tiêu dành cho ăn uống, việc điều chỉnh học phí sẽ là một gánh nặng. Đáng nói hơn nữa, 60% dân số của TPHCM nằm trong trường hợp thứ hai.
Ông Lịch cũng cho rằng, thực chất đây là đề án đổi mới cơ chế chính sách học phí. Ông đơn cử, chương 5 của đề án có tên “Đổi mới cơ chế tài chính” có 45 trang, nhưng chỉ có 3,5 trang nói về cơ chế tài chính, các trang còn lại nói về… học phí.
Chính sách trong đề án mới ở mức ra đề bài, chưa lí giải thành cơ chế. Quan điểm giáo dục tinh hoa và giáo dục đại chúng cũng chưa rõ. 
 
Đại biểu Trần Du Lịch: "Sự lãng phí trong làm giáo dục đang làm người ta phân vân với đề nghị tăng học phí".
Theo ông Lịch, trong kỳ họp này của Quốc hội, quyết định khó khăn nhất đối với đại biểu là việc bấm nút thông qua đề án. “Sau lưng chúng ta là đông đảo cử tri và đối tượng ảnh hưởng của đề án rất lớn”, ông Lịch phân tích.
Ông Lịch đề nghị Quốc hội chưa thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục – đào tạo và lồng ghép đề án đổi mới cơ chế học phí trong Nghị quyết về kinh tế xã hội. Cùng đó, yêu cầu Bộ Giáo dục phải có biện pháp công khai, minh bạch, xử lí nghiêm minh các khoản thu ngoài luồng.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nêu quan điểm không ủng hộ đề án vì theo ông, với cách làm này, giáo dục không phải là hàng đầu. Ông cho rằng, vấn đề lúc này là phải củng cố được trường công và đến trường công, tất cả học sinh đều có cơ hội. Để được như vậy, tất cả các trường công ở bậc phổ thông đều phải miễn học phí.
Cũng theo ông Trừng, việc xây dựng đề án này là một cách làm ngược, bởi phải có chiến lược giáo dục (chưa trình) trước rồi mới xây dựng cơ chế tài chính. Đại biểu Trần Du Lịch cũng có cùng quan điểm về vấn đề này.
Cấn Cường – Phương Thảo (Dan tri)

Bình luận (0)