Nhìn vào bức tranh tuyển sinh các trường ĐH trong vài năm gần đây, có thể thấy trường có sự chuẩn bị nhiều về phương thức xét tuyển sẽ chủ động hơn.
Thí sinh tham dự kỳ kiểm tra năng lực của Trường ĐH Luật TP.HCM, một trong những trường có nhiều phương thức xét tuyển. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Một trường sử dụng 6 cách tuyển sinh
2018 có lẽ là năm các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc bám sát kỳ thi THPT quốc gia, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc phổ thông được áp dụng đồng loạt ở nhiều trường.
Đáng lưu ý là những trường ĐH công lớn như ĐH Quốc gia TP.HCM với hình thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên, năng khiếu và trường đứng đầu về điểm thi THPT quốc gia. Hình thức tuyển học sinh giỏi này còn được sử dụng ở nhiều trường ĐH khác như: Sư phạm TP.HCM, Mở TP.HCM, Tài chính – Marketing…
Một số trường chủ động hơn còn thực hiện tổ chức bài thi năng lực để xét trực tiếp thí sinh (TS). Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM lần đầu tiên tổ chức thi để xét tuyển 10 – 20% chỉ tiêu các ngành ở các trường thành viên. Trường ĐH Luật TP.HCM tiếp tục sử dụng phương thức tuyển sinh kết hợp giữa kết quả học bạ, thi và bài kiểm tra năng lực. Ngay sau khi kết thúc nhập học, trường này đã có thông báo về việc tuyển đủ chỉ tiêu và không còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung.
Cá biệt, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM năm nay sử dụng tới 6 phương thức tuyển sinh. Ngay trong đề án tuyển sinh được xây dựng từ đầu, trường này chỉ dành 15% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển bằng kết quả thi và tới 65% chỉ tiêu xét bằng bài kiểm tra năng lực do trường tự tổ chức. Chỉ tiêu còn lại xét bằng các phương thức khác như: tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, xét kết quả đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển thẳng học sinh nước ngoài.
Nhiều phương thức, trường chủ động hơn
Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, khẳng định việc tuyển bằng nhiều phương thức giúp trường chủ động hơn trong xét tuyển. Năm nay trường tuyển tốt hơn, trong khi năm ngoái chỉ đạt 75% chỉ tiêu. Dù hiện nay trường vẫn đang xét tuyển bổ sung nhưng chỉ với một số ngành khó tuyển. Điều này là xu hướng chung ở nhiều trường và trong suốt nhiều năm qua, năm nay cũng không ngoại lệ.
Trên cơ sở đó, tiến sĩ Khoa dự kiến năm tới sẽ tiếp tục duy trì nhiều hình thức tuyển sinh và có khả năng sẽ có thêm hình thức xét tuyển học bạ đồng thời với cấp học bổng để thu hút TS vào những ngành khó tuyển.
Tương tự, thực hiện nhiều phương thức xét tuyển nên năm nay một số trường ĐH ngoài công lập có điểm trúng tuyển đợt 1 ở mức cao. Chẳng hạn Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM chỉ có 3 ngành dao động điểm chuẩn từ 15,5 – 16,25, các ngành còn lại đều từ 18,25 – 21,5. Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả thi của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đều dao động từ 16 – 20.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, cũng đồng quan điểm này. Ông Hạ nói: “Sử dụng nhiều phương thức xét tuyển vừa tăng cơ hội lựa chọn cho TS vừa giúp trường chủ động hơn để tuyển được sinh viên giỏi như kỳ vọng của trường”.
Minh họa nhận định này, tiến sĩ Hạ nêu ví dụ về Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM chuyển từ 2 sang 4 hình thức như hiện tại. Kết quả cho thấy thêm phương thức, trường có thêm nguồn để tuyển TS. “Điều này càng cần thiết khi kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay đang ngày càng thể hiện khả năng khó đáp ứng cùng lúc 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh”, tiến sĩ Hạ phân tích.
Theo ông Hạ, các trường nên tính tới việc chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với trường mình, tất nhiên là trên cơ sở giữ vững sự ổn định, tránh xáo trộn tới TS.
Quan tâm đến chất lượng đầu vào
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra với các trường khi có nhiều phương thức tuyển sinh là đảm bảo chất lượng người học.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết: “Khi sử dụng phương thức tuyển sinh mới, các trường cần phải có quá trình đánh giá để đảm bảo chất lượng đầu vào chứ không chỉ bằng mọi cách tuyển đủ chỉ tiêu. Chẳng hạn hình thức xét tuyển học bạ, bản thân tôi khi kiểm chứng ngẫu nhiên một số TS trường chuyên trúng tuyển bằng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng điểm số rất cao nhưng thực sự chưa tương xứng với kết quả thi THPT quốc gia”.
Đại diện một trường ĐH ngoài công lập cũng thẳng thắn nhìn nhận, xét tuyển học bạ vẫn sẽ là phương thức xét tuyển các trường tiếp tục sử dụng trong năm tới. Tuy nhiên có thể các trường phải tính tới việc “siết” điều kiện xét tuyển đầu vào với TS để đảm bảo trúng tuyển vào đúng năng lực học tập của mình. Cụ thể là có thể không chỉ xét kết quả học tập lớp 12 mà còn lớp 10 hoặc 11.
Vị này nói: “Năm nay khi cầm học bạ nhiều học sinh thì thấy đa số học bạ lớp 12 là điểm “ảo”. Có 1 TS xét tuyển ngành công nghệ thông tin nhưng điểm toán lớp 10 chỉ 3,6, lớp 11 là 4,5 và điểm thi môn này trong kỳ thi THPT quốc gia chỉ 4,0. Như vậy thì 7,2 điểm môn toán năm lớp 12 chỉ là điểm “ảo” để tăng cơ hội cho TS tốt nghiệp”.
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)