13 tuổi, gác lại ước mơ đến trường và những trò chơi thơ bé, Uôl đi làm thuê trở thành lao động chính trong gia đình. Không may bị tai nạn thương tâm khi đi gặt lúa thuê, tính mạng nguy kịch, Uôl không kịp nghĩ nhiều chỉ dần dần lịm đi trong câu hỏi “ai sẽ là người thay mình chăm sóc cho cha và ông bà nội đã già…”.
Tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng do các nhà hảo tâm hỗ trợ được trao cho gia đình Uôl
Đó là câu chuyện đầy cảm động về nghị lực và lòng hiếu thảo của cậu bé Nguyễn Văn Uôl (13 tuổi, ngụ Giồng Riềng, Kiên Giang). Câu chuyện của Uôl đã chạm đến trái tim của nhiều người, cũng chính từ đó những tình cảm “lá lành đùm lá rách” bắt đầu được lan tỏa, làm đẹp cho cuộc đời.
Thập tử nhất sinh vì mưu sinh
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) đã tổ chức cuộc họp thông tin về trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Văn Uôl (13 tuổi) điều trị tại bệnh viện do tai nạn lao động. Trước đó, chiều 23-2, Uôl cùng cha là ông Nguyễn Văn Đo (45 tuổi) đang đi gặt lúa thuê thì gặp phải tai nạn kinh hoàng.
Bà Lương Thị Rở (63 tuổi, bà nội của bệnh nhi Uôl) vẫn còn run run nhớ lại: “Chiều hôm đó, tôi già yếu đang ở nhà làm việc vặt thì có mấy người trong xóm đều cùng nhóm gặt lúa thuê với cha con nó chạy về báo tin dữ là nó bị té vào máy gặt, bị thanh sắt đâm xuyên bụng. Giờ đang cấp cứu trên bệnh viện huyện không biết sống chết thế nào. Tôi nghe mà bủn rủn, tim trong ngực như vỡ ra không còn biết phải làm gì. Cả hai vợ chồng tôi chân thấp chân cao chạy lên viện thì thấy cha nó ngồi bó gối bên ngoài hành lang, mặt mày u ám cắt không còn hột máu. Lúc đó tôi chỉ biết quỳ xuống cầu xin cho nó tai qua nạn khỏi…”.
Ngay sau khi được sơ cấp cứu, với những tổn thương quá nặng bệnh nhi nhanh chóng được chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng TP trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các bác sĩ tại đây cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tổn thương rất nặng, mất máu nhiều, suy hô hấp. Khám lâm sàng các bác sĩ phát hiện vết thương sâu ở vùng thượng vị nhìn vào thấy nội tạng. Chụp X quang siêu âm ngực phát hiện nhiều máu trong lồng ngực. Xác định phải can thiệp gấp bởi tính mạng của bệnh nhi đang bị đe dọa, ngay lập tức bệnh nhi được tiến hành hồi sức, mổ nội soi lồng ngực để cầm máu. Các bác sĩ cho hay, như dự đoán, phổi của bệnh nhi bị dập và tràn rất nhiều máu, ê-kíp phẫu thuật đã hút ra đến 1.500ml máu từ phổi của bé. Ngoài ra, gan bé cũng bị rách và phải khâu cầm máu nhiều mũi. Không chỉ vậy, những ngày tiếp theo, bé phải đối diện với quá trình hậu phẫu với rất nhiều sóng gió do biến chứng của dập phổi, nhiễm trùng, suy hô hấp. Điều kỳ diệu mới bắt đầu đến sau ngày thứ 3 hậu phẫu khi bé có thể tự thở và bắt đầu cai ống nội khí quản trong sự thở phào nhẹ nhõm của y bác sĩ.
Bác sĩ Trương Quang Định – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP chia sẻ: “Quá trình xử trí các tổn thương, các bác sĩ phải “cân não”, cẩn trọng từng chút để cứu sống bệnh nhi. Đến khi bé dần dần hồi phục, câu hỏi luôn thường trực canh cánh trong chúng tôi là tương lai của cậu bé sẽ đi về đâu, bởi quá trình tái khám của bé sẽ còn rất lâu dài. Với những tổn thương quá nặng nề, dù đã được can thiệp tuy nhiên về sau bé có thể gặp những biến chứng như dính ruột, chức năng gan phổi bị ảnh hưởng… Trong khi đó gia cảnh của bé đặc biệt khó khăn, bé không có bảo hiểm y tế”.
Viết tiếp ước mơ tới trường
Tính đến 4 giờ chiều 13-3, tổng số tiền Uôl được các mạnh thường quân hỗ trợ là hơn 1,4 tỷ đồng, Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định mở một sổ tiết kiệm và trao lại cho gia đình. Trước khi lên chuyến xe để về quê được các nhà hảo tâm hỗ trợ, Uôl ngồi bên cạnh cha và ông bà luôn nở nụ cười vì ước mơ đến trường nay đã được viết tiếp. |
Trở lại hoàn cảnh của gia đình, bà nội của Uôl rưng rưng, vợ chồng bà có 5 người con. Ông Nguyễn Văn Đo (cha của Uôl là con cả), từ nhỏ đã số khổ mắc bệnh tâm thần, không được đi học, sinh nhai bằng nghề cắt lúa làm thuê. 13 năm trước, ông Đo được mai mối rồi nên duyên với người phụ nữ quê ở An Giang, nhưng hạnh phúc chỉ tày gang, khi Uôl chào đời 1 tháng thì mẹ cũng bỏ đi theo hạnh phúc mới. Từ đó, Uôl lớn lên trong tình yêu thương của ông bà. Bà Rở kể: “Từ nhỏ nó đã số khổ, già dặn hơn so với tuổi. Ở quê nó không ham chơi mà thường phụ giúp tôi việc nhà, nấu ăn, rửa chén, và theo ba đi làm thuê, làm mướn. 10 tuổi nó đã biết gặt lúa. 12 tuổi nó xin người ta đi gặt thuê, nhưng người ta chê nó trẻ con không nhận, nó vẫn đi theo, sau đó thấy gặt giỏi họ trả nó mỗi ngày 15, 20 nghìn đồng. Hè năm lớp 6 nó theo ba đi gặt lúa, mót lúa suốt cả mùa. Đầu năm vào học lớp 7, nó xin với tôi nghỉ học để đi làm, tôi không đồng ý nhưng nó vẫn trốn đi. Tôi xót xa đến trào nước mắt…”. Bà lão hai mắt đỏ hoe kể thêm: “Nhiều khi thấy bạn bè rủ nhau đi học nó buồn lắm nhưng không nói gì. Tôi biết nó mê đi học lắm. Mấy lần nhiều người vào bệnh viện thăm hỏi ước mơ nó là gì, nó trả lời là “con muốn đi học trở lại”, tôi nghe không kìm được nước mắt…”.
Bà Phan Như Thủy – cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng TP cho hay, nắm được hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, và với mong muốn viết tiếp ước mơ cho bé, từ đó Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định chia sẻ câu chuyện để vận động sự hỗ trợ từ cộng đồng. “Ngay ngày đầu tiên bệnh viện đưa thông tin của bé lên mạng xã hội thì đã nhận được sự lan tỏa, chia sẻ rất lớn từ cộng đồng. Có rất nhiều người gọi điện thoại đến bệnh viện để hỏi thông tin, sau đó họ đã không quản ngại xa xôi để đến trực tiếp tại bệnh viện, kịp thời những hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho bé. Thậm chí nhiều người từ các tỉnh thành, họ bắt xe đò để đến bệnh viện. Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm không có điều kiện đến tận nơi đã thông qua Phòng Công tác xã hội giúp đỡ cho bé. Không chỉ quan tâm đơn giản đến viện phí của bé, nhiều người đã sẵn sàng ngỏ ý lo chi phí học tập, giúp bé quay trở lại trường, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)