Câu chuyện về một HS lớp 5 ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội trên đường đi học về đã chở đồ giúp cụ già khiến dư luận đặc biệt chú ý, không phải vì cháu được UBND thành phố tặng bằng khen và thưởng 1 triệu đồng, mà bởi dường như đã rất lâu, một hành động dù nhỏ nhưng rất đẹp ấy mới được trân trọng nhắc đến.
Có người từng trăn trở dường như, trong xã hội hiện nay, những hành động như vậy ngày càng hiếm. Trên thực tế, chỉ tính vào thời điểm gần kết thúc năm học 2008 – 2009, đã có liên tiếp các tấm gương học sinh nhặt được của rơi trả lại người mất được các phương tiện truyền thông biểu dương. Cụ thể, em Võ Thị Kế, Trường THCS Ngô Mây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhặt được 11 triệu đồng đã nộp Ban Giám hiệu tìm người đánh mất để trả lại; em Nguyễn Trường Quốc – cùng là HS Trường THCS Ngô Mây được lãnh đạo huyện khen thưởng vì có tới 3 lần nhặt được tiền và trả lại người mất. Gần đây nhất, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009, 2 nữ sinh là Trần Thị Thảo và Trần Thị Hương, tỉnh Quảng Nam, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn song khi nhặt được một túi xách đựng tiền, vàng đã báo công an tìm người đánh rơi để trả lại. Được nhiều người biết đến nhất trong dịp này và đang được Bộ GD – ĐT xem xét đặc cách tốt nghiệp là hai em Tăng Ngọc Dũng và Lữ Đức Quân, Trường THPT Đô Lương I, tỉnh Nghệ An – vì cứu người bị tai nạn trên đường đến trường thi mà đã lỡ giờ thi môn Sinh học.
Rõ ràng, những việc làm tốt của HS không phải hiếm. Vấn đề là ở chỗ những gương tốt ấy chưa được chú trọng khích lệ để phổ biến, nhân rộng thành những điển hình tiêu biểu trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đang được triển khai trong toàn ngành.
Minh Đức (Theo HNM)
Bình luận (0)