Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chưa có phương án cuối cùng kỳ thi 2 trong 1

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vòng gần hai giờ sáng 12-6, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời ý kiến chất vấn của 14 đại biểu.
Cải tiến nhưng áp lực thi cử vẫn còn?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân – Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) cho biết: “Cử tri cho rằng tổ chức thi tốt nghiệp như kỳ thi vừa qua với biện pháp thi cụm gây tốn kém cho ngân sách, cho gia đình và gây phiền phức cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa…”. đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cũng đặt câu hỏi: “Tổ chức thi theo cụm trường và chấm chéo có phải nhằm chống tiêu cực và chạy theo thành tích của ngành giáo dục không? Theo tôi biết hình thức này nhiều bất lợi và tốn kém lớn cho Nhà nước, cho địa phương”.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng triển khai phương án thi theo cụm, chấm thi chéo giữa các địa phương là biện pháp kỹ thuật tiếp theo những giải pháp mà ngành giáo dục đã thực hiện để cải tiến thi cử. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thi theo cụm không phải mới, nhiều tỉnh trong cả nước như Nghệ An đã thi theo cụm từ lâu rồi, nhưng chỉ làm ở cấp địa phương, năm nay chúng tôi làm cấp quốc gia. Thi tốt nghiệp theo cụm chính là chuẩn bị cho kỳ thi năm sau vì nếu sau này chúng ta dùng kết quả thi phổ thông để xét tuyển đại học”.
Tuy Nghệ An được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh là địa phương đi đầu trong việc tổ chức thi theo cụm và đã được bộ trưởng trả lời bằng văn bản, nhưng đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) vẫn tiếp tục chất vấn về mục tiêu và hiệu quả của việc tổ chức thi tốt nghiệp vì “cử tri than phiền với đại biểu là thi cụm thuận lợi cho ngành giáo dục nhưng lại khổ cho dân”.
Đại biểu An Chung đề nghị Bộ GD-ĐT cần “sớm công khai cho nhân dân biết lộ trình cải tiến thi cử sẽ thực hiện, tránh tình trạng cập rập như kỳ thi năm nay”. Trả lời câu hỏi việc tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm có gây tốn kém, phức tạp hơn, ông Nhân cho biết: “Bộ GD-ĐT xác định thi theo cụm nhưng không phải tuyệt đối hóa, ở những nơi nào có điều kiện thì phấn đấu làm thi theo ba trường một cụm, nơi nào đi lại khó khăn thì hai trường mà khó khăn nữa vẫn như cũ, kết quả năm nay ở những vùng núi đặc biệt khó khăn nhưng vẫn thi bình thường.
Về lộ trình cải tiến thi cử, đặc biệt là kỳ thi “hai trong một”, ông Nhân tỏ ra thận trọng: “Hiện nay có làm hai kỳ thi nữa hay không chúng tôi phải chuẩn bị kỹ, sau đó báo cáo Chính phủ”. Theo ông Nhân, trên thế giới có khoảng 10% số nước còn duy trì hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH riêng biệt, còn 90% chọn phương án thi phổ thông lấy kết quả xét tuyển ĐH hoặc xét tuyển phổ thông và thi tuyển vào đại học. “Từ bài học của các nước, chúng tôi chọn phương án nên duy trì thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc để vừa có mặt bằng đánh giá chung và nếu kết quả nghiêm túc, đại học vẫn chọn xét được. Tuy nhiên phương án cuối cùng chưa quyết định, chúng ta cũng phải rà soát kỹ năm nay rồi sau đó sẽ có thảo luận kỹ trong ngành, nếu trong ngành thống nhất cơ bản rồi thì tham khảo ý kiến xã hội và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ”- ông Nhân cho biết.
Giáo dục mầm non bị thả nổi?
Không độc quyền sách giáo khoa?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, “việc biên soạn sách hiện nay làm theo quy định hiện hành, tức là ngành giáo dục – đào tạo phải tổ chức biên soạn sách, còn in thì không nhất thiết là Bộ GD-ĐT. Vừa qua khi Nhà xuất bản Giáo Dục in cũng công bố hợp đồng, nói nôm na là cạnh tranh để in sách, nhà xuất bản không độc quyền in. Khâu biên soạn theo quy định hiện nay là ngành giáo dục phải làm, còn in thì không có độc quyền in” (!).
Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) lo lắng: “Cả nước có 62% trường mầm non ngoài công lập nhưng chất lượng nuôi dạy trẻ ở những cơ sở này đang bị thả nổi, để xảy ra nhiều hiện tượng gây bức xúc cho xã hội”. Ông Dũng đặt vấn đề: “Chính sách và cơ chế của bộ để nâng cao chất lượng các trường mầm non ngoài công lập”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Đây là điều mà Chính phủ, ngành giáo dục rất bức xúc” và cho biết “để góp phần củng cố hoạt động các trường mầm non ngoài công lập, đặc biệt là trường tư thục, Bộ GD-ĐT có quyết định ban hành quy chế tổ chức hoạt động các trường mầm non tư thục, để các trường và địa phương căn cứ vào đó tiến hành triển khai”.
Theo ông Nhân, các cơ sở có hiện tượng các cô giáo giữ trẻ vi phạm các hoạt động liên quan đến chăm sóc trẻ em, hầu hết là cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn nên chưa được đăng ký cấp phép, những người trông trẻ chưa học qua các trường sư phạm…
Sau sự kiện đó ngành hướng dẫn đề nghị các sở, đặc biệt là các thành phố lớn, rà soát và có bồi dưỡng sư phạm cấp tốc, ít nhất cho người đứng đầu những nhóm giữ trẻ này và chuẩn bị thực hiện việc đăng ký. Tuy nhiên, trả lời các đại biểu về trách nhiệm quản lý đối với giáo dục mầm non, ông Nhân cho rằng “theo phân cấp thì chính quyền địa phương, các tỉnh, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về giáo dục phổ thông, trong đó phụ trách về giáo dục mầm non trực tiếp là UBND phường, xã”.
Với thông tin ông Nhân cung cấp “hiện có 70% trẻ đang học ở trường mầm non, còn 30% chưa được học. Số trẻ đang học tại các trường ngoài công lập chiếm tỉ lệ 51%”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Tây Ninh) chất vấn tiếp: “Xin hỏi bộ trưởng, còn lại 30% trong độ tuổi từ 3-5 không được đến trường. Vậy khi các em bước vào bậc học phổ thông lớp 1 có bắt kịp được chương trình giáo dục hiện nay không, vì vào lớp 1 các em phải nhận biết được mặt chữ, thậm chí có một số nơi các em phải biết đọc và biết viết?”.
Ông Nhân thừa nhận: “Những em chưa được học mầm non mà vào lớp 1 thì đúng là có gặp khó khăn”. Giải pháp mà bộ đang thực hiện, ông Nhân cho biết, là “ở những vùng miền núi các em phải được bồi dưỡng cấp tốc trong hè trước khi vào lớp 1, nhưng về lâu dài chúng ta phải thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi. Trong điều kiện kinh phí chưa đủ để phổ cập nhóm 3-5 tuổi như hiện nay, Chính phủ triển khai giải pháp tập trung cho 5 tuổi để tất cả các em có điều kiện chuẩn bị”.
THANH HÀ (TTO)

Bình luận (0)