Trong sách Tiếng Việt 5, tập 1 có bài thơ “Tiếng vọng” của Nguyễn Quang Thiều. Đây là một bài thơ rất hay, nhưng khó với học sinh lớp 5. Có lẽ vì thế từ năm 2011, bài thơ đã nằm trong diện “giảm tải”, nghĩa là không dạy nữa.
Học sinh lớp 5 trong giờ học môn tiếng Việt (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Nếu bỏ bài thơ đi thì thật tiếc, cho nên khi xây dựng chương trình Ngữ văn 2018, tôi đã đề nghị học sinh lớp 7 hoặc lớp 8 hãy học bài thơ này. Nói là khó nhưng không phải như một bạn đã “siêu thực hóa” nó, rồi la to lên: “Trời đất ơi! Bài thơ siêu thực này mà đưa vào SGK lớp 5 thì làm sao các cháu 11 tuổi cảm thụ được. Ý thơ có phải là giáo dục các cháu cần yêu chim chóc, bảo vệ loài chim, bảo vệ môi trường thiên nhiên đâu. Sao người tuyển chọn không để tâm đến chữ “gối chăn” – chuyện chăn gối, rất riêng tư kín đáo tế nhị… của người lớn. Làm gì có chuyện “đêm đêm chim đập cửa”. Chim gì? Không có loài chim nào vậy cả. Chỉ có chuyện chim chuột, chuyện về đêm kín mịt… “đập cửa” tìm nhau, trong tâm thế “bão tố” quay cuồng, để lại hậu quả là “những quả trứng” (chứng cứ) mà “không ra đời” chim non (con cái)”. Tôi không có ý tranh luận gì về lời giảng vừa nêu, chỉ muốn nói một câu: Phê SGK nhưng chính người viết lại hiểu bài thơ một cách dung tục, nhảm nhí.
Theo tâm sự của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bài thơ được viết về một kỷ niệm rất thật của anh từ thời thơ ấu. Sau này nhớ lại, anh đã viết về cái “tiếng vọng” từ “miền tuổi thơ xa tít” ấy. Nếu không có tâm sự của nhà thơ thì trước mắt người đọc vẫn là một văn bản. Văn bản ấy có hai phần. Toàn bộ phần đầu là kể chuyện, là thơ có yếu tố tự sự. Kể lại câu chuyện có thật nhưng vẫn thành thơ, bởi trong lời kể ấy người ta nhận ra được tâm trạng xót xa, băn khoăn, dằn vặt khôn nguôi của người kể chuyện. Thử đọc câu đầu, nếu là kể thuần túy thì chỉ là một thông báo: “Con chim sẻ nhỏ chết”. Tác giả chỉ thêm chữ “rồi” vào cuối thì cái thông báo khô khan, vô cảm kia đã thành thơ, rung lên một tiếng than ngỡ ngàng, tiếc nuối: “Con chim sẻ nhỏ chết rồi”. Câu thơ thứ 2: “Chết trong đêm cơn bão về gần sáng” cũng thế, một thông báo về bối cảnh đã thành thơ nhờ sự lặp lại của từ “chết”. Chữ “chết” lặp lại ấy như là sự dằn lòng, dằn vặt, nghe như tiếng nấc nghẹn của nhà thơ. Cứ thế, cả câu chuyện đều thấm đậm nỗi buồn âm ỉ của người kể: “Không còn nghe tiếng cánh chim về/ Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt”. Cái hay của phần đầu này là do giọng điệu. Các thông báo sự kiện thấm đẫm tâm trạng, cảm xúc bởi giọng kể chậm, trầm buồn. Các chữ “lạnh ngắt” và nhất là “lại tha đi” trong câu “Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt/ Một con mèo hàng xóm lại tha đi” làm cho lời kể thật ngậm ngùi, kể mà như đang khóc. Câu kết phần kể cũng đượm xúc cảm tiếc nuối, hẫng hụt bởi chữ “mãi mãi”: “Nó để lại trong tổ những quả trứng/ Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời”.
Tất cả thông điệp tư tưởng thẩm mỹ của bài thơ dồn vào 4 câu cuối: “Đêm đêm tôi vừa chợp mắt/ Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh/ Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ/ Tiếng lăn như đá lở trên ngàn”. Ở đây không còn giọng kể nữa. Đây là giọng điệu trữ tình thực sự. Không còn nhịp chậm buồn thể hiện tâm trạng thổn thức, ăn năn, day dứt nữa. Tiếng đập cánh của con chim đã chết, tiếng lăn của những quả trứng không bao giờ được nở, những quả trứng mồ côi lăn lóc dữ dội trong giấc ngủ nhà thơ “như đá lở trên ngàn”… Tiếng đập cánh, tiếng lăn của những quả trứng đã trở thành nỗi ám ảnh triền miên, “đêm đêm” là thường xuyên, “vừa chợp mắt” là thường trực. Chúng đã biến thành giông bão, thành trận cuồng phong rung lắc và lay thức liên tục tâm hồn người viết; chà xát mãi vào vết thương lòng; khoét sâu mãi vào một lỗi lầm không làm sao sửa được.
Sự việc một con chim sẻ nhỏ bị chết trong đêm giông bão với người đời thì có là gì; mấy người đã nghĩ về sự việc ấy? Nhưng với nhà thơ, nó đã thành cơn bão lòng ghê gớm. Đó chính là cái làm nên sự khác biệt của tâm hồn thi nhân, sự khác biệt giữa lòng nhân hậu, vị tha và sự vô cảm, dửng dưng. Tâm trạng tác giả từ buồn bã, day dứt đến run sợ, kinh hoàng không chỉ vì cái chết của con chim nhỏ mà đó còn là sự run rẩy của nhà thơ trước sự vô tình, vô cảm của con người. Nó trở thành tiếng vọng luôn nhắc nhở người viết và người đọc: Hãy vun trồng thiện tâm từ những điều bình thường, nhỏ nhặt. Tiếng vọng ở đây là tiếng vọng của một kỷ niệm buồn, tiếng vọng từ linh hồn những sinh linh bé nhỏ; tiếng vọng của lương tri, của lòng nhân ái, vị tha… Và day dứt, âm vang hơn cả là tiếng vọng của một tâm hồn nhạy cảm, luôn biết phản tư, tự kiểm, tự phán xét chính mình. Là người, nếu ai cũng có và nghe được tiếng vọng ấy thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao nhiêu.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)