Dạy lịch sử gắn với lịch sử địa phương vài năm trở lại đây không còn là phương pháp xa lạ với các trường học. Tại TP.HCM, phương pháp dạy này đã được các trường sử dụng với nhiều hình thức, lồng ghép trong một số môn học.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực tham gia hành trình “Một ngày làm chiến sĩ biệt động Sài Gòn”, được gặp những con người thật của lịch sử
Nhiều năm nay Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) là một trong những đơn vị tiên phong đưa chương trình giáo dục lịch sử cho học sinh (HS) gắn liền với lịch sử địa phương, cụ thể là di tích Dinh Độc Lập. Theo đó, xuyên suốt năm học, HS khối 3, 4, 5 có những buổi học ngoại khóa tại di tích trên, nội dung bám sát bài học trong chương trình từng khối. Cô Tống Thị Mai Hương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết mỗi tiết học tại dinh thường kéo dài khoảng 2 giờ, khác với các tiết học lịch sử thực tế tại bảo tàng hay địa chỉ đỏ, việc tham quan dinh mang đến cho HS nhiều bài học vượt ra ngoài kiến thức sách vở. “Lợi thế của HS thành phố nói chung và HS Q.1 nói riêng là kế thừa rất nhiều di tích lịch sử, trong đó có Dinh Độc Lập. Xung quanh những bài học liên quan đến chương trình học, khi trực tiếp tham quan dinh, các em còn được mở rộng thêm nhiều kiến thức từ những câu chuyện lịch sử. Để rồi từ đó có những hình dung rõ hơn về hành trình của thành phố mình đang sống, thêm yêu và tự hào”, cô Mai Hương nói. Trong khi đó, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) lại đưa các bài học lịch sử đến HS theo hình thức dạy học dự án gắn với bảo tàng, danh nhân lịch sử… Với những dự án liên môn, không chỉ là lịch sử, HS được tìm hiểu sâu về hành trình phát triển của đất nước, nhận diện về chiến tranh để trân trọng hòa bình, hình thành lòng nhân ái, yêu nước, khơi lên niềm tự hào dân tộc. “Để HS yêu lịch sử, trước hết chúng ta nên dạy các em niềm ham thích, say mê khám phá những câu chuyện lịch sử. Dạy về chiến tranh cũng vậy, nếu chỉ khô khan bằng các số liệu ngày tháng trên sách vở, HS sẽ không nhớ nổi, nhanh chán; nhưng bằng cách đưa HS đi, chỉ cho các em thấy, để cho các em học từ chính những câu chuyện lịch sử, hình ảnh lịch sử thì sẽ khác. Các em sẽ phải đặt mình vào đó để tự tìm hiểu, khám phá”, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng Tổ lịch sử nhà trường) chia sẻ. Cũng dạy về lịch sử nhưng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp) lại gắn với bộ môn giáo dục quốc phòng. Hoạt động truyền thống “Một ngày làm chiến sĩ biệt động Sài Gòn” đưa HS đến các địa chỉ đỏ, gặp những con người thật của lịch sử được xem là hành trình “xưa nay hiếm” đối với HS thành phố. “Trong một ngày, HS được đưa đến nhiều địa chỉ đỏ khắp thành phố. Điều đặc biệt và độc đáo là tại mỗi địa chỉ, HS được gặp những chứng nhân lịch sử để nghe kể về các câu chuyện thật của lịch sử”, cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết. Theo cô Thắm, có những địa chỉ trong hành trình không phải ai cũng biết, có thể là địa chỉ mà HS từng được nghe qua, hay đọc ở đâu đó trong sách vở chứ không biết rằng các ngôi nhà, con đường đó đang “đứng sừng sững” tại thành phố mình sống. “Đóng vai chiến sĩ biệt động, trải qua một vài công việc chỉ là một mặt thôi. Điều quan trọng nhất trong hành trình chính là việc để HS hiểu về những ngày tháng lịch sử gian khó mà hào hùng của các thế hệ đi trước để đi đến hòa bình, thống nhất đất nước”, cô Thắm nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)