Qua 5 ngày chấm thi môn Văn tốt nghiệp THPT, nhiều giám khảo môn Ngữ văn bức xúc vì yêu cầu chấm cho điểm chi tiết như đáp án của Bộ sẽ “giết chết” những thí sinh có năng khiếu viết văn.
Thí sinh Hà Nội tan thi môn Văn tốt nghiệp 2009
Một giám khảo môn Ngữ văn giấu tên cho biết: “Chúng tôi chấm bài trên tinh thần tôn trọng đáp án biểu điểm của Bộ và trân trọng sự sáng tạo của thí sinh. Nếu cho điểm theo từng ý như vậy thì không đánh giá chính xác năng lực làm bài của thí sinh”.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong đáp án chấm thi môn Văn, Bộ đã ghi rất rõ: Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Việc chi tiết hoá điểm số của của các ý phải bảo đảm không sai lệch với tổng điểm số của mỗi ý và được thống nhất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi.
Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,5 (lẻ 0,25 làm tròn 0,5 điểm, lẻ 0,75 làm tròn 1,0 điểm). Như vậy, trong câu văn để đạt điểm tối đa, ngoài việc làm đủ ý, học sinh phải có kỹ năng làm bài như diễn đạt ý rõ ràng, đúng ngữ pháp. Còn đủ ý nhưng diễn đạt kém, câu chữ không trau chuốt thì chỉ được một phần điểm.
Đáp án của Bộ chính là cái khung chi tiết để các giám khảo chấm. Tuy nhiên chi tiết không có nghĩa là mất đi sự sáng tạo, nhất là với một môn đặc thù như môn Ngữ văn. Bộ yêu cầu, các Hội đồng chấm thi thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ – ông Nghĩa khẳng định.
Hồng Hạnh (dan tri)
Bình luận (0)