Nâng cao chất lượng giáo dục (GD), trong đó là chất lượng của từng bộ môn, là nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu chủ đạo mà bản thân từng giáo viên (GV) luôn hướng đến và luôn tìm các giải pháp có hiệu quả. Thông qua thực tế giảng dạy GV tích cực tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp triển khai thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra – đánh giá – xếp loại HS theo chuẩn kiến thức kỹ năng; tổ chức tốt các hoạt động cho HS… là những hoạt động chiếm toàn bộ thời gian và công sức của nhà giáo.
Cô trò Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1) trong giờ học. Ảnh: Yến Hoa
1.Đăng ký và hưởng ứng thi đua đầu năm học mới, đối với GV là việc phải làm và làm tốt để phong trào thi đua trở thành động lực thúc đẩy sự phấn đấu của mỗi cá nhân GV và tập thể nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động trong phong trào thi đua luôn là động lực góp phần từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, GV có chuyên môn sâu, có tính kỷ luật cao, có tinh thần trách nhiệm yêu ngành, yêu nghề, đoàn kết thống nhất góp phần cùng với toàn ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm học.
Chất lượng bộ môn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó vai trò của GV là yếu tố quan trọng bởi GV là người hướng dẫn, dẫn dắt HS tiếp cận các tri thức, do đó GV phải có kiến thức chuyên môn sâu, vốn sống phong phú và kỹ năng sư phạm vững vàng để trong từng tiết học, qua năng lực nghiệp vụ của mình, GV có sự tự tin giảng dạy nhằm chủ động dẫn dắt HS tiếp cận kiến thức theo mục tiêu từng bài học và toàn bộ chương trình. HS phải là người đóng vai trò chủ động trong hoạt động học tập, có động cơ học tập tích cực, có khả năng tiếp thu và vận dụng tốt kiến thức… Nâng cao chất lượng bộ môn phải là “công sức” của cả thầy lẫn trò trong từng tiết học cụ thể.
Lâu nay chất lượng các bộ môn và tỷ lệ xếp loại học lực của HS trong các nhà trường thường là cao và rất cao, trong đó nhiều nơi gần như cả lớp được xếp là HS khá, giỏi. Vì để đánh giá GV có hoàn thành nhiệm vụ hay không, lãnh đạo nhà trường luôn dựa vào các chỉ tiêu đăng ký thi đua đầu năm học như là một “chuẩn” có “giấy trắng mực đen”, được đo đếm bằng những con số một cách rõ ràng, cụ thể và lạnh lùng, trong đó có chỉ tiêu mang tính áp đặt là chất lượng bộ môn có số HS giỏi, khá (chiếm đa số), trung bình (hạn chế), yếu (rất hạn chế) và kém (gần như không được phép có) như “một vòng kim cô” cho từng GV, từng bộ môn cụ thể. Để hoàn thành các chỉ tiêu này gần như buộc GV phải “đối phó” bằng tất cả mọi hình thức mà không cần quan tâm đến thực chất của nội dung chỉ tiêu và trong đó có những “biện pháp” gần như không “chính đạo”.
2. Đầu năm học, để bảo đảm chất lượng GD năm sau cao hơn năm trước, nhà trường thường dựa vào kết quả năm học qua để dự kiến chất lượng GD cho năm học mới có “nhích hơn chút đỉnh” và từ số liệu này GV bộ môn căn cứ vào đó để đăng ký chất lượng bộ môn mà mình phụ trách cho tương xứng. Mà chất lượng bộ môn năm qua bao giờ cũng đã “cao ngất ngưởng” (vì cũng để đạt được chỉ tiêu đã đăng ký hồi đầu năm học trước). Vậy là không cần biết năng lực của HS lớp mình vừa nhận ra sao (vì đăng ký thi đua ngay từ đầu năm học mà!), GV vội vàng đăng ký chất lượng bộ môn của mình (và cũng như nhà trường) “nhích hơn chút đỉnh”. Vậy là trong năm học, để có chỉ tiêu chất lượng bộ môn đẹp như mơ, không khó, điểm kiểm tra miệng thì không cần bàn, điểm kiểm tra 15 phút thì ra để “dễ ẹc” để HS nào cũng được điểm cao nhằm đối phó với các điểm kiểm tra 1 tiết và học kỳ (thường do BGH ra đề thống nhất). Tuy nhiên dù BGH có chủ động ra đề thống nhất thì khi chấm bài cũng do GV chấm, vấn đề là ở chỗ “thống nhất đáp án” của các GV cùng bộ môn và khối lớp để GV nào cũng có kết quả “đẹp cho học trò và cho mình”. Do các môn học đều phải làm động tác này nên đối với GVCN thì số HS đạt danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến nằm trong tầm tay. Nếu gặp “sự cố” không như mong muốn thì “tình đồng nghiệp với nhau”, “thầy giáo nào cũng thương yêu HS”, “giết kẻ thù chứ giết học trò đành sao?”, thôi thì “vì cái chung”… việc “ảo thuật” điểm số cho một số HS “ngấp nghé biên cương” các danh hiệu được lọt vào “vòng chung kết” quả là điều “không là không thể” (Điều này có thể kiểm chứng qua đối chiếu tỉ lệ HS có chênh lệch điểm bộ môn tại lớp và điểm thi tốt nghiệp THPT). Trong khi đánh giá thì BGH thường căn cứ vào số liệu năm qua, nhận xét chủ quan là “người ta” làm được “như vầy” sao thầy cô không làm được “như vậy” mà không cần biết (hoặc cố tình) rằng năm qua “người ta” phải làm “như kia” mới có kết quả “như thế”.
3. Hiện nay một thực tế là trừ cấp tiểu học (chỉ đánh giá theo 2 tiêu chí hoàn thành và chưa hoàn thành), ở 2 cấp THCS và THPT HS khá giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo, còn HS yếu kém là rất ít là một đánh giá chưa thực chất thậm chí là bất thường do chương trình GD hiện hành luôn được xem là “nặng nề”, “quá tải” nhưng số lượng HS khá, giỏi lại quá nhiều (có là nghịch lý?). Trong khi theo Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GD… thì để các trường đạt tiêu chí “đáp ứng mục tiêu GD” thì kết quả xếp loại học lực của HS hằng năm yêu cầu các trường (ngoài miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo) có tỷ lệ HS khá đạt ít nhất 30% đối với trường THCS, 20% đối với trường THPT và HS giỏi là 3% đối với cả trường THCS và trường THPT (nghĩa là chỉ 1/3, 1/4 lớp đạt khá, giỏi mà thôi) và đặc biệt là (cũng với thông tư này) tỷ lệ HS xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90% đối với trường THCS, 85% đối với trường THPT, nghĩa là chấp nhận trường “đáp ứng mục tiêu GD” có thể có số lượng đến 5% (10%) HS xếp loại yếu, kém. Với thực trạng trên có phải bệnh thành tích chưa “được trị tận gốc” mà nó “di căn” đến cả hoạt động chủ đạo trong các nhà trường?
Để việc đăng ký thi đua nâng cao chất lượng bộ môn của GV đúng thực chất, tránh những tiêu cực không nên có trong ngành GD, nên thấy rằng với cùng một bài, một khối lớp nhưng khi phong cách và nghệ thuật lên lớp của GV khác nhau; đối tượng HS ở từng lớp cũng có những khác biệt về năng lực, trình độ; thời điiểm tiến hành tiết dạy (đầu – giữa – cuối buổi)… thì kết quả giờ học cũng không thể giống nhau, không nên cào bằng chất lượng ở các lớp, chỉ cần yêu cầu qua một năm học chất lượng bộ môn của cả lớp có sự chuyển biến theo hướng tích cực thì công sức của GV bỏ ra cũng thật xứng đáng được tôn vinh. Qua một năm học, với lượng kiến thức “đồ sộ” phải tiếp thu, HS đạt mức độ “trung bình” là thật sự đã “hoàn thành nhiệm vụ”, vấn đề là các em sẽ vận dụng các kiến thức đó như thế nào trong thực tế cuộc sống mới là đích đến của GD.
Trần Đăng Huy (Cần Thơ)
Bình luận (0)