Đó là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Cam – giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học (thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục – ĐH Sư phạm TP.HCM) – sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (lần đầu tiên thực hiện thi cụm, chấm chéo) để tiến tới thực hiện kỳ thi “hai trong một” (thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển ĐH) mà Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện vào năm 2010.
TS Nguyễn Cam cho biết:
– Về kết quả khác thường của môn văn, địa lý – những môn thi theo dạng tự luận tại một số địa phương, theo cảm nhận chủ quan của tôi, rất có thể do tâm
TS Nguyễn Cam |
lý của giám khảo. Về lý thuyết, việc chấm chéo là khách quan nhưng với đặc điểm ở nước ta: sự phát triển của các địa phương không đồng đều, kể cả về tiềm lực cũng như trình độ của giáo viên, HS. Vì thế, việc giáo viên ở tỉnh này chấm bài thi của tỉnh khác sẽ cho ra kết quả so le nhất định. Ở đây không phải các tỉnh muốn sát phạt nhau mà do tâm lý người chấm bài.
Ví dụ: giáo viên dạy ở các trường chất lượng cao sẽ yêu cầu bài làm cao hơn bởi họ thường xuyên tiếp xúc với HS giỏi, khi chấm bài thi của tỉnh bạn – trình độ thí sinh thấp hơn – họ sẽ khắt khe hơn và ngược lại.
* Thưa ông, theo dõi các kỳ thi qua nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
– Về tính chính xác của kết quả chấm thi, hãy chờ thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận. Tuy nhiên theo tôi, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực nhưng thật sự kỳ thi vừa qua là quá tốn kém. HS vùng nông thôn phải vượt vài chục kilômet để thi theo cụm, phải tốn tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền xe cộ… Rồi cả việc huy động số lượng lớn giảng viên ĐH đi coi thi tốt nghiệp THPT làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của trường ĐH mà cụ thể là công tác kiểm tra cuối học kỳ. Rồi hằng năm Bộ GD-ĐT cũng phải “lao” theo kỳ thi tốn nhiều công sức này, trong khi họ cần rảnh tay để lo những việc lớn lao hơn.
Học sinh Trường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM sau buổi thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 – Ảnh: Như Hùng
|
* Ông nghĩ sao khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được xem là đợt tập dượt cho kỳ thi “hai trong một” vào năm tới…?
– Không cần chờ kết quả thi tốt nghiệp cũng có thể nói dự án “hai trong một” (dùng kết quả thi tốt nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH) là cách làm quá khó, nhiều bất trắc. Đưa kỳ thi ĐH xuống mọi miền đất nước khiến các nguồn lực căng ra trên địa bàn cực kỳ rộng, tốn kém rất nhiều nhân lực và vật lực.
Theo Bộ GD-ĐT, tổ chức kỳ thi “hai trong một” là để giảm sự tốn kém và giảm áp lực đối với HS. Nhưng với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, mục tiêu giảm tốn kém xem như không thực hiện được. Còn giảm áp lực ư? Cũng không thể. Với kỳ thi tốt nghiệp HS sẽ đi thi với tâm lý tốt nghiệp, kỳ thi ĐH HS sẽ tham dự với tâm lý thi ĐH. Còn nếu “hai trong một” thì với tâm lý như đi thi hai kỳ một lúc, áp lực cũng thế thôi.
Chất lượng đề thi cũng là một vấn đề cần suy nghĩ. Đề thi toán năm nay không thể làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH vì quá đơn giản, không phân loại HS được. Hai kỳ thi với hai mục tiêu khác nhau nay gộp lại thành một đề thi rất khó. Kỳ thi tốt nghiệp nhằm kiểm tra xem HS có đạt năng lực tối thiểu của cấp THPT không. Còn tuyển sinh ĐH rất ngặt nghèo, số lượng thí sinh đông trong khi chỉ tiêu ít. Kể cả với đề thi văn được đánh giá có sáng tạo, có cải tiến nhưng mới chỉ thể hiện ở câu 2, còn phần tập làm văn vẫn “đường xưa lối cũ” – kiểm tra kiến thức theo kiểu học thuộc lòng.
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng tổ chức hai kỳ thi rầm rộ cách nhau một tháng như những năm vừa qua là nặng nề và tốn kém?
– Việc cải cách thi cử có hai xu hướng: thi tốt nghiệp THPT thật tốt để làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH, thi tốt nghiệp và tổ chức tuyển sinh ĐH thật tốt. Bước thứ nhất khó làm thì tại sao ta không chọn cách thứ hai. Bộ GD-ĐT không nhất thiết phải “dài tay”, nên mạnh dạn giao quyền cho các địa phương tự tổ chức thi, coi thi, chấm thi và tự chịu trách nhiệm về kết quả thi tốt nghiệp THPT của địa phương mình. Sau mỗi kỳ thi cần nghiên cứu, đánh giá hằng năm. Để tránh tiêu cực, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT phải lấy mẫu đánh giá thường xuyên, công bố kết quả đánh giá hằng năm. Nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT của địa phương cao vượt mức cho phép xem như họ “có vấn đề trong thi cử”.
Bậc phổ thông có 100% HS đạt loại giỏi mà ở bậc ĐH số giỏi chỉ còn 20% thì đúng là đánh giá bậc THPT của anh có vấn đề, Bộ GD-ĐT cần làm việc với địa phương đó. Nếu địa phương không sửa thì các trường ĐH có quyền bác quyền ưu tiên nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh của HS tỉnh đó. Làm như vậy, kết quả thi tốt nghiệp được xem là quyền lợi và uy tín của từng địa phương.
Các trường ĐH cũng không nên để tất cả HS tốt nghiệp THPT được dự thi như hiện nay, tốn kém mà không hiệu quả. Như ĐH bách khoa sẽ không thể cho HS trung bình dự thi, phải có một ngưỡng – khi HS đạt ngưỡng mới được dự thi. Như thế, kỳ thi tuyển sinh ĐH sẽ không rầm rộ như bây giờ, vừa giảm sự vất vả, tốn kém cho chính các trường ĐH và thí sinh, vừa tạo cơ hội cho thí sinh chọn trường vừa sức với bản thân. Ngay cả việc thi tuyển sinh theo khối A, B, C, D cũng không phù hợp. Việc quyết định thi những môn nào, thí sinh cần có kỹ năng gì, tiêu chuẩn gì – tôi nghĩ nên để các trường ĐH quyết định (trên cơ sở đăng ký với Bộ GD-ĐT và được bộ phê duyệt).
Một sự tốn kém không nhỏ nữa là bây giờ HS lớp 12 chưa thi tốt nghiệp đã phải đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, nếu làm được như tôi nói ở trên sẽ giảm được công sức, tiền bạc của xã hội rất nhiều.
* Nói như vậy, tức là hiện nay các trường ĐH tuyển sinh chưa đúng đối tượng?
– Ở nước ta vẫn còn quan niệm đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh ĐH tức là có ngày tốt nghiệp ĐH. Ở nhiều nước trên thế giới, có thể họ tuyển đầu vào khá dễ nhưng đầu ra rất khó. Tôi nghĩ ở bậc ĐH cần có sự sàng lọc, đừng phụ thuộc chỉ tiêu, nếu sinh viên không đáp ứng được yêu cầu đào tạo thì chuyển sang hệ đào tạo thấp hơn hoặc ngưng học tập. Để thực hiện những vấn đề nêu trên, cần phải có sự thay đổi đồng bộ, thực hiện có lộ trình và có quyết tâm thực hiện.
Ý kiến về “thi cụm, chấm chéo”
* GS Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Tôi thấy cần phải xem lại việc thi theo cụm khi thực tế kỳ thi vừa qua cho thấy có nhiều thí sinh còn nhỏ phải đi quá xa, hoàn cảnh của HS thì không giống nhau. Chúng ta đang tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quá cồng kềnh, mệt mỏi. Trong khi đến nay vẫn chưa thể khẳng định được việc “thi cụm, chấm chéo” đảm bảo công bằng, khách quan hoàn toàn. Gốc của vấn đề ở đây, theo tôi, không nên tổ chức kỳ thi “hai trong một” và nên giao các sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi công nhận tốt nghiệp cho HS THPT một cách nhẹ nhàng hơn. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao tự chủ cho các trường.
* Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Việc chấm chéo là việc làm nỗ lực của Bộ
GD-ĐT. Kết quả như hiện tại, tôi nghĩ là do sự không thống nhất về đáp án và thang điểm giữa các giám khảo, hay nói cách khác do giám khảo nhận định về đáp án không giống nhau. Chúng tôi cũng đang chờ kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT. Điều tôi băn khoăn nhất về kỳ thi “hai trong một” là chất lượng thí sinh và chất lượng đề thi. Nếu năm sau thực hiện kỳ thi “hai trong một” thì Bộ GD-ĐT quan tâm hơn nữa đến nội dung đề thi, bởi mục đích của tuyển sinh ĐH không phải để kiểm tra kiến thức tối thiểu của thí sinh.
T.V.H. – H.H.
|
HOÀNG HƯƠNG thực hiện (TTO)
Bình luận (0)