Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Công nghệ gắn với phòng chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều ứng dụng, nền tảng công nghệ đã được ra mắt, sử dụng một cách hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Nhanh chóng đưa ứng dụng vào đời sống

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan và các địa phương tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính.

Từ đó, các bộ ngành đã vào cuộc, nhanh nhất là Bộ TT-TT và Bộ Y tế đã ra mắt 2 ứng dụng trợ giúp y tế cho người Việt Nam và người nước ngoài vào chiều 9-3, gồm ứng dụng Ncovi dành cho người dân Việt Nam và Vietnam health declaration dành cho người nước ngoài. Ngay sau đó, người dân và người nước ngoài khai báo y tế qua 2 ứng dụng ngay tại các cửa khẩu hàng không quốc tế. Với dữ liệu từ 2 ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất. Thông tin khai báo trên 2 ứng dụng được các cơ quan chức năng quản lý chặt và sử dụng đúng mục đích, không sử dụng cho mục đích thương mại và không xâm phạm đến đời tư người dân.

Theo số liệu thống kê từ đơn vị phát triển Ncovi – ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế, tính đến sáng 17-3, đã có gần 400.000 bản ghi khai báo y tế tự nguyện. Được triển khai từ ngày 10-3, đến nay đã có hơn 500.000 lượt tải ứng dụng Ncovi trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS. Vào thời điểm 19-3, Ncovi đã đứng đầu danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên nền tảng iOS.

“Ứng dụng này sẽ giúp ngành y tế xử lý nhanh hơn với các thông tin do người dân cung cấp. Mặt khác, ứng dụng mới sẽ là nguồn thông tin tin cậy mà ngành y tế chuyển tải đến, để giúp người dân nắm bắt thông tin chính xác và kịp thời về phòng chống dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Ứng dụng cho trạng thái bình thường mới

Tiếp sau đó, ngày 18-4, ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 của Công ty Bkav đã được Bộ TT-TT, Bộ Y tế khai trương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ứng dụng Bluezone được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch, là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE. Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, người dùng cần tham gia vào cộng đồng Bluezone bằng cách cài đặt ứng dụng. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện” với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách 2m), thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký. Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng. Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1).

Với sự nỗ lực cao từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, Việt Nam đã và đang khống chế Covid-19 rất tốt, được cộng đồng thế giới ghi nhận và cả nước bước sang trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, vừa chống dịch.

Ngày 5-5, TPHCM công bố ứng dụng đánh giá tính an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 (https://antoandn.tphcm.gov.vn) và sau đó một tuần, trên di động cũng có app An Toàn DN hỗ trợ hệ điều hành Android lẫn iOS để thêm tiện lợi cho người dùng.

Đã có app An Toàn DN trên di động để thêm tiện lợi trong đánh giá tính an toàn trong phòng chống dịch Covid-19

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, ứng dụng này ra đời để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh tự đánh giá mức độ rủi ro hoặc mức độ an toàn khi đi vào hoạt động trong tình trạng vẫn còn nguy cơ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ứng dụng sẽ giúp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM kịp thời theo dõi, đánh giá tính an toàn của các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành các bộ tiêu chí đánh giá an toàn ở những lĩnh vực khác nhau. Ứng dụng đánh giá tính an toàn trong phòng chống dịch ra đời căn cứ trên các bộ tiêu chí này, đã thêm khẳng định ứng dụng công nghệ trong trong phòng chống dịch luôn được chú trọng, kịp thời.

Bà Võ Thị Trung Trinh nhận xét: “Tuy số lượng khai báo chưa nhiều, nhưng chúng tôi sẽ cùng với các sở ngành tiếp tục khuyến khích, đề nghị doanh nghiệp tại TPHCM tiếp tục khai báo trên ứng dụng để tiếp tục góp phần thực hiện chủ trương chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, vừa chống dịch”.

Bối cảnh ra đời của ứng dụng Bluezone khá đặc biệt, khi ấy nguồn bệnh Covid-19 có những ca lây lan trong cộng đồng nên ứng dụng này cũng giúp người dân cảnh giác, phòng chống Covid-19 tốt hơn. Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT, Bluezone là ứng dụng công nghệ Bluetooth để xác định vùng an toàn. Mục tiêu trong phòng dịch Covid-19 là làm sao xác định được người nhiễm nhanh nhất, chính xác và ít tốn kém nhất. Điều này chỉ có thể giải quyết được bằng công nghệ.

Theo Bá Tân/SGGPO

 

Bình luận (0)