Cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM vừa triển khai chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Chuyên đề này thực hiện đến hết ngày 31-12-2021 trên các tuyến giao thông trên địa bàn TP.HCM chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông.
Ông N.H.H đang đôi co với CSGT về vi phạm nồng độ cồn
Không hợp tác khi bị thổi còi
Thực hiện chuyên đề tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo mới đây, đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) đã lập biên bản xử phạt và thu giữ một số phương tiện vi phạm. Đáng nói là trong số những người vi phạm nồng độ cồn, có một số người lại có hành vi chống đối, không chấp hành khi bị xử phạt. Điển hình như trường hợp của ông N.H.H (51 tuổi) – đối tượng bị lập biên bản vì trong người có nồng độ cồn tới 0.362mg/l khí thở. Khi bị lập biên bản, ông H. đôi co không chịu vi phạm vì cho rằng sau khi uống rượu ông đã ngủ một giấc rồi mới chạy xe đi về nhà nên không thể buộc ông vi phạm. CSGT Bến Thành phải liên tục đưa kết quả đo nồng độ cồn và giải thích về trường hợp của ông H. nhưng ông nhất quyết không chấp hành, thậm chí còn lớn tiếng với các cán bộ, chiến sĩ CSGT. Ông H. lên giọng: “Các anh bắt gì kỳ vậy, chạy đàng hoàng cũng bị bắt nữa. Tiền nhà tôi còn chưa đóng thì lấy tiền đâu mà nộp phạt…”. Sau một hồi phân bua không thành công, ông H. cũng chịu ký vào biên bản xử phạt 4,5 triệu đồng và bị tước bằng lái 17 tháng.
Cũng tại đây, CSGT Bến Thành phát hiện ông N.T.S (53 tuổi) vừa chạy xe máy vừa nghe điện thoại nên mời vào kiểm tra. Khi đã tấp vào lề theo yêu cầu của CSGT ông này vẫn tiếp tục nghe điện thoại để cố tình tránh né đo nồng độ cồn. CSGT phải ra thuyết phục và mời ông S. vào làm việc và đo được 0.666mg/l khí thở trong người ông S. Khi bị CSGT báo ông S. bị phạt 10 triệu đồng nếu không xuất trình giấy tờ (chứng minh nhân dân, cà vẹt và bằng lái) ông S. đã bỏ xe đi và không ký biên bản.
Một trường hợp khác là ông N.T.T (44 tuổi) cũng không đồng ý vào khu vực làm việc, CSGT phải thuyết phục ông T. mới đồng ý thổi vào ống đo và cung cấp thông tin cá nhân, kết quả đo được ông T. có 0.820 mg/l khí thở.
CSGT có quay hình để xử lý người chống đối
Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, Công an TP.HCM, chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” diễn ra từ ngày 15-3 đến hết ngày 31-12-2021. Địa bàn CSGT TP.HCM thường xuyên tuần tra, kiểm soát gồm: các tuyến giao thông đường bộ trực thuộc; các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi. Ngoài ra còn có khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy… tập trung là người điều khiển xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe vận tải container, xe ô tô kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc.
Để chuyên đề được thực hiện hiệu quả, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt cho biết, huy động tối đa lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ, máy đo nồng độ cồn, thiết bị đo thử chất ma túy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và chủ động phối hợp với các đơn vị đội CSGT công an quận, huyện và TP.Thủ Đức thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát đủ mạnh về mọi mặt. Trong khung giờ thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, phòng sẽ bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và các hành vi vi phạm khác.
Mới đây, Cục CSGT đã có chỉ đạo tới lực lượng CSGT công an các địa phương trên toàn quốc thực hiện nghiêm kế hoạch mà Bộ Công an đề ra. Theo đó, từ nay đến hết năm 2021, CSGT sẽ tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Các địa bàn được chú trọng xử lý gồm các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm; khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn; khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy… Qua đợt cao điểm lần này, lực lượng CSGT sẽ đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. |
Đại diện phòng này cũng cho hay, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT sẽ sử dụng camera được trang bị để ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, tổ chức xác minh về thân nhân thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, ủy ban nhân dân phường, xã nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy và thông báo, kiến nghị ngành giao thông vận tải, ngành y tế có biện pháp quản lý công tác khám sức khỏe, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe…
Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát lực lượng CSGT TP cũng chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ… “Nhân dân TP cần lên án mạnh mẽ hành vi sử dụng các chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển xe tham gia giao thông, đồng thời tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” – Phòng CSGT đường bộ – đường sắt kêu gọi.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)