Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều băn khoăn từ đề văn “mở”

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận hào hứng với cách ra đề trong hai đề văn khối C, khối D trong đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Nhưng sau sự hào hứng đã xuất hiện những nỗi lo từ thí sinh, nhà giáo…

Thí sinh dễ mất điểm oan
Mặc dù việc ra đề theo hướng thay đổi này đã được bộ đánh động trước, nhưng có thể nhiều người vẫn chưa hình dung được. Điều này khiến một số địa phương có mặt bằng giảng dạy chưa cao chưa thể thích ứng được với cách ra đề này. Vì vậy, tôi e rằng điểm môn văn sẽ rất thấp ở một số địa phương.
Thí sinh xem bài giải môn văn trên báo Tuổi Trẻ tại điểm thi Võ Thị Sáu (Bình Thạnh) của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Quan trọng hơn, tôi lo ngại giáo viên của chúng ta chấm điểm những câu nghị luận như thế rất chênh lệch. Xưa nay, người chấm bài chấm quá chi tiết theo đáp án. Người chấm không chú ý đến văn chương ý tưởng. Thế nhưng, với câu hỏi mở như trong hai đề văn lần này, việc chấm theo đáp án là điều khá vô lý. Bởi vì ý tưởng thì không thể quy định ý nọ ý kia. Vừa rồi trong đợt thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi đã có nghe phản ánh về việc chấm điểm câu nghị luận với nội dung nói về lợi ích của việc đọc sách. Câu này có điểm tối đa là 3 điểm. Thế nhưng hai giáo viên, một người chấm điểm tối đa là 3 điểm, người khác chỉ chấm 1 điểm.
Riêng hai câu nghị luận trong đề thi tuyển sinh ĐH năm nay sẽ có nhiều vấn đề đặt ra khi chấm bài. Thứ nhất là câu 2 có thể rất nhiều thí sinh viết lăng nhăng, hoặc bỏ trống, hoặc viết quá dài, lan man. Bởi vì cách học ở phổ thông lâu nay chỉ là đọc chép và học văn mẫu nhằm kiếm điểm cao trong các kỳ thi với đề văn khuôn sáo và mòn vẹt. Học sinh không quen dùng ngôn ngữ của mình, trình bày ý tưởng cá nhân của mình. Người chấm phải thật sự chịu khó đọc hết mới có thể “đãi cát tìm vàng”, đánh giá được trình độ của thí sinh.
Thứ hai là đáp án câu 2 cả đề khối C và khối D đều có điểm chưa ổn (xem bảng cơ cấu cho điểm).
Với một đề văn như thế, chắc chắn thí sinh sẽ phải viết ý 1, ý 2, nhưng ý 3 thì không nhất thiết. Bài viết mà có ý 3 dễ trở nên khuôn sáo, giáo điều. Người ta thường chỉ viết nó thay cho kết luận, hoặc kết thúc lửng, có nhiều hàm ý để tạo ra dư vị của bài viết. Vì vậy ý 3 có thể cho 0,5 điểm như thang điểm đề khối C, nhưng không thể cho đến 1 điểm như thang điểm đề khối D. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao cùng yêu cầu như nhau ở hai đề tương tự, một bên lại cho 0,5 điểm, một bên cho đến 1 điểm?
Hơn nữa trong các bài luận hay, người ta rất hay kể một câu chuyện có thật làm dẫn chứng cho đề tài, để thêm sinh động và thuyết phục. Ngay cách làm đề văn giải thích trước kia ở nước ta cũng hướng dẫn: làm văn giải thích vẫn phải có dẫn chứng để chứng minh hay phản bác. Thế nhưng trong đáp án này lại không thể hiện được điều ấy.
Vì vậy hệ quả là nếu người chấm chấm theo kiểu “đếm ý cho điểm” hoặc quá trung thành với đáp án thì sẽ cho điểm thấp nhiều bài văn hay, sáng tạo, ngược lại cho điểm cao ở những bài tầm tầm nhưng đủ ý. Vì vậy, e rằng đáp án này sẽ làm mất điểm oan cho thí sinh.
Mặc dù ở cuối đáp án có lưu ý “thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau” nhưng vẫn chưa đủ gây ấn tượng. Theo tôi, nếu không sửa được đáp án cho hợp lý hơn thì trong hướng dẫn chấm bài cần phải nhắc nhở: khuyến khích những bài có ý tưởng và cách trình bày sáng tạo. Có làm như thế mới phát huy được hết tính sáng tạo trong việc ra đề văn năm nay.
PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG (trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Theo TTO
Lo mất điểm vì viết ý không nổi bật
“Tôi học văn khá, bài thi làm được hết nhưng khi so với đáp án chỉ được 50% ý đúng. Đặc biệt là câu nghị luận xã hội, khi so sánh tôi chỉ đúng cấu trúc, còn luận điểm thì diễn đạt theo mạch suy nghĩ nên không sát đáp án. Tuy bài làm hoàn chỉnh nhưng tôi cũng lo là sẽ bị mất điểm những ý mà mình viết không nổi bật”.
Thí sinh Bùi Quang Trí (thi khối C vào Học viện Hành chính quốc gia)
Chỉ tập trung vào dẫn chứng
Ở câu 2, khi so sánh với đáp án thì tôi thiếu phần nhận thức, hành động, bài viết của tôi lại chỉ tập trung nhiều vào các dẫn chứng đã gặp trong cuộc sống nên chắc sẽ không đạt yêu cầu của đáp án. Bài làm của tôi nếu mất điểm thì dễ rơi vào câu 2, vì câu này hầu như ai cũng có thể viết hoàn chỉnh nhưng chưa chắc đã đúng ý đáp án”.
Thí sinh Hà Thị Nhung (thi khối D vào Trường ĐH Luật TP.HCM)
Có cơ sở để lo
Thực tế mới đòi hỏi người chấm cũng phải thay đổi theo để thích ứng. Người chấm phải linh hoạt, mềm dẻo, đặc biệt phải có đam mê về văn chương, phải có niềm tin, sự nhạy cảm và trực giác nghề nghiệp đối với bài thi của thí sinh. Nếu không, người chấm sẽ hại thí sinh.
Nhưng hàng chục năm qua, cái “uy thế” từ bộ đề, đáp án của Bộ GD-ĐT làm ảnh hưởng rất lớn đến não trạng, đến tư duy không chỉ của người đi học, người ra đề mà cả người chấm thi. Rất nhiều người chấm thi cứng nhắc, rập khuôn, thậm chí là thô thiển hóa, toán hóa văn chương. Tôi cảm giác rằng thực tế đó đã xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Vì vậy, dù Bộ GD-ĐT đã trấn an rằng đề thi sẽ chấm theo hướng mở nhưng những lo lắng của thí sinh là có cơ sở.
ThS Nguyễn Văn Hà (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Giám khảo thường máy móc
Đề văn năm nay rất hay khi cho học sinh được nói lên suy nghĩ của mình về cuộc sống mà không bị gò bó. Tuy nhiên, sẽ thiệt thòi cho thí sinh nếu viết theo cảm hứng mà không diễn đạt tốt các ý chính được chia thành từng 0,5 điểm trong barem. Thang điểm được chia chi li tới 0,5 là gò bó, đáp án như vậy được coi là đóng chứ không phải mở. Mặt khác, giám khảo thường chấm bài rất máy móc bằng cách đọc lướt và tìm ý có điểm, nên nhiều thí sinh sẽ bị thiệt thòi.
Với những đề văn dạng mở, khi chấm, theo tôi chỉ cần chấm mặt kỹ năng và mặt nhận thức, yêu cầu học sinh nhận thức tích cực và diễn đạt tốt. Để công bằng, tổ chấm thi cần thảo luận kỹ về hướng chấm những dạng đề mở, đặt ra nhiều tình huống để đánh giá đúng học sinh, tránh thiệt thòi cho thí sinh khi diễn đạt không sát đáp án.
GV Trần Thị Dần (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM)
Chấm đúng ý là an toàn nhất
Một bài nghị luận xã hội, theo tôi, thí sinh có quyền giải thích bằng lý lẽ hoặc bằng dẫn chứng chứ không nhất thiết liệt kê từng ý. Với đáp án như Bộ GD-ĐT công bố, giám khảo có thể chấm theo hướng đếm ý chứ không chú trọng nhiều đến lập luận. Và như vậy, thí sinh điểm cao chưa hẳn là thí sinh giỏi.
Nói chung, ở nhiều câu thí sinh giỏi có thể viết hay hơn, sâu hơn, ý độc đáo hơn đáp án nhưng có thể thiếu ý so với đáp án. Thật đáng tiếc, đáp án không có chỗ cho điểm xứng đáng cho những HS thật sự giỏi. Ngược lại, với đáp án này, những bài làm điểm cao là những bài làm đúng nhiều ý so với đáp án, chưa hẳn là những bài xuất sắc, sáng tạo. Với giáo viên chấm bài, chấm đúng các ý trong đáp án là cách chấm nhanh nhất và an toàn nhất cho giáo viên.
GV Hà Thanh Loan (Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM)
H.T. – P.ĐIỀN – L.TRANG ghi

Bình luận (0)