Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ: Thiếu “keo” gắn kết

Tạp Chí Giáo Dục

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ (ĐTTS) và ngược lại, hoạt động đào tạo sẽ đặt ra những vấn đề mà hoạt động NCKH phải đáp ứng. Làm thế nào để gắn kết NCKH với ĐTTS? Trả lời câu hỏi đó chính là mục đích của cuộc hội thảo quốc gia: "Gắn kết NCKH và ĐTTS trong các cơ sở đào tạo sau đại học" được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14-7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và sự tham gia của hơn 100 cơ sở đào tạo sau đại học.
Chỉ 1/5 đề tài NCKH cấp bộ gắn với ĐTTS
Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở kết hợp tốt giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: TTXVN
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, hiện có 137 cơ sở ĐTTS, trong đó trường ĐH chiếm 35,5%, từ năm 2001 đến nay đã tuyển 19.374 nghiên cứu sinh (NCS). Số tiến sĩ tương lai này làm luận án trong 21 nhóm ngành nhưng chỉ tập trung vào 55 chuyên ngành (CN) được ưa chuộng, trong khi giai đoạn 2001-2006 có đến 134 CN đào tạo không có NCS, 93 CN chỉ có 1 NCS, 504 CN mỗi năm bình quân có không quá 1 NCS. Trong mỗi nhóm ngành cũng có sự mất cân đối về số CN đào tạo. Những con số thống kê này lý giải vì sao có nhiều ngành khoa học rơi vào tình trạng thiếu chuyên gia đầu ngành, không có lực lượng thay thế vì "tre" đã già mà "măng" chẳng chịu mọc.
Để tăng quy mô cũng như nâng cao chất lượng ĐTTS cần nhiều điều kiện, nhưng khi các TS, TSKH còn thiếu chỗ ngồi thì việc 27% CN không có chỗ làm việc, 26% CN không có máy tính cho NCS; 43% CN không có sách CN, 60% CN không có báo, tạp chí là chuyện không lạ.
Thầy làm hướng dẫn NCS cũng thiếu, hiện chỉ có 231 GS, 1.620 PGS, 4.851 TS và TSKH, lại phân bố rất mất cân đối và tuổi đời cao (75% trên 50). Với thực trạng này thì hệ quả tất yếu là số cán bộ khoa học tham gia ĐTTS có cùng chuyên ngành chỉ chiếm 56%. Tuy rằng các điều kiện trên rất quan trọng đối với việc ĐTTS nhưng tại cuộc hội thảo này, các đại biểu tập trung bàn về mối quan hệ giữa hoạt động NCKH và ĐTTS với nhận định chung là chưa có sự gắn kết chặt chẽ.
Theo báo cáo khảo sát 124 cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT khẳng định, số lượng đề tài, chương trình nghiên cứu giao cho các cơ sở ĐTTS đủ cho các NCS tham gia và thực hiện luận án. Trên thực tế, ở một số trường ĐH, sự tham gia của NCS vào các đề tài NCKH ngày càng tăng như ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.200 lượt NCS tham gia 1.365 đề tài, ĐH Giao thông – Vận tải có 32/80 NCS trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ, ĐH Mỏ – Địa chất có 217 NCS tham gia các đề tài, dự án các cấp. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp cho thấy chỉ có từ 20% đến 25% các đề tài NCKH cấp bộ gắn với ĐTTS.
Tư duy mới và cơ chế, chính sách phù hợp
Ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đều nhận định: Gắn kết NCKH với ĐTTS là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bởi dẫu chưa được gắn kết chặt chẽ nhưng kết quả đạt được trong những năm qua đã khẳng định hoạt động NCKH đã góp phần đào tạo một lực lượng không nhỏ cán bộ có trình độ cao; góp phần nâng cao chất lượng bậc đại học, nâng cao năng lực của cán bộ giảng dạy, giảm chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất. Tuy nhiên, những điểm còn yếu như chưa có quy định buộc chủ nhiệm đề tài phải thu hút NCS, sự tham gia của NCS còn ít, chất lượng ĐTTS chưa cao… đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới tư duy trong việc xây dựng các chương trình KHCN cấp Nhà nước cũng như cơ chế hình thành đề tài, dự án và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để có sự gắn kết chặt chẽ như mong muốn giữa NCKH và ĐTTS. Nhiều đại biểu cho rằng, với tư duy và cơ chế hiện nay, khó tránh khỏi tình trạng phân tán nguồn lực trí tuệ cũng như vật chất cho các đề tài. Cần có những chương trình KH và CN được đặt hàng bởi các bộ, ngành nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng mang tính chiến lược, đón đầu, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành, tập trung phương tiện kỹ thuật, tài chính, tiềm lực con người, trong đó có lực lượng trực tiếp tham gia là NCS. Cũng cần có những cải tiến quy định về việc phân bố kinh phí theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Cơ chế quản lý hoạt động NCKH ĐTTS sẽ phải đổi mới, các chính sách để tạo môi trường gắn kết NCKH và ĐTTS sẽ được xây dựng. Đó là những kiến nghị của các cơ sở đào tạo sau đại học và cũng là định hướng của Bộ GD-ĐT nhằm tăng cường mối quan hệ giữa NCKH và ĐTTS.
Vân Vũ (HNM)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Sẽ đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính
Vấn đề hạn chế sự gắn kết NCKH với ĐTTS ở các cơ sở đào tạo sau ĐH là cơ chế quản lý và cơ chế tài chính. Khi nguồn tài chính tăng, áp lực dạy học sẽ giảm. Sắp tới, quy định về học phí trong giai đoạn quá độ sẽ được ban hành. Cơ chế tài chính mới cho giáo dục sẽ giúp nguồn thu học phí có vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Bộ đã thông qua quy định chế độ làm việc của giảng viên ĐH, yêu cầu giảng viên phải dành thời gian cho NC. Đây là cơ sở pháp lý buộc họ phải nghiên cứu, tạo động lực nghiên cứu.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ có lộ trình làm sao trong vòng 3 năm tới thí điểm để việc NCKH gắn với ĐTTS sang một giai đoạn mới, trở thành niềm tự hào, nghĩa vụ của các thầy, cô giáo, trở thành động lực mạnh nhất trong phát triển nhà trường, đem lại lợi ích cho nhà trường, các thầy cô và đất nước.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)