LTS: Ngày 15-7, Báo SGGP có đưa tin về Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Giáo dục. Tại hội nghị này, rất nhiều ý kiến được đưa ra góp ý cho việc sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của GS Phạm Phụ về cơ chế sở hữu của trường tư thục và một số vấn đề khác mà bạn đọc và các nhà quản lý quan tâm.
Một số bất cập cần sửa đổi trong Luật Giáo dục 2005
Một số bất cập cần sửa đổi trong Luật Giáo dục 2005
Cơ chế sở hữu của trường dân lập, tư thục (Điều 66, 67). Các cơ sở giáo dục (GD) tư trên thế giới ngày nay có thể bao gồm đến 3 loại: “không-vì-lợi-nhuận”, “nửa-vì-lợi-nhuận” và “vì-lợi-nhuận”. Khi là “không-vì-lợi-nhuận” thì tài sản của cơ sở là “sở hữu cộng đồng” và không được chia lợi nhuận cho bất cứ một ai. Còn với 2 loại sau thì cơ sở phải ở dạng một công ty (7 công ty GD ĐH lớn và vì-lợi-nhuận của Mỹ đều đã lên sàn chứng khoán, cả Nasdad và NYSE).
Trên thực tế, phần lớn các cơ sở GD dân lập và tư thục ở VN đều có phân chia lợi nhuận, nghĩa là “vì-lợi-nhuận”, nhưng lại không công khai là “vì-lợi-nhuận” hay “nửa-vì-lợi-nhuận”, không ở dạng pháp nhân công ty, đôi khi lại tuyên bố là “không-vì-lợi-nhuận”. Điều 67 lại viết: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở” …
Có thể xem đây là những “mảng mờ” và những nhầm lẫn rất nguy hiểm, một mặt gây ra nguy cơ “dỏm, giả” như nhiều đại biểu Quốc hội đã nói, mặt khác dễ gây ra tiêu cực làm hạn chế sự phát triển của GD ngoài công lập.
Về học phí ở cơ sở GD dân lập tư thục (Điều 105). Luật GD 2005 quy định: “Cơ sở GD dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí…”.
Dịch vụ GD có đặc điểm là “thông tin bất đối xứng”, nghĩa là người cung cấp dịch vụ biết rõ nhưng “người mua” lại biết rất ít về giá trị và chất lượng của dịch vụ. Người ta gọi đây chỉ là “thị trường của niềm tin”, hay của vận may, rất nhiều rủi ro. Hơn nữa, trong GD ĐH của Việt Nam, cũng chỉ khoảng 40% của cầu, khác với nhiều nước, nghĩa là còn “độc quyền”. Khi đó, chất lượng có tồi đến mấy vẫn có “người mua”. Kể cả khi có “ba công khai”, cũng không mấy ai phán xét nổi chất lượng đó đáng giá là 7 triệu hay 10 triệu VNĐ/năm.
Chính vì vậy ở Việt Nam đã có nguy cơ “dỏm”, “giả”; đã có siêu lợi nhuận với tỷ suất đến 25% – 30%. Do vậy, Nhà nước vẫn cần kiểm soát chặt chẽ ở các cơ sở này, tập trung vào 2 mảng chính là “chuẩn mực học thuật” và tài chính.
Những điều/khoản khung về quản trị và tài chính cho GD ĐH
Tài chính cho GD ĐH trên thế giới trong khoảng 20 năm qua đã lâm vào cảnh “cùng quẫn”. Chính vì vậy, có một “chương trình nghị sự” gần như giống nhau cho hầu hết những cải cách GD ĐH vừa qua là quản trị và tài chính, bất kể sự khác nhau về thể chế nhà nước cũng như trình độ phát triển.
Thế nhưng, trong Luật GD 2005, gần như chưa có những điều/khoản định hướng cho 2 mảng này. Chính vì vậy đã gây ra những hệ lụy rất đáng lo ngại.
Ví dụ, khi xem xét về đề án “Cơ chế tài chính” vừa qua, nhiều ý kiến nói là: “Phải dựa vào mặt bằng thu nhập của người dân” và khi so sánh con số tài chính với nước ngoài, hoặc chỉ so sánh theo con số tuyệt đối, hoặc chỉ theo con số tương đối (GDP/đầu người). Có lẽ, điều này chưa đủ và chưa hợp lý. Việt Nam đã tham gia WTO, có nghĩa chúng ta cũng có cùng một mặt bằng giá (theo sức mua của đồng tiền) với các nước. Do đó, nếu chỉ như vậy thì nền GD Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh và đóng góp tốt cho sự phát triển.
Hoặc, về quản trị, chúng ta chỉ nói chung chung về tự chủ, về trách nhiệm xã hội, trong khi đó, đây là một mảng đang có những cải cách rất cơ bản trên thế giới. Cũng xin lưu ý, “cộng đồng ĐH thường rất dị ứng với những vấn đề về quản trị”.
Cần có những thay đổi về nguyên lý
GD ĐH trên thế giới trong hơn 20 năm qua đã có những thay đổi hết sức sâu sắc, có tính nguyên lý, với các xu thế khác nhau.
Người ta cho rằng: “Thiếu cơ sở triết lý và kinh tế để buộc phải cung cấp dịch vụ GD ĐH bằng ngân sách nhà nước (NSNN)”, “không đặt gánh nặng tài chính lên vai người đóng thuế” (câu hỏi là “tăng thuế hay tăng học phí?”) và GD ĐH bị yếu thế trong cạnh tranh nguồn NSNN so với GD phổ cập, chăm sóc y tế, chăm sóc người già và một số dịch vụ công khác. Vì vậy đã rộ lên làn sóng “tư nhân hóa” thứ ba ở các nước đang phát triển. Làn sóng 1 là tư nhân hóa doanh nghiệp; làn sóng 2 là tư nhân hóa telecoms, hàng không, điện, nước, đường sá và làn sóng 3 là GD, quỹ hưu trí, chăm sóc y tế…
Tư nhân hóa ở đây, theo Ngân hàng Thế giới (WB), có thể là về mặt tài chính, về quản lý hay về sở hữu, hoặc phối hợp cả ba mặt đó. Trong GD ĐH, tư nhân hóa được hiểu là quá trình từng bước giảm đi dịch vụ cung cấp GD thuần túy dựa vào NSNN (chứ không phải là “cổ phần hóa” các ĐH công lập như một số người đã nêu).
Từ đó, cùng với xu thế toàn cầu hóa, xuất/nhập dịch vụ GD ĐH, mối quan hệ giữa nhà nước và các cơ sở GD ĐH cũng đã thay đổi. Người ta cho rằng, trước đây là mối quan hệ hai “người”, nhà nước và cơ sở GD ĐH, nay đã có thêm “nhân vật thứ ba” là “thị trường”. Ngay ở Mỹ, nơi có mức độ tự chủ ĐH rất cao, vừa qua các nhà lãnh đạo GD của các bang và các cơ sở GD ĐH cũng đã ngồi lại với nhau nhiều ngày để xét lại mối quan hệ đó.
Vị trí và vai trò của các cơ sở GD ĐH, kể cả công lập cũng đang có những biến đổi có tính chất “ý thức hệ”: Nhiều cơ sở GD ĐH, nhiều thầy giáo chỉ có dạy, hoặc dạy nhiều nghiên cứu ít, thầy cô giáo không còn là “công chức nhà nước” nữa, có chi nhánh vì lợi nhuận, xem sinh viên là khách hàng, đào tạo theo “tín hiệu của thị trường”, cũng phải biết cạnh tranh, đánh giá và cấp NSNN theo “đầu ra”, quản lý tài chính như một doanh nghiệp… Tất nhiên, luôn luôn có một “phổ” rất rộng, rất đa dạng. Cũng xin lưu ý, rất nhiều công ty lớn trên thế giới ngày nay cũng có cơ sở GD ĐH riêng mang tên công ty như: American Express Quality, Apple, Dell, Disney, General Motors, Hamburger (McDonald), Land Rover, Motorola, Xerox Document…
Trong bối cảnh đó, đề nghị phải tổ chức nhiều hội thảo để trao đổi những thay đổi có tính nguyên lý như vậy nhằm từng bước tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội, may ra mới có thể có những chính sách GD ĐH phù hợp với tình hình mới, khi Việt Nam đã tham gia WTO.
GS PHẠM PHỤ/SGGP
Bình luận (0)