Với 500 đề tài khoa học, trong đó hàng trăm đề tài được triển khai thành công ở nhiều cấp, trường đại học dân lập của ông hiệu trưởng Trần Hành làm thay đổi quan niệm của những người có cái nhìn khắt khe về chất lượng đào tạo ở hệ dân lập.
Tiến sĩ Trần Hành trao học bổng cho học sinh nghèo. Ảnh: PV
|
Những gì Đại học Lạc Hồng làm được chứng tỏ ông hiệu trưởng Trần Hành là người dám làm và dám đột phá.
Suốt nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên của Đại học Lạc Hồng ra trường có việc làm luôn đạt mức 98 phần trăm, con số đáng mơ ước đối với bất kỳ địa chỉ đào tạo nhân lực nào.
12 năm trước, ngay khi bắt tay vào thành lập trường ĐH Lạc Hồng, Tiến sĩ Trần Hành cùng bạn bè tâm huyết tâm niệm: “Nếu chỉ mở trường để cấp bằng cho sinh viên thì sự sống còn của nhà trường sẽ bị đe dọa. Điều cần phải làm bằng được chính là tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Chất lượng đào tạo phải được đặt lên vị trí số một trong quá trình phát triển”.
Vì thế, tay nghề, năng lực của sinh viên sau khi ra trường có đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp hay không là điều ông luôn trăn trở và không ngừng nỗ lực để thực hiện.
Ông tiên phong đổi mới chương trình đào tạo, lấy sinh viên làm trung tâm trong suốt quá trình giảng dạy với bốn tiêu chí: “Dạy thật, học thật, thi thật và làm thật”.
Ông đến dự hội thảo của các doanh nghiệp, tìm đến từng doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp để tìm hiểu tiêu chuẩn tuyển dụng.
Cùng lúc đó là liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, đưa sinh viên đến những nơi này thực tập, tổ chức các diễn đàn thực tập để sinh viên và doanh nghiệp có cơ hội hiểu nhau rõ hơn…
Có hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước luôn mở rộng cửa đón sinh viên ĐH Lạc Hồng đến thực tập và làm việc.
Trong hệ thống các trường ĐH ở Việt Nam, người ta thừa nhận công tác nghiên cứu khoa học của ĐH Lạc Hồng là số dách. Chỉ cần dự một buổi nghiên cứu khoa học của trường là phải ngạc nhiên khi chứng kiến sự sáng tạo của sinh viên cũng như giảng viên của trường. Mọi sự hoài nghi về chất lượng nghiên cứu khoa học của một trường dân lập sẽ hoàn toàn bị đánh đổ.
Từ năm 2003 – 2008, đã có 10 hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên với hơn 500 đề tài và năm hội nghị nghiên cứu khoa học của giảng viên. Hơn 120 đề tài được tổ chức.
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được tỉnh Đồng Nai cấp kinh phí. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khác được chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp với tổng giá trị hợp đồng ký kết gần 14 tỷ đồng.
Tiến sĩ Trần Hành cũng là chủ nhiệm của rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lớn, trong đó đề tài robot lau kính nhà cao tầng là một trong những đề tài gây tiếng vang lớn nhất.
Nặng lòng với quê hương
Đến lúc này, Tiến sĩ Trần Hành quay về giúp đỡ học sinh nghèo quê mình thường xuyên. Từng là học trò nghèo Quảng Trị, ông biết các em học sinh nghèo cần sự giúp đỡ thế nào. Lúc thì ông mang về những suất học bổng, lúc lại mang về những hệ thống thiết bị và các phần mềm công nghệ thông tin.
Ngoài ra, bên cạnh thư viện điện tử được trao cho trường chuyên Lê Quý Đôn và Sở KH&CN Quảng Trị, ông lắp đặt cho Sở KH&CN một văn phòng điện tử, giúp Sở GD&ĐT Quảng Trị ứng dụng các phần mềm quản lý đồng bộ.
Năm 2009, thông qua Báo Tiền Phong, Hội Khuyến học và Sở GD&ĐT Quảng Trị, Tiến sĩ Trần Hành tài trợ 300 triệu đồng, trao thưởng cho học sinh giỏi của tỉnh.
Ông nói: “Giúp đỡ các em có điều kiện vươn lên trong học tập công tác thì sau này ghi nhớ tình cảm này, các em sẽ nối tiếp công việc giúp đỡ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương mình. Đó là ơn đền tiếp nối”.
Ngày 27/7, giải thưởng học sinh giỏi mang tên Trần Hành sẽ được trao cho 107 em học sinh nghèo học giỏi của vùng đất Quảng Trị.
Đăng Khoa (TPO)
Bình luận (0)