Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyển 8 trường bán công sang công lập ra sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề tồn tại của giáo dục. Vấn đề chuyển tám trường THPT bán công của tỉnh sang công lập trong năm học tới có nhiều đại biểu quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, trưởng Ban văn hóa – xã hội, băn khoăn mức thu học phí trường mới sẽ như thế nào. Bởi thu theo mức trường công lập thấp hơn trường bán công sẽ làm tăng chi ngân sách đột biến. Nhưng nếu giữ nguyên mức học phí bán công trong trường công lập, rồi giữ nguyên tổ chức, đội ngũ giáo viên thì việc chuyển đổi không có ý nghĩa. Đại biểu Lê Phước Thanh (huyện Đại Lộc) đồng ý việc thu học phí theo mức bán công ở tám trường công lập trong năm học tới phải chăng là “bình mới rượu cũ”. Ông Thanh lo lắng: chất lượng giáo viên lẫn học sinh của hai loại hình trường học liệu có đảm bảo nếu không có một sự thay đổi toàn diện. Đại biểu Nguyễn Đình Hòa (huyện Đại Lộc) đặt vấn đề việc thu học phí mức bán công trong trường công lập có phù hợp với quy định pháp luật.
Xung quanh việc luân chuyển giáo viên, theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh, hiện còn gần 870 giáo viên luân chuyển từ đồng bằng lên miền núi đã quá ba năm (nữ), năm năm (nam) bị “kẹt” lại miền núi, “tắc” đường về đồng bằng. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục miền núi. Không khuyến khích được việc luân chuyển giáo viên từ đồng bằng lên phục vụ sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn. Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nguyễn Minh Hoàng nhìn nhận “những thầy cô này thiệt đơn, thiệt kép”.
Trước tình trạng “đi dễ khó về” của giáo viên từ đồng bằng lên miền núi, Sở Nội vụ đã trình bày đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên từ nay đến năm 2012 với nguồn kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Theo đó, những thầy cô chuyển lên các xã, thôn miền núi, kể cả tuyển mới sẽ hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi từ 10-40% mức lương, được trợ cấp lần đầu 2 triệu đồng/người. Nếu có con dưới 18 tuổi đi cùng và sinh sống với cha hoặc mẹ sẽ được trợ cấp thêm mỗi tháng 1/3 mức lương tối thiểu/người. Một số chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, ổn định cuộc sống những người bị bệnh hiểm nghèo, rủi ro, hỗ trợ kinh phí nếu định cư tại nơi ở mới…
Song đại biểu Phan Nghĩa băn khoăn: “Quá trình luân chuyển phải quản lý tốt, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên dạy thiếu nhiệt tình, tâm huyết với học sinh. Chỉ chờ xong thời hạn “nghĩa vụ” để về lại đồng bằng, ảnh hưởng chất lượng giáo dục”.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp phản biện một số chính sách ưu đãi theo nghị định 61 của Chính phủ đối với thầy cô công tác ở miền núi chậm hoặc không được thực thi ở Quảng Nam. Nay tỉnh ban hành chính sách thoáng hơn so với nghị định trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn là thiếu khả thi. Ông thẳng thắn đề nghị tỉnh hạ thấp mức phụ cấp và thu hẹp diện đối tượng được hưởng trợ cấp ban đầu.
Để khơi thông “tắc đường” từ miền núi về lại đồng bằng, ông Hiệp đề nghị ngành giáo dục giảm chỉ tiêu tuyển mới các trường đồng bằng để những người luân chuyển từ miền núi về có chỗ dạy học, tăng chỉ tiêu tuyển mới các huyện miền núi. Ông còn cảnh báo nếu không quan tâm đến các mục tiêu ổn định đội ngũ, tạo động lực để họ yên tâm công tác, khắc phục tình trạng “ngồi nhầm lớp” thì gây lãng phí lớn. Trên một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Đình Hòa nói việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với những thầy cô không chấp hành việc luân chuyển liệu có hợp lý và đúng luật hay không.
V.HÙNG – Đ.CƯỜNG (TTO)

Bình luận (0)