Bố bị mù, mẹ yếu, thu nhập gia đình chỉ dựa vào tiền rau của mẹ và tiền đi ăn xin của hai bố con, vậy mà Lưu Thị Dung vẫn học giỏi. Nhiều tấm gương khác ở Quảng Trị như Dung sẽ được nhận học bổng để thực hiện ước mơ của mình.
Lưu Thị Dung cùng bố và mẹ trước căn nhà xiêu vẹo
|
Ít ai ngờ giữa thị xã Đông Hà (Quảng Trị) lại có một gia đình nghèo đến thế. Nghèo đến mức mái tôn dột lỗ chỗ, mỗi khi mưa là không thể ngủ cũng không có tiền thay. Không có tiền nuôi con, bố mẹ Dung phải gửi nhờ Dung cho các sơ trong nhà thờ nuôi ăn học hộ.
Bố em bị mù, chữa chạy thuốc bắc, thuốc nam không công hiệu, di chứng của hai con mắt khiến đỉnh đầu thường xuyên bị buốt. Ông lại bị chứng hen suyễn hành hạ liên tục. Dành dụm được bao nhiêu tiền, cả nhà đều đổ vào thuốc thang cho ông. Mẹ Dung kể, những thứ thuốc ấy chỉ chế ngự phần nào các căn bệnh này và đã gồng mình hết sức.
Bố mẹ Dung dắt díu nhau từ Bắc Ninh vào Quảng Trị từ năm 1988. Thời ấy đất đai còn rộng, họ xin được một mảnh đất nhỏ. Nhưng họ không có nổi một đồng trong tay để xây nhà. Hàng xóm phải giúp dựng cho căn nhà nhỏ để che mưa nắng. Nhưng căn nhà xây tạm của 21 năm chưa lần nào có điều kiện để sửa chữa, dù chỉ là vài viên gạch.
Ngày Dung còn nhỏ, em là người dẫn bố đi ăn xin từ nơi này sang nơi khác. Một cha già, một con nhỏ đi khắp thị xã để gồng gánh cả một gia đình. Dung kể những ngày ấy em buồn hết sức. Nhưng lạ lùng thay, đó lại là động lực cho em học giỏi để thoát khổ, thoát nghèo, bù đắp cho những tháng ngày tận cùng của khổ cực.
Liên tục từ lớp Một đến lớp Năm, Dung đều là học sinh giỏi. Em còn được trường cử đi thi học sinh giỏi thị xã Đông Hà. Căn nhà trống của gia đình Dung có lẽ chỉ đẹp nhất ở những bằng khen của em dán chi chít trên tường và bừng sáng nhất khi cha mẹ kể về em với chất giọng tự hào.
Dung không còn đi ăn xin nữa từ khi thị xã Quảng Trị cấm người ăn xin. Cả ông và vợ bây giờ đều đi bán vé số. Lòng ông nhẹ nhàng hơn, dù tiền bán vé số của hai ông bà mỗi ngày vẫn không đủ ăn. Cả nhà chỉ dám chi tiêu từ 3.000 – 5.000 đồng/ngày với món ăn chính là đậu phụ rán.
Dung bảo em chỉ mong ước được trở thành cô giáo. Chặng đường đến ước mơ ấy còn quá dài và quá gian nan. Mong những tấm lòng hảo tâm giúp em thực hiện ước mơ nhỏ bé ấy.
Mồ côi học giỏi
Phạm Thị Hoài Thương cùng bà ngoại
|
Phạm Thị Hoài Thương sinh ra không hề biết đến mặt bố. Ông bỏ đi Thương còn trong bụng mẹ. Rồi mẹ đi bước nữa và sinh được ba con. Đến năm học lớp 5, Thương mới được đón về ở chung với mẹ sau khi ở với ông bà và cậu. Nhưng thời gian đoàn tụ với mẹ của em ngắn ngủi. Mẹ em qua đời do bị một thanh gỗ rơi trúng đầu. Em lại phải quay về khu nhà cũ bởi em biết bố dượng nuôi ba đứa em đã khó khăn đến cùng cực rồi.
Ông bà ngoại của Thương, một người 80, một người 75 tuổi. Cậu em một nách vợ và ba con, chỉ làm nông. Phải nuôi thêm Thương , cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn.
Bà ngoại Thương từng nuốt nước mắt khi tính đến chuyện gửi em vào nhà tình thương. Nhưng người cậu phản đối quyết liệt: “Hắn ngoan rứa, học giỏi rứa. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Con quyết không khi mô bỏ hắn!”.
Đầu năm học lớp 6, nhận học bổng, Thương được trích ra trong số đó mua một chiếc xe đạp đi học vì nhà khá xa trường. Nhưng chỉ mới vài ngày, xe bị kẻ gian trộm mất. Thương khóc như mưa giữa lớp. Thương em quá, cô giáo và các bạn trong lớp quyên góp được 260.000 đồng để giúp em. Mỗi tháng em lại nhận được 100.000 đồng từ một người giấu tên giúp đỡ để đến trường.
Thương đã không phụ những tấm lòng như thế. Luôn ngoan ngoãn, lễ phép, làm việc nhà, trông các em… Sáu năm liền, em đều là học sinh tiên tiến.
Lưu Thị Dung và Phạm Thị Hoài Thương là hai trong số 19 em học sinh được TS Trần Hành nhận đỡ đầu.
Các em sẽ nhận được học bổng, sự giúp đỡ cho đến khi học hết phổ thông.
19 em học sinh này cũng sẽ có mặt cùng 98 em học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh khác trong buổi lễ trao Giải thưởng Trần Hành do Báo Tiền Phong, Hội Khuyến học và Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức ngày 27/7 này.
|
Đăng Khoa (TPO)
Bình luận (0)