Chấm thi ĐH đang bước vào giai đoạn nước rút để công bố điểm thi cho thí sinh.Ít ai biết đằng sau đó là những nỗi truân chuyên, những buồn vui thậm chí cười ra nước mắt…
“Chạy sô” chấm thi
Không phải trường đại học nào cũng đủ giáo viên chấm thi. Thế là trường đi mời và giữ mối với đội ngũ chấm thi ở ngoài trường. Trường này mời, trường khác cũng mời nên có lúc chấm xong ở trường này là giáo viên chạy ngay sang trường khác. Chấm không kịp ăn, ngủ luôn tại trường để chấm cho kịp.
“Chạy sô” vì thực tế không phải trường ĐH, CĐ nào cũng có đủ giáo viên để chấm thi và không phải giáo viên nào cũng mặn mà…
Cán bộ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng máy chấm bài thi trắc nghiệm môn vật lý sáng 20-7 – Ảnh: Như Hùng |
Chính vì thế, khi trở thành “ngôi sao”, dẫu chỉ một mùa/năm, những chuyến “chạy sô” của giáo viên chấm thi luôn đi liền với những chuyện hậu trường mà cảm giác vui hay buồn là do mỗi người tự cảm nhận.
Vừa chấm vừa… chạy
Chấm thi theo kiểu “chạy sô“ còn gây ra không ít cảnh dở khóc dở mếu như ở nhiều hội đồng chấm thi, giám khảo chấm xong là trả bút chạy sang trường khác chấm ngay. Thế nên, khi không khớp điểm, thư ký cứ ngồi mỏi mòn mà chờ đợi.
Tìm gọi được giám khảo 1 thì giám khảo 2 chưa đến kịp, khi giám khảo 2 đến thì giám khảo 1 đã “bực mình” đi uống cà phê hay đi đâu đó mà chưa biết lúc nào sẽ trở lại.
|
Cô D. – giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM – cho biết: “Mùa tuyển sinh năm nay mình chấm thi cho… bốn trường, đó là đã từ chối bớt một trường rồi. Liên tục từ 11-7 đến nay, cứ chấm vừa xong ở trường này mình phải chạy ngay qua trường khác, trường nào cũng muốn kết thúc sớm để họ còn làm hàng loạt thủ tục tiếp theo và công bố điểm. Vì thế, giám khảo thường không nghỉ trưa, ăn cơm xong vào chấm tiếp.
Thậm chí như ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tụi mình chấm “thông tầm” từ 7g30-20g”. Một giáo viên chấm thi khối D của trường tâm sự: ít ai biết được rằng nhiều bữa giám khảo chấm đến 23g mới nghỉ, trễ quá nên một số giám khảo ngủ luôn tại trường để sáng mai… chấm tiếp.
Chiều tối 24-7, chúng tôi có mặt tại buổi liên hoan do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức sau hai tuần làm việc cật lực cho số bài thi của một trong số những trường “hot” nhất. Bàn tiệc vừa dọn ra, nhiều giáo viên chỉ kịp uống ly nước rồi đứng dậy ra về. Hỏi với theo mới biết số giám thị này còn một số “công việc” ở Trường ĐH Mở TP.HCM. Bàn tiệc gần tan, lại cũng có một số giáo viên mới đến vì nãy giờ phải ghé qua “công tác” với một trường ĐH khác.
Ở phía Bắc, trong khi một vài trường ĐH đã công bố điểm, Viện ĐH Mở Hà Nội mới bắt đầu chính thức bước vào chấm thi. Do không có đủ cán bộ chấm thi nên trường phải hợp đồng với trường khác và ở thế bị động, trường bạn chấm xong mới đến chấm cho viện được. Vì thế, toàn bộ bài thi được xử lý, làm phách xong phải để chờ có người chấm.
Từ khi có bốn môn thi trắc nghiệm chấm bằng máy, áp lực thuê cán bộ chấm thi của viện tuy có giảm bớt nhưng ba năm nay gần đây, lượng thí sinh dự thi vào viện luôn ở mức rất cao, số lượng bài thi nhiều, vì thế năm nào Viện ĐH Mở Hà Nội cũng là một trong những trường cuối cùng công bố điểm thi. Cũng ở thế bị động, phải phụ thuộc vào cán bộ chấm thi bên ngoài như Viện ĐH Mở, tuy tổ chức thi đợt 1 từ đầu tháng 7 nhưng Trường ĐH Thương mại phải chờ đến ngày 18-7 mới bắt tay vào chấm.
Được “lượng”, mất “chất”?
Vì không phải là cơ quan chủ quản của giáo viên chấm thi từ các trường phổ thông và trong tình trạng bài thi nhiều, giáo viên chấm ít, các trường ĐH, CĐ vẫn phải năm này qua năm khác “giữ mối” với đội ngũ chấm thi của mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các trường ĐH, CĐ mời giáo viên THPT đi chấm thi bằng nhiều cách: thông qua quen biết với cá nhân giáo viên, nhờ ban giám hiệu trường THPT hoặc một giáo viên khác giới thiệu.
Trong khi đó, như đã nói đây là cơ hội hiếm hoi để tăng thu nhập, nhiều trường THPT cho giáo viên đăng ký: ai có sức thì đăng ký đi chấm thi, ai bận bịu việc nhà hoặc không thích thì thôi và vì thế các trường ĐH, CĐ có ít sự lựa chọn. Khi “cầu” quá lớn mà “cung” thì ít ỏi, có giáo viên chịu đi chấm đã là chuyện khó nên chỉ cần có sự giới thiệu của các trường THPT là trở thành… giám khảo ngay.
Về chuyện này, một giáo viên giỏi của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM (đề nghị không nêu tên) kể: đã từng có chuyện một giám khảo đang chấm thi phát hiện một “ý lạ” (trong bài thi văn), thốt lên: “Bé này viết văn hay quá, biết lấy cả thơ của Thâm Tâm ra để dẫn chứng. Mấy câu thơ này là lạ, mình chưa đọc đến bao giờ”.
Nghe vậy, nhiều giám khảo khác chạy đến và một vị đã phát hiện: “Dẫn chứng có mấy câu thơ mà thí sinh chép sai đến mấy từ”… Như thế, không phải cứ là giáo viên môn văn thì đi chấm văn được. Với giáo viên vốn hiểu biết ít ỏi, ngay cả tác phẩm còn không nhớ hết thì làm sao thẩm định đúng đắn bài làm của thí sinh trong khi văn chương thì vô chừng.
Thời gian gấp rút, chấm nhiều cũng chẳng có vấn đề gì nếu giám khảo đủ sức khỏe và đủ minh mẫn để đảm bảo công minh khi hạ bút cho điểm từng bài thi. Nhưng thực tế, theo nhận xét của một giáo viên từng có thâm niên hơn 20 năm đi chấm thi: “Giám khảo được trả thù lao theo số lượng bài thi chấm được. Mỗi trường ĐH, CĐ chỉ chấm thi trong vòng vài ngày nên ngoại trừ một số giám khảo có tâm thì số “thợ chấm” không phải ít. Có người chấm bài thi môn văn nhưng chỉ đọc chưa đầy 1 phút đã… xong. Có người còn tuyên bố thẳng thừng: văn thì cần gì đọc kỹ, chỉ cần “ngửi” đã biết em nào giỏi, em nào dở”.
Chuyện “chạy sô” dù ít dù nhiều vẫn có khả năng xảy ra oan ức cho thí sinh. Theo các thầy có nhiều năm kinh nghiệm chấm thi, để đảm bảo chất lượng chấm cho một bài thi tự luận, giám khảo phải đọc kỹ lưỡng bài làm của thí sinh, trung bình một ngày, một cán bộ chấm thi chỉ có thể chấm 50-60 bài thi.
Còn trong tình trạng nhiều trường phải áp tiến độ, một người chấm 80-90, thậm chí 100 bài/ngày thì sẽ quá tải, chỉ có thể bám theo đáp án, đếm ý tính điểm, khó có thể chấm kỹ và ghi nhận được những ý viết sáng tạo, mới lạ của thí sinh.
T.DUY – T.HÀ – H.HƯƠNG (TTO)
(còn tiếp)
Bình luận (0)