Bất cứ với một bậc học nào cũng cần phải có sự cân đối giữa thời gian dành cho học tập và thư giãn. Thế nhưng với nhiều bậc phụ huynh hiện nay, ngoài việc trên lớp các em học sinh chăm chú nghe giảng là chưa đủ, về nhà các em còn phải học ngày học đêm, học trên trường chưa đủ thì đi học thêm… Nhìn vào thời khóa biểu của một học sinh THCS, THPT tại TP.HCM: Sáng học trên trường, chiều học thêm hai ca đến năm giờ chiều, về đến nhà tắm rửa, ăn cơm rồi đến cơ sở bồi dưỡng văn hóa học đến 10 giờ tối; về nhà chưa được ngủ mà phải ôn lại bài cũ và coi trước bài học cho ngày mai cho đến 12 giờ, 1 giờ sáng… Chính vì vậy, các em cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Thêm vào đó, áp lực từ phía gia đình là các em phải đạt kết quả học tập khá giỏi khiến các em rất sợ học, học để đối phó…
Nhân đây, tôi kể ra chuyện về một chị bạn. Chị có thằng con trai tên Bin mới bước vào lớp 1. Thế nhưng chị đặt cho Bin một tiêu chuẩn là “Bất cứ môn nào cũng phải đạt 10 điểm, nếu môn nào… bị 9 điểm thì bị 1 roi, 8 điểm thì bị 2 roi…”. Một lần, chị kiểm tra thì thằng bé kêu đánh mất cuốn tập, còn mất ở đâu thì… không nhớ. Thấy cu Bin ấp úng, chị nghi ngờ nên đưa thằng bé lên tận lớp để kiểm tra thì thấy cuốn tập cu Bin để trong ngăn bàn, hóa ra cu cậu được có 9 điểm môn toán nhưng vì sợ mẹ nên không dám mang tập về. Hỏi cô giáo thì cô giáo mới nói: “Cu Bin được 9 điểm là cao nhất lớp, còn lại các em đều chỉ được 6, 7 điểm thôi”. Vậy là từ đó chị không còn bắt buộc cu Bin phải điểm 10 nữa, mà quan trọng hơn là phải cố gắng hết mình. Chị chia sẻ: “Đôi khi đừng bắt trẻ phải theo một khuôn mẫu do mình đặt ra, điều đó khiến trẻ vừa sợ hãi, bị áp lực mà quan trọng nhất là tạo điều kiện để trẻ… nói dối”.
nuocmathoanghon _73@yahoo…
Sao lại “năn nỉ” con đi học?
Với nhiều trẻ em nghèo, trẻ mồ côi… việc được cắp sách đến trường đã là một niềm mơ ước. Thực tế, có nhiều em khi được cá nhân hay đơn vị nào đó giúp đỡ tạo điều kiện được đi học đã đền đáp bằng nỗ lực và thành quả học tập xuất sắc.
Nhưng cũng có những học sinh không chịu… đến trường, mà việc “vận động” được các em đến trường đã là một nỗi vất vả của cha mẹ. Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, tôi bắt gặp một phụ huynh (ngụ tại Q.3, TP.HCM) túc trực tại địa điểm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM từ 5 giờ sáng để đưa con đi thi. Chị cho biết đã làm cái công việc quen thuộc đưa đón con đi học, đi thi suốt gần 20 năm qua, từ đứa con đầu tiên cho đến đứa nhỏ sau cùng. Người mẹ này có nguyện vọng chính đáng là nuôi con ăn học nên người có nghề nghiệp đàng hoàng. Nhưng chị cũng tâm sự, để con chịu học, chị đã phải dùng “chiêu” năn nỉ cả hai đứa hết nước. Con gái đầu của chị cũng đã tốt nghiệp trường CĐ và lấy chồng được một năm. Chị cũng không trông mong gì hơn, mục đích lớn nhất trang bị cho con một nghề nghiệp trong tay đã thành. Giờ chị vẫn tiếp tục tập trung “đầu tư” vào cô con gái kế, có thể chị sẽ tiếp tục được toại nguyện. Tuy nhiên, cách chị giáo dục con hết sức kỳ công, chưa nói có thể vì bận bịu đưa đón con (học chính, học thêm…), chị không còn thời gian tập trung lo kinh tế hay vào những việc khác. Các con chị, tuy học hành đến chốn nhưng liệu thành quả đó có phải xuất phát từ việc các em đặt mục tiêu cho cuộc đời mình rồi phấn đấu hay chỉ là theo con đường mẹ vạch sẵn?
Không trách cha mẹ quá thương con, chăm lo cho tương lai các em. Tuy nhiên, thay vì cứ sớm tối năn nỉ con đi học, phụ huynh nên cho trẻ thấy được quyền lợi của việc học hơn là nghĩa vụ phải đến trường để các em biết sống có trách nhiệm.
Nguyentam2005@gmail…
Bình luận (0)