Sự kiện giáo dụcTin tức

Dự kiến điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ được áp dụng trong năm thí sinh tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022. Dự thảo này kết cấu thay đổi căn bản theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu và áp dụng lâu dài.

Những điểm mới trong tuyển sinh năm nay được Bộ GD&ĐT dự kiến như lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển trong lần 1; đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT đã được đưa vào dự thảo quy chế.

Nóng: Dự kiến điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ được áp dụng trong năm thí sinh tốt nghiệp ảnh 1

Quan trọng nhất là điều chỉnh liên quan điểm điểm ưu tiên khu vực. Theo đó, mức điểm cộng ưu tiên giữ nguyên (khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm).Bên cạnh đó, có một số điều chỉnh khác như Bộ GD&ĐT yêu cầu việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

Nhưng có quy định quan trọng là điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Bộ GD-ĐT cũng cho biết thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên phiếu đăng ký (theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT) như sau: thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất); lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường); lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh (mã ngành); lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học THPT.

Bộ GD-ĐT yêu cầu việc xác nhận nhập học phải được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống.

Trong trường hợp cơ sở đào tạo quy định thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức khác (qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc có thể kết hợp trong quy trình nhập học), cơ sở đào tạo phải thực hiện việc xác nhận nhập học cho thí sinh trên hệ thống.

Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định: nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận; Nếu do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, cơ sở đào tạo xem xét quyết định tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau; nếu do sai sót, nhầm lẫn của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh hoặc cá nhân thí sinh gây ra cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan xem xét các minh chứng và quyết định việc tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo thì không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Theo Nghiêm Huê/TPO 

 

Bình luận (0)