Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chương trình ngữ văn 12 GDTX: Đã sát hơn với đối tượng học

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù sách giáo khoa (SGK) 12 chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) đã có từ năm học trước nhưng do chưa có sách hướng dẫn dạy ở bậc THPT nên các trường bổ túc văn hóa (BTVH), TT GDTX vẫn còn lúng túng khi thực hiện đổi mới chương trình lớp 12.
Chú trọng thực hành và luyện tập 
Góp ý về SGK lớp 12 GDTX tại khóa tập huấn 2009
Không giống như trước đây, SGK ngữ văn 12 mới viết theo tinh thần tích hợp giữa 3 phần là văn học, tiếng Việt và làm văn. Nếu như SGK cũ đặt nặng kiến thức văn học sử và giảng văn thì SGK mới quan tâm hơn đến những kiến thức “tiếng mẹ đẻ”. Các loại phong cách ngôn ngữ như phong cách ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính, thi luật… là những “thực đơn” trước đây chỉ có trong chương trình đại học nay lại được các nhà biên soạn trả về lớp 12. Nếu SGK cũ kiến thức ngữ văn chỉ gói gọn trong tiểu sử tác giả và văn bản tác phẩm thì mỗi bài học trong SGK mới được biên soạn theo một kết cấu có 3 phần thống nhất với nhau (kết quả cần đạt, nội dung bài học, luyện tập và đọc thêm). Đây không chỉ là công việc được giao phó cho thầy và trò mà còn là mục đích phải phấn đấu trong một tiết học. Theo nhiều ý kiến nhận xét, cơ hội này giúp học viên gạt bỏ bớt những tri thức mang tính từ chương, trở về gần hơn với khả năng ứng dụng và tính thực hành.
Tại đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT cuối tháng 7 vừa qua, các nhà biên soạn sách đã đưa ra nhận xét: Chương trình ngữ văn 12 GDTX bậc THPT về cơ bản giống chương trình ngữ văn hệ chính quy nhằm đảm bảo mặt bằng kiến thức và kĩ năng giữa 2 loại hình đào tạo. Chương trình GDTX không đòi hỏi “biết vận dụng những hiểu biết về nhân vật giao tiếp trong việc nói, viết và đọc” mà phải “biết vận dụng những hiểu biết về nhân vật giao tiếp vào thực tiễn nói, viết và đọc hiểu văn bản”.
Việc một số tác phẩm đưa ra khỏi chương trình và thêm những tác phẩm khác vào cũng là một quy luật không thể tránh khỏi. Nhìn vào bình diện chung có thể thấy diện tích của đề tài chiến tranh đang bị “co cụm” lại nhường chỗ cho các tác phẩm gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại hơn. Điều này đáp ứng được 2 yêu cầu: vừa theo kịp thời đại vừa “bắt nhịp” sát với đối tượng người học. Song song với giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của mỗi tác phẩm đang được các nhà biên soạn tôn vinh và coi trọng hơn. Chương trình có thêm sự đa dạng loại thể, ngoài văn nghị luận thì mảng kịch và kí dần dần “lên ngôi”, mặc dù 2 thể loại này trước đây còn là rất xa lạ. Nổi bật là vở kịch của Lưu Quang Vũ đã làm cho chương trình lớp 12 có thêm sắc màu mới. Ngoài nghị luận xã hội và nghị luận văn học SGK còn đưa vào một số văn bản nhật dụng. Những bài nghị luận này thường đưa ra những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong thời đại như đổi mới tư duy, công nghệ thông tin… giúp học viên rứt ra khỏi “đống chữ văn chương” để trở về với cuộc sống thường ngày. Cách làm mới rõ nhất của SGK là ở phần tiếng Việt mà trước đây chưa từng có trong chương trình. Hai loại bài (hình thành kĩ năng mới chưa được học ở lớp 10 và 11; luyện tập thực hành để củng cố và nâng cao kiến thức, kĩ năng đã học ở các lớp dưới) không chỉ cung cấp thêm “năng lượng” kiến thức, chương trình mà còn nạp thêm “năng lượng” thực hành cho học viên qua mỗi bài học về phần tiếng Việt.
Khuyến khích phương pháp tự học
Tuy nội dung cơ bản giống chương trình cũ nhưng phần làm văn cũng có vài điểm khu biệt như chú trọng rèn luyện kĩ năng viết các kiểu bài, tăng cường kiểu bài nghị luận xã hội. Các bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý, về một hiện tượng đời sống đã tạo thêm chất keo làm cho văn học gắn liền với cuộc sống hơn. Cấu trúc này cũng không ngoài mục đích nâng cao tính thực hành “dao có mài mới sắc, vàng có luyện mới trong”.
Nếu chương trình chính quy yêu cầu “hiểu vai trò và ý nghĩa của các nhân vật giao tiếp” thì chương trình GDTX chỉ dừng ở mức độ yêu cầu “hiểu vai trò của nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp”. Chương trình GDTX không đòi hỏi “biết vận dụng những hiểu biết về nhân vật giao tiếp trong việc nói, viết và đọc” mà phải “biết vận dụng những hiểu biết về nhân vật giao tiếp vào thực tiễn nói, viết và đọc hiểu văn bản”. Rõ ràng kiến thức không những được lược bớt mà còn phải có tính thực tiễn để phù hợp với đối tượng học của GDTX.
So với chương trình THPT, chương trình của GDTX có những yêu cầu riêng để phù hợp với đối tượng vừa đi làm vừa học, tuổi tác cũng không còn trẻ nữa. Những kiến thức về tiếng Việt và văn học Việt Nam không chỉ mang tính cơ bản, phổ thông, hiện đại mà còn phải phù hợp với trình độ nhận thức của độ tuổi và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi thế, ngoài năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận cảm thụ văn học, giáo viên phải hình thành một phương pháp học tập tư duy phù hợp đặc biệt chú trọng và khuyến khích phương pháp tự học, ưu tiên năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)