Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trả lại đúng nguyên trạng chùa Nghệ sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc chùa Nghệ sĩ, tức Nhựt Quang Tự, được thay đổi bằng bảng tên: Hội Sân khấu TP HCM – Nghĩa trang Nghệ sĩ. Nhiều ý kiến bức xúc về việc thay đổi này dẫn đến những bình luận trái chiều

Sáng 23-6, trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM đã dành thời gian tổ chức cuộc họp có sự đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM xung quanh vấn đề liên quan chùa Nghệ sĩ.

Di tích cần được gìn giữ

Giới nghệ sĩ miền Nam vốn có truyền thống tương thân tương ái. Vào năm 1948, các nghệ sĩ yêu nước, yêu nghề như: Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang… đã thành lập Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế, trụ sở tại 133 Cô Bắc (nay là 133 Cô Bắc, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM).

Trả lại đúng nguyên trạng chùa Nghệ sĩ - Ảnh 1.

Nhựt Quang Tự, còn gọi là chùa Nghệ sĩ. Ảnh: Nguyễn Trung

Năm 1957, Hội trưởng Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế khi đó là nghệ sĩ Phùng Há (Trương Phụng Hảo) đã vận động Hội trường đua Phú Thọ giúp một số tiền để mua đất xây dựng chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sĩ. Lúc bấy giờ, Hội trường đua đã ủng hộ một ngày không nhận doanh thu để trao tặng số tiền cho Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế mua đất. Bằng khoán đất số 326 lập ngày 29-10-1958 có diện tích 6.080 m2.

Theo ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, chùa được tiến hành xây dựng vào năm 1969. Ngôi chùa khi mới xây dựng có kích thước nhỏ như một cái am, chi phí hoạt động do các nhà hảo tâm đóng góp. Riêng ông Diệp Nam Thắng (bầu Xuân), Giám đốc xưởng giấy Kiss Me, cũng là Trưởng đoàn Dạ Lý Hương, đã đóng góp 137.000 đồng (trong tổng số 204.000 đồng tiền xây chùa).

Sau khi hoàn thành việc xây chùa, ban quản lý chùa và nghĩa trang được thành lập ngày 22-3-1972 tại trụ sở Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế, giai đoạn đầu gồm các ông, bà: Phan Văn Thời (bầu Thời, chủ hội); Phó Chủ hội: Nguyễn Phát Hưng (Nam Hưng), Tổng Thư ký: Lê Quang Anh (Năm Anh), thư ký: Nguyễn Kim Khánh, Trưởng Ban Bảo trợ: Nguyễn Văn Chức (soạn giả Duy Chức), Phó Ban Bảo trợ Nguyễn Hiếu Liêm (Tư Liêm).

Năm 1979, chùa được quản lý bởi NSND Phùng Há với sự phụ tá của bà Như Mai và nghệ sĩ Kim Hoàng. Đến tháng 9-1994, Ban Ái hữu Nghệ sĩ Hội Sân khấu TP HCM quyết định thành lập Hội đồng Quản trị chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ, chia ra 2 bộ phận hành chính và Phật sự. Hội đồng Quản trị lúc đó gồm: Hội trưởng: NSND Phùng Há; Phó Hội trưởng: Như Mai, Diệp Nam Thắng (tức bầu Xuân), Ngô Văn Hiếu (Tư Hiếu); Ủy viên Thường trực: soạn giả Thanh Cao, NSND Đinh Bằng Phi.

Chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ lúc đó còn có Ban Kiểm soát gồm 8 ủy viên: NSƯT Trường Xuân, NSƯT Nam Hùng, bà Lê Thị Tâm (bà Bé), NSƯT Minh Sang, tác giả Việt Thường, NSND Huỳnh Nga, ông Nguyễn Văn Chức, ông Lê Quang Anh (Năm Anh). Sau một thời gian, bà Như Mai và nghệ sĩ Kim Hoàng, nghệ sĩ Nam Hùng xin từ chức; NSƯT Trường Xuân và ông Lê Quang Anh lần lượt qua đời. Từ đó, ông Diệp Nam Thắng (bầu Xuân) được ủy quyền thường trực Hội đồng Quản trị giải quyết các vấn đề của chùa và nghĩa trang.

NSND Đinh Bằng Phi nhớ lại: "Thời đó, mọi hoạt động của chùa và nghĩa trang đi vào nền nếp, có Ban Kiểm tra quản lý. Về công việc Phật sự, từ năm 1972 đến 1993 (21 năm) có các trụ trì vốn xuất thân là nghệ sĩ như: Đại đức Thích Quảng Trường (bầu Thời), Đại đức Thích Quảng Minh (nghệ sĩ Thanh Tao), Thượng tọa Thích Huệ Trí (nghệ sĩ Bảy Bá), Đại đức Thích Tưởng Niệm (nghệ sĩ Ba Cẩn). Các vị này đã qua đời".

Như vậy, Nhựt Quang Tự hay còn gọi là chùa Nghệ sĩ đã có quá trình lịch sử được hình thành từ mục đích cao đẹp của các nghệ sĩ yêu nước, mang tính nhân văn sâu sắc của NSND Phùng Há, NSND Năm Châu. "Kép Tư Hiếu cả đời cống hiến cho nghề, khi mất không có mảnh đất để chôn. Cô Bảy Phùng Há nói rằng "nghệ sĩ sống chung, không thể để đồng nghiệp chết trong đơn lẻ". Từ lý do này mà hình thành ý tưởng xây dựng nghĩa trang, xây dựng Nhựt Quang Tự cho đến ngày nay. Vậy nên, địa chỉ này là di tích lịch sử của giới sân khấu TP HCM, cần phải được tôn tạo, gìn giữ" – NSND Đinh Bằng Phi bày tỏ.

Ban Ái hữu nghệ sĩ nhận khuyết điểm

Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM cho biết theo tinh thần cuộc họp do Phòng Nội vụ, UBND quận Gò Vấp chủ trì ngày 13-3-2022, nguồn gốc và lịch sử khu đất sử dụng để làm nghĩa trang và chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự) đã xác định. Trong đó, chùa Nghệ sĩ không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp.

Vì vậy, ngày 18-6, Ban Quản lý nghĩa trang Nghệ sĩ đã gắn bảng tên mới "Hội Sân khấu TP HCM – Nghĩa trang Nghệ sĩ" mà chưa thông qua Ban Chấp hành. Sự việc này đã gây dư luận không tốt trong xã hội cũng như ảnh hưởng tới truyền thống nghĩa tình, nhân văn tốt đẹp của Hội Nghệ sĩ Ái hữu tương tế trước đây và là Ban Ái hữu nghệ sĩ ngày nay.

Ngày 20-6, tập thể Thường vụ Hội Sân khấu TP HCM đã có cuộc họp khẩn, trực tiếp khảo sát tại thực địa và kết luận: tháo gỡ ngay bảng tên chưa phù hợp nói trên; đưa vấn đề chỉnh trang chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ tại cuộc họp Ban Chấp hành Hội Sân khấu sáng 23-6 theo hướng phục hồi nguyên trạng ban đầu.

Ban Ái hữu nghệ sĩ TP HCM đã nhận khuyết điểm, do vội vàng với mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động của chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ nên đã để xảy ra sự việc trên.

Theo các nghệ sĩ lão thành, việc Ban Thường trực Hội Sân khấu TP HCM chiều 20-6 đã xuống tận nơi để khảo sát, kiểm tra và yêu cầu trả lại tên Nhựt Quang Tự – chùa Nghệ sĩ đã cho thấy thái độ cầu thị trước sự việc đáng trách của Ban Ái hữu nghệ sĩ TP HCM.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, cho rằng chùa Nghệ sĩ đã tồn tại hơn 60 năm và có giá trị to lớn về mặt tinh thần không chỉ với giới văn nghệ sĩ mà còn với người dân thành phố. Từ những giá trị tinh thần này, sở đã có những đề xuất với UBND TP HCM.

Theo đó, trong văn bản báo cáo ngày 20-6, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM đã đề xuất 3 nội dung: Giao cho các sở, ngành liên quan rà soát cơ sở pháp lý nhà đất tại chùa Nghệ sĩ. đề xuất tham mưu phương hướng tổ chức hoạt động tại đây trong thời gian tới. Đề xuất nghiên cứu để trùng tu, sửa chữa những hạng mục, công trình xuống cấp, hư hỏng để thể hiện sự trân trọng công lao của nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước. Đề xuất các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có Hội Sân khấu TP HCM, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp xin hướng dẫn về việc thờ cúng văn nghệ sĩ đang nằm lại ở đây.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)