Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguồn gốc của mùi hương ngập tràn những căn bếp Ấn Độ

Tạp Chí Giáo Dục

Đường thốt nốt chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa không chỉ giảm ho, đau họng, hỗ trợ tiêu hóa mà còn tăng cường miễn dịch.
Đường thốt nốt, còn được biết là đường dược liệu, là thành phần phổ biến trong các món ngọt của Ấn Độ. Đường này được bán rộng rãi tại nhiều chợ sỉ khắp các thành phố lớn. Ấn Độ sản xuất hơn 70% đường thốt nốt trên thế giới.
Ngoài ra, nhiều món ăn Nam Á và châu Phi cũng sử dụng đường thốt nốt nhưng có nhiều tên gọi khác nhau trên thế giới như muscovado (Bồ Đào Nha), panela (Colombia), kokuto (Nhật Bản) và rapadura (Brazil).
Đường thốt nốt được cho là du nhập vào tiểu lục địa Ấn Độ khoảng năm 6000 TCN thông qua Bán đảo Mã Lai nằm giữa miền Nam Thái Lan và Singapore ngày nay. Nó được sử dụng trong các món ngọt và mặn.
Đường thốt nốt
Đường thốt nốt được sử dụng rộng rãi trong các món ăn đường phố của Ấn Độ.
Tác dụng với một số bệnh nhẹ
Đường thốt nốt làm từ mía trồng ở vùng nông thôn Ấn Độ. Sau khi mía được thu hoạch, người ta ép lấy nước mía và đun nhỏ lửa trong các thùng lớn cho đến khi đặc lại. Sau khi loại bỏ tạp chất, chất lỏng màu vàng được đổ vào khuôn thiếc hình đĩa.
Sau khi đặc lại, nó được bán ở dạng khối hoặc dạng bột với giá khoảng 1 USD/kg. Các cửa hàng trực tuyến bán đường thốt nốt dưới nhiều hình thức và sản phẩm như bánh quy, hạt tẩm đường và bánh kẹo.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đường thốt nốt chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất có thể giúp tăng cường sức mạnh và khả năng miễn dịch. Đồng thời, nó cũng có thể ngăn ngừa một số bệnh nhẹ.
Đường thốt nốt là loại đường thay thế lành mạnh hơn cho đường tinh luyện. Đó là lý do các nhà hành nghề Ayurvedic kết hợp nó trong nhiều loại thuốc và phương pháp chữa bệnh truyền thống của Ấn Độ.
“Đường thốt nốt có tính 'nóng', làm ấm cho cơ thể. Kết hợp nó với gừng và lá húng quế có thể giúp chữa lành bệnh viêm họng, cúm theo mùa, cảm lạnh, ho và sốt”, Bharti Raghav, nhà hành nghề Ayurvedic ở New Delhi, cho biết.
Bà Raghav nói thêm: “Vì có đặc tính chống viêm, nên tiêu thụ đường thốt nốt, bơ sữa lỏng và gừng mỗi ngày giúp giảm đau khớp và tăng cường sức khỏe của xương”.
Bà Raghav cho biết đường thốt nốt cũng cung cấp năng lượng vì nó chứa nhiều carbohydrate lành mạnh. Ở quê, phụ nữ sử dụng nó để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ yếu ớt cũng có thể ăn nó.
Theo Urvashi Agarwal, huấn luyện viên sức khỏe tổng hợp tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, đường thốt nốt chứa chất sắt, folate (dạng tự nhiên của vitamin B9) và các thành phần thiết yếu khác nên có thể được sử dụng như một chất lọc máu và cải thiện nồng độ hemoglobin.
Bà nói: “Nó tăng cường cung cấp oxy cho não đồng thời tăng cường chức năng não và kích thích tiết ra các enzym tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn”.
Bà Agarwal cho biết thêm lý do khác nên tiêu thụ đường thốt nốt là hàm lượng axit folic và sắt dồi dào có thể giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, một vấn đề phổ biến của phụ nữ ở các quốc gia nghèo hơn.
“Đường thốt nốt cũng chứa selen và kẽm cũng như chất chống oxy hóa, tất cả đều giúp tăng cường khả năng miễn dịch”, bà nói.
Các nghiên cứu phương Tây chỉ ra đặc tính tốt cho sức khỏe của đường thốt nốt. Đánh giá năm 2020 trên trang Journal of Pharmacognosy and Phytochemistry lưu ý rằng việc sử dụng đường thốt nốt thường xuyên có thể hỗ trợ tiêu hóa, giúp giải độc gan, giảm táo bón và căng thẳng, tăng cường năng lượng và điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết đường thốt nốt cũng có đặc tính chống oxy hóa và có thể chống ung thư.
Một phần của văn hóa Ấn Độ
Thế nên, đường thốt nốt đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Ấn Độ suốt nhiều thế kỷ. Các cụ bà nước này nổi tiếng với món cơm thốt nốt với hạt và nho khô nấu từ từ trên bếp củi cho đến khi cả gian bếp tràn ngập mùi thơm khó cưỡng.
Bánh chapatis nóng hổi trộn với đường thốt nốt nóng chảy được coi là món ăn ngon trên khắp vùng nông thôn Ấn Độ. Các đầu bếp hiện đại kết hợp nó trong bánh pudding, bánh kếp, nước chấm, bánh ngọt và bánh mì.
Vivek Rana, bếp trưởng tại khách sạn Claridges ở New Delhi, cho biết nhà bếp của ông sử dụng nhiều đường thốt nốt hơn đường tinh luyện không chỉ để tăng hương vị của các món ăn, đặc biệt là món tráng miệng, mà còn giúp món ăn dễ tiêu hóa hơn.
Đường thốt nốt giúp món ăn tiêu hóa tốt hơn
Đường thốt nốt giúp món ăn tiêu hóa tốt hơn.
“Các món ăn từ đường thốt nốt như bánh gạo, bánh mì ngọt và bánh rán jalebis rất phổ biến với khách của chúng tôi. Ngay cả trong nhà bếp Thái, chúng tôi sử dụng đường thốt nốt cho các món salad như som tam (gỏi đu đủ xanh) và nước sốt”, ông Rana nói.
Đường thốt nốt cũng có thể được sử dụng tại nhà để điều trị các bệnh thông thường như ông Raghav mô tả.
Adil Parikh, giáo viên ở Mumbai, cho biết anh thích ngậm một khối đường thốt nốt vào miệng sau bữa tối “thay vì các món tráng miệng giàu calo”.
Nữ diễn viên Bollywood nổi tiếng Shilpa Shetty cũng là một người hâm mộ của loại đường này. “Đường thốt nốt, còn được gọi là gur trong tiếng Hindi, là một chất làm ngọt tự nhiên phổ biến được sử dụng thay thế cho đường”, cô viết trên trang Instagram với hơn 28 triệu người theo dõi của mình.
Cô ấy nói thêm, gur không có chất béo, vì vậy "bạn có thể dễ dàng thêm nó vào chế độ ăn uống của mình".
Nam diễn viên Ấn Độ Sonu Sood, người yêu thích đường thốt nốt, đã cho 17 triệu người theo dõi trên Instagram của mình tham quan một nhà máy sản xuất đường thốt nốt từ ngôi làng của anh ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ.
Mặc dù có nhiều đặc tính tốt nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo mọi người không nên ăn quá nhiều đường thốt nốt. Ông Raghav nói: “Chúng ta không nên tiêu thụ nhiều hơn 15-20g đường thốt nốt mỗi ngày. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường cần phải lưu ý hơn, vì đó là đường, ngay cả khi là loại tốt cho sức khỏe hơn”.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)