Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những ngành học “sống còn” đang mất dần sức hút – Kỳ I

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ 1: Hẩm hiu đầu vàoNhiều ngành khoa học được xác định là nền tảng của sự phát triển như: toán, vật lý, hóa, sinh, hay khoa học vật liệu, địa lý… đang chịu chung một thực tế không mấy sáng sủa.

“Khi tách bộ môn tin học ra thành khoa công nghệ thông tin, khoa toán chỉ còn lại bốn sinh viên học chuyên về toán” – PGS.TS Đặng Đức Trọng, trưởng khoa toán – tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ngậm ngùi nhớ lại.
Giờ thực hành của sinh viên năm 4 khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG
Không cần phải giải thích thêm về tầm quan trọng của toán học, ngành được mệnh danh là ngôn ngữ của vũ trụ vì khả năng ứng dụng quá lớn của nó trong nhiều khoa học. Thế nhưng ngành khoa học danh giá ấy thực tế đang ngày càng ít thu hút được sự quan tâm.
Đau cho toán
Tuyển sinh 2009 tiếp tục chứng kiến sự thờ ơ của thí sinh đối với ngành học này. Chỉ có chưa đến 650 thí sinh đăng ký dự thi vào ngành toán – tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) trong khi chỉ tiêu lên đến 300. Trong đó số thí sinh giỏi, đam mê toán học bao nhiêu chưa thể thống kê được. Nhưng so sánh với các năm trước đó sẽ thấy một thực trạng mức điểm tối thiểu để chọn lựa sinh viên đầu vào của ngành này cứ giảm dần.
Năm 2005, ngành toán – tin tuyển những thí sinh đạt từ 17,5 điểm trở lên. Ba năm liên tục tiếp theo, điểm chuẩn xuống ở mức 16 điểm. Và tuyển sinh 2009 điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này chỉ còn 15 điểm.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Theo thống kê tình hình tuyển sinh hệ chính quy từ năm 2005-2008, số thí sinh đăng ký vào ngành toán – cơ có xu hướng giảm mạnh. Nếu năm 2005 có 140 thí sinh đăng ký vào ngành này thì đến năm 2008, con số trên chỉ còn 68 thí sinh. Điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành liên quan đến toán của trường này dù có nhích lên chút ít trong tuyển sinh 2009 nhưng đã liên tục “rớt điểm” từ năm 2005-2008.
Điểm chuẩn ngành toán học của Trường ĐH Đà Lạt trong năm 2009 xuống đến mức thấp nhất cho phép. Và đó cũng là một trong những ngành phải thông báo xét tuyển NV2. Trong khi đó ngành toán ở hệ sư phạm điểm chuẩn cao hơn khá nhiều. Một trường khác có truyền thống đào tạo toán là Trường ĐH Khoa học Huế liên tục những năm gần đây điểm chuẩn chỉ loanh quanh ở mức 13-15 điểm.
Với ngành vật lý tình hình cũng chẳng khá hơn. Ngành vật lý được xem là ngành khoa học cơ bản bởi các định luật vật lý gần như chi phối tất cả các ngành khoa học tự nhiên khác. Điều này có nghĩa những ngành khoa học tự nhiên như sinh học, hóa học, địa lý học… chỉ nghiên cứu từng phần cụ thể của tự nhiên và đều phải tuân thủ các định luật vật lý. Mặc cho sự quan trọng ấy, điểm tuyển của ngành này ở các trường thường xuyên ở mức khá thấp.
Từ “sống mòn” đến… “chết” hẳn
Đặc biệt, một ngành ít được để ý hơn nữa là ngành khoa học vật liệu. Đây là ngành nghiên cứu tạo ra vô vàn ứng dụng trong đời sống. Thế nhưng có vẻ như ngày càng hiếm hoi sinh viên theo học mặc dù không có nhiều trường đào tạo. Điển hình như ngành học này ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) trong tuyển sinh 2009 chỉ có 204 thí sinh dự tuyển trong khi số chỉ tiêu lên đến 180 sinh viên. Và dù đã hạ xuống đến mức điểm thấp nhất là 13 điểm, trường cũng chỉ tuyển được khoảng 70 sinh viên và phải thông báo xét tuyển NV2 thêm 110 chỉ tiêu nữa.
Không phải các trường đào tạo khối ngành khoa học như toán, lý, hóa… không có sinh viên để tuyển vì bị cạnh tranh hay một lý do nào khác. Ngược lại, rất ngạc nhiên là số lượng trường ĐH đào tạo những ngành học này khá ít ỏi và chủ yếu là những trường có truyền thống lâu năm. Trong số những trường ĐH mới được mở gần đây, rất hiếm trường tham gia đào tạo những ngành học này.
Trường ĐHDL Hùng Vương là một trong số hiếm hoi đó. Ngay từ thời gian đầu thành lập vào năm 1995, những người sáng lập trường đã đưa ngành toán vào tuyển sinh. Thế nhưng sự thật phũ phàng là chỉ tuyển được bảy sinh viên theo học. Không trụ được, trường đành phải ngưng tuyển ngành này.
Đến năm 2001, một số người tâm huyết quyết tâm mở lại ngành. Tuyển sinh 2002, năm đầu tiên áp dụng ba chung nhưng chưa có điểm sàn, trường này định điểm chuẩn thấp nhất cho ngành toán xuống ở mức 10 điểm. Nên nhớ rằng khi đó điểm ưu tiên tối đa dành cho thí sinh lên đến 5 điểm. Nhưng rồi cũng chỉ lay lắt được vài năm. Đến năm 2004 một lần nữa trường chính thức “khai tử” ngành toán.
Nhiều người cho rằng điểm thi đầu vào không phải là tất cả đối với đào tạo ĐH. Thế nhưng thực tế đầu vào quá thấp đang tiếp tục đẩy các ngành học này vào thế khó. PGS.TS Đặng Đức Trọng trăn trở: “Điểm thi đầu vào hằng năm của sinh viên ngành toán – tin học chỉ ở khoảng 16. Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp, bởi toán – tin học đòi hỏi phải có một sự ham thích và khả năng về trí tuệ nhất định. Hậu quả lâu dài của nó ảnh hưởng đến trình độ trí tuệ VN còn chưa lường hết được”.
PGS Trọng cho rằng với điểm chuẩn thấp, có không ít thí sinh vì không biết thi vào ngành nào, trường nào nên quyết định chọn toán để thi vào. Điều này rất nguy hiểm vì những sinh viên này luôn cảm giác mình như người lạc đường. Họ trầy trật thi đi thi lại rồi cũng dẫn đến bỏ học hoặc chuyển sang làm những công việc khác không liên quan.
Trong khi đó, thống kê quá trình đào tạo sinh viên ngành toán, thạc sĩ Nguyễn Mai Bình, trưởng phòng đào tạo Trường ĐHDL Hùng Vương, nhớ lại trong ba, bốn khóa chỉ có đúng một sinh viên tốt nghiệp loại khá. Tất cả còn lại chỉ đạt trung bình hoặc trung bình khá dù trường đã dồn hết sức, phân công giảng viên kèm cặp những sinh viên ngành này.
HÙNG THUẬT (TTO)
(còn tiếp)
Điểm chuẩn thấp dần
Trong hai năm 2007, 2008 điểm chuẩn ngành vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) luôn ở trong nhóm thấp nhất với 15 điểm. Sang năm 2009 mức điểm này xuống còn 14,5 điểm. Một số trường khác có đào tạo ngành này như Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Đà Lạt… đều định điểm chuẩn ở nhóm thấp nhất để tuyển sinh.
 

Bình luận (0)