Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài thi khoa học xã hội: Bám sát đề minh họa lần 2

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều giáo viên, bài thi khoa học xã hội bám sát với đề minh họa từ cấu trúc đề thi đến barem điểm. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo trước tiên mục tiêu xét tốt nghiệp. Với mục tiêu xét ĐH, mức độ đề dù mang tính phân hóa nhưng vẫn khó cho các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu.


Thí sinh thoải mái sau khi hoàn thành bài thi KHXH

Ở môn địa lý, thầy Nguyễn Chí Tuấn (giáo viên địa lý, Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, Q.7) đánh giá, nhìn chung đề bám sát câu trúc đề minh họa của Bộ, các barem điểm cũng tương đương. Phần Atllat 14 câu, bảng số liệu 4 câu. Học sinh dễ dàng, thuận lợi trong việc làm bài. Độ khó trong các mã đề cũng tương đương nhau, các dạng câu hỏi quen thuộc, thậm chí có những dạn câu hỏi trong đề thi đã từng xuất hiện trong đề thi các năm trước. Học sinh chỉ cần ôn tập nhiều là đạt được điểm cao.

Tuy vậy, tính phân hóa của đề tập trung trong phần địa lý tự nhiên và dân cư, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều, tập trung phân tích kỹ. “Năm nay, phổ điểm sẽ cao hơn mọi năm, học sinh dễ dàng đạt điểm 7 chỉ cần ôn bám sát với đề minh họa, nhưng từ 9 trở lên thì khó. Đề vẫn sẽ có điểm 10 nhưng phải là học sinh thật sự giỏi”. Với mức độ kiến thức trong đề, thầy Tuấn cho rằng, đề đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, còn việc xét ĐH thì đề cần phải nâng độ khó. “Phổ điểm năm nay sẽ cơ bản đạt đến 7, so với mọi năm dự đoán sẽ là phổ điểm cao nhất. Như vậy, việc xét ĐH sẽ hơi khó cho các trường, nhất là các trường top đầu. Điểm chuẩn vì thế cũng dự đoán sẽ cao hơn từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái”.

Ở môn GDCD, thầy Phạm Thanh Tuấn (giáo viên GDCD, Trường THCS- THPT Diên Hồng) nhận định, đề thi GDCD năm nay khá dễ, chủ yếu là các kiến thức nằm trong SGK lớp 12 là chính. Như vậy, trong quá trình học, ôn, thí sinh chỉ cần bám sát SGK là có thể làm tốt các nội dung kiến thức trong đề. “Đề cũng có một câu rơi vào nội dung trong chương trình GDCD lớp 11 phần kinh tế nhưng kiến thức tương đối dễ, thí sinh dễ dàng ghi điểm phần này”.

Phần câu hỏi tình huống, thầy Tuấn cho hay, đề có khoảng 9 câu. Học sinh có thể phân tích để chọn đáp án. Đây cũng là phần kiến thức phân hóa học sinh, đòi hỏi thí sinh phải biết phân tích sâu, nhận thức. Đặc biệt, việc đề thi đề cập đến kiến thức về dịch Covid-19 cũng khá sát với thực tế và gần giống với đề minh họa. “Học sinh chỉ cần nắm tốt kiến thức, có góc nhìn thực tế, kiến thức cơ bản về thực tế xung quanh là có thể đạt được 8, 9 điểm trong đề thi GDCD. Vì thế, phổ điểm môn GDCD năm nay dự đoán cũng sẽ tương đối cao, rơi ở mức 7, 8 điểm, điểm giỏi cũng sẽ rất nhiều”, thầy Tuấn cho biết.

Ở môn Lịch sử, thầy Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) cho hay, kiến thức đề cập trong đề nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, kiến thức lớp 11 có 1 câu mang tính phân hóa. Cấu trúc đề bám sát với đề minh họa lần 2 của Bộ GD-ĐT. “Lịch sử Việt Nam chiếm 30 câu hỏi, lịch sử thế giới có 10 câu hỏi. Mức độ kiến thức trong đề vừa sức với học sinh, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)