Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xây trường học để… nhốt trâu bò

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi tại nhiều vùng trong tỉnh, các em học sinh phải học trong những lớp học che chắn tạm bợ, thiếu thốn trường lớp, thì tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhiều phòng học xây xong bỏ không. Người dân tiếc của nên tận dụng để… nhốt trâu bò. Nghịch lý là trong khi đó, nhiều hộ dân ở đây phải gởi con cho các cơ sở giữ trẻ tư nhân hoặc mang con đến tận thành phố Tam Kỳ để học mẫu giáo!
Ngôi trường mẫu giáo ở thôn Phú Thạnh được xây dựng từ năm 2004 nhằm phục vụ cho khu tái định cư nằm ngay trong thôn thuộc nguồn vốn định canh định cư. Thế nhưng, từ lúc xây xong đến nay, trường vẫn chưa tổ chức một khóa học nào cho các em. Người dân trong thôn có con em đến tuổi ra lớp phải cho con đi xa đến vài cây số mới có chỗ học. Điều đáng nói là dù chưa từng được sử dụng nhưng cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp trầm trọng. Với lý do ít học sinh, không thể tổ chức dạy học, những ngôi trường mẫu giáo thôn này đã phải tự giải thể.
Tuy nhiên, theo nhận định của đa số người dân, tình trạng lãng phí nghiêm trọng này có nguyên nhân là từ sự tắc trách của chính quyền địa phương.
Năm 2000, xã Tam Phú (cũ) được chọn triển khai một dự án giáo dục cộng đồng. Là vốn dự án nên địa phương đã tranh thủ lập dự toán thiết kế xây dựng cho mỗi thôn một trường mẫu giáo, thậm chí có thôn chỉ mấy chục hộ dân cũng được bố trí đến 2 trường. 9 trong số 12 trường mẫu giáo thôn nằm trong dự án này nay thuộc địa bàn xã Tam Phú.
Thời điểm đó, mỗi ngôi trường được xây dựng với kinh phí 47 triệu đồng (một số tiền không nhỏ tại thời giá lúc bấy giờ). Và rồi những ngôi trường này nhanh chóng bị lãng quên ngay sau đó. Xót của và cũng để “đỡ phí”, nhiều ngôi trường đã được người dân tận dụng để chất… rơm rạ, hoặc nhốt trâu bò vào mùa mưa. 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Tam Phú, cho biết: “Thời điểm xây dựng các ngôi trường này là vào năm 2000, khi đó thì chưa chia tách xã, điều kiện đi lại còn khó khăn, hơn nữa lúc đó số lượng học sinh đảm bảo một trường có hơn 10 cháu. Nhưng đến lúc này, do không đủ số lượng học sinh nên các trường này cũng không thể tổ chức học được”. 
Giải thích của đại diện chính quyền địa phương xem ra khó thuyết phục, bởi bất kỳ một dự án nào khi lập dự toán thiết kế đều phải khảo sát kỹ lưỡng, đặc biệt là việc xây dựng trường học, bởi không chỉ có xã Tam Phú mà Quảng Nam vẫn còn hàng trăm xã nghèo, khó khăn đang thiếu trường lớp học hiện vẫn chưa có điều kiện đầu tư.
Điều đáng nói là trong khi những ngôi trường này vẫn đang bỏ hoang, thì một ngôi trường mới, theo giải thích của đại diện xã là… đạt chuẩn, đang được xây dựng và cũng sắp hoàn thành, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm học mới 2009-2010. Ngoài “ngôi trường chuẩn” sắp hoàn thành này, xã cũng chuẩn bị nâng cấp thêm một trường cụm khác tại thôn Phú Đông. Sự tắc trách trong khâu khảo sát trước đây đã gây lãng phí 12 ngôi trường mẫu giáo, làm mất lòng tin của dân. Có lẽ vì vậy mà với 2 ngôi trường cụm được xây dựng hoành tráng hiện nay người dân cũng không dám chắc có lặp lại tình trạng lãng phí như trước? Đó là chưa kể sự bất tiện của người dân trong việc đưa đón con em họ. 
Được biết, xã Tam Phú hiện vẫn còn gần 13% hộ nghèo và hàng chục hộ dân hiện vẫn còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ 
CÔNG BÍNH-THỦY TIÊN (SGGP) 

Bình luận (0)