Ngày càng có nhiều đầu sách của tác giả người Pháp hoặc dịch từ tư liệu Pháp ngữ về lịch sử – văn hóa Việt Nam thời thuộc địa. Mỗi tác phẩm như một mảnh ghép lấp đầy khoảng trống thông tin, tư liệu, những góc nhìn về giai đoạn này.
Khắc hoạ bức tranh lịch sử Nam kỳ
Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) vừa cho ra mắt cuốn Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ của Nguyễn Quang Diệu, bổ sung vào dòng sách viết về Nam Kỳ xưa một tác phẩm có tính khái quát, đầy đặn với văn phong mềm mại, dễ đọc dành cho độc giả đại chúng.
Mở góc nhìn đa chiều
Nguồn sách được chuyển ngữ từ tư liệu Pháp ngữ được các đơn vị làm sách, xuất bản quan tâm đầu tư, giới thiệu đến bạn đọc ngày càng nhiều. Mới đây nhất, Nhã Nam in cuốn Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng (tựa tiếng Pháp: L’homme du jour. Le De Tham, tác giả E. Maliverney – chủ bút báo L’Avenir du Tonkin). Cuốn sách tập hợp các bức điện báo cũng như các bài viết về chiến dịch hành quân chống Đề Thám của Pháp (giai đoạn từ tháng 1 – 3/1909).
Bức chân dung của “hùm thiêng” Yên Thế cùng đội quân của ông trong cuộc kháng Pháp đã được làm rõ hơn nhờ những ghi chép của các phóng viên người Pháp – những người trực tiếp có mặt ở chiến trường Yên Thế lúc bấy giờ. Đông A Books giới thiệu tác phẩm Hành trình thám hiểm Đông Dương (Francis Garnier) với những ghi chép về đoàn thám hiểm sông Mê Kông giai đoạn 1866-1868 nhằm khai mở tuyến đường thương mại giữa Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa. Một trong những tựa sách được nhiều bạn đọc chờ mong thời điểm này là cuốn Những chuyến du hành qua xứ thượng ở Đông Dương (Alexandre Yersin, Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành)…
Một số ấn bản góp phần tái hiện lịch sử – văn hóa Việt Nam thời thuộc địa
Có thể nói, sách của các tác giả người Pháp hay được dịch từ nguồn tư liệu Pháp ngữ về Việt Nam thời thuộc địa đều góp phần mở ra những góc nhìn đa chiều, cung cấp cho bạn đọc thông tin trên nhiều phương diện: chính trị – kinh tế, lịch sử – văn hóa, sinh hoạt – đời sống… của người Việt lúc bấy giờ. Trên hành trình khai hóa thuộc địa, người Pháp đã luôn ghi chép, chụp ảnh, nhưng các bài viết thời điểm ấy hầu hết được in trên báo Pháp. “Kho tàng” tư liệu Pháp ngữ về “xứ An Nam” được mở ra đã góp phần tái dựng lịch sử – văn hóa của những vùng đất trải dài từ Bắc vào Nam, từ “Mekong Delta” đến cao nguyên.
Tuy nhiên, ở góc độ công chúng tiếp nhận, nhiều ý kiến cho rằng người đọc vẫn cần có góc nhìn công tâm, khách quan. Một nhà nghiên cứu trẻ bày tỏ, khi nghiên cứu sách của các tác giả người Pháp thời thuộc địa, anh nhận thấy sự phân biệt chủng tộc rất rõ của thực dân đối với người dân xứ thuộc địa. Điều này có thể được nhìn thấy qua nhiều cuốn sách của người Pháp viết về xứ thuộc địa và bảo hộ lúc bấy giờ. Vì vậy, trong nỗ lực chuyển ngữ và giới thiệu với bạn đọc những tác phẩm tư liệu quý, rất cần các đơn vị làm sách/xuất bản tổ chức những cuộc tọa đàm, trò chuyện nhằm góp phần giải mã, làm rõ hơn những giá trị cần tiếp nhận cho công chúng.
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)