Những gợn sóng không – thời gian mãnh liệt từ vụ va chạm giữa một sao neutron và một vật thể bí ẩn đã khiến các nhà khoa học bối rối.
Đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO) đặt tại Mỹ đã bắt được một dạng tín hiệu chưa từng thấy, tiết lộ về một vật thể "lửng lơ" giữa hai dạng "quái vật" không gian.
Theo Live Science, đó là một vật thể mang năng lượng mạnh mẽ, chỉ có thể được giải thích là sao neutron hoặc lỗ đen khối lượng sao.
Sao neutron và vật thể bí ẩn tỏa ra sóng hấp dẫn chấn động không – thời gian trong vũ điệu hợp nhất
– Sao neutron là thây ma của những ngôi sao khổng lồ đã chết, co cụm lại thành vật thể nhỏ gọn nhưng mang từ trường khủng khiếp.
– Lỗ đen khối lượng sao là những lỗ đen cỡ nhỏ nhưng vẫn nặng hơn nhiều so với sao neutron, có thể là xác chết của những ngôi sao siêu khổng lồ, nhưng cũng có thể là sao neutron đã "chết" lần nữa.
Với vật thể này, các phép đo đã hoàn toàn gây bối rối: Nó lớn hơn các ngôi sao neutron lớn nhất từng được biết đến, nhưng lại nhỏ hơn các lỗ đen nhỏ nhất.
Cụ thể, đó là một thứ gì đó nặng hơn Mặt trời từ 2,5 đến 4,5 lần, tức vượt giới hạn khối lượng sao neutron là không quá 2,5 lần Mặt trời.
Tuy vậy, giới hạn khối lượng tối thiểu của một lỗ đen phải là gấp 5 lần Mặt trời.
Từ lâu, một số nhà khoa học nghi ngờ rằng phải có gì đó tồn tại trong khoảng cách khối lượng giữa 2 vật thể này.
Theo nhà vật lý thiên văn Michael Zevin từ Cung thiên văn Adler (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu đa quốc gia, vật thể bí ẩn này có thể chính là câu trả lời.
Các tác giả cho rằng nó là bằng chứng cho một giai đoạn tiến hóa sao phức tạp hơn chúng ta từng nghĩ, khi một sao neutron nặng chết lần nữa và sụp đổ thành lỗ đen.
Các tín hiệu về vật thể bí ẩn được phát hiện nhờ việc nó va chạm với một sao neutron ở cách chúng ta 650 triệu năm ánh sáng.
Cặp đôi này "nhảy múa" xung quanh nhau, bắt đầu hợp nhất từ 650 triệu năm trước. Vì vậy, sau một quãng thời gian tương đương, sóng hấp dẫn chấn động không – thời gian của vụ sáp nhập đã chạm đến đài thiên văn của người Trái đất.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)