Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô giáo mầm non nhận lương bằng lúa, lạc

Tạp Chí Giáo Dục

Trường mầm non ấy có nhiều chuyện lạ, có đồ chơi mới để cho mạng nhện bám đầy, giờ ra chơi cô giáo phải cầm roi đứng hai hàng ở ngoài sân. Có những lúc dân trả công cho cô giáo bằng lúa, lạc và chó con!

Các em học sinh bên bức tường sắp đổ

Khi cô giáo cầm roi đứng thành hàng…

Cuối hè nóng như lò nung, bước vào lớp học của trường mầm non cụm Bắc Sơn, xã Long Thành (Yên Thành, Nghệ An) vẫn thấy nắng chiếu lên đầu mình.
Tôi ngửa cổ nhìn lên mái nhà thấy trống huơ trống hoác, lộ cả một khoảng trời xanh lóa nắng. Mạng nhện chăng đầy những viên ngói vỡ. Rui mè bị mối mọt ăn rỗng ruột. Mái nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Nếu không có kỳ nghỉ hè ngắn ngủi các em học sinh mầm non vẫn học ở trong nhà này. Những vật dụng tối thiểu nhất của trường mầm non ở đây đều thiếu. Đồ chơi, tranh vẽ, bếp ăn, nhà vệ sinh, tất cả trở nên xa lạ và xa xỉ ở trong ngôi nhà đổ nát.
Tôi thấy một chiếc xích đu còn mới  nhưng mạng nhện chăng, bụi bặm bám đầy. Vì sao các cháu không chơi chiếc xích đu ? Cô giáo Nguyễn Thị Lành cười buồn: “Chiếc xích đu này do UBND tỉnh Nghệ An tặng  nhưng cô không dám cho các cháu chơi vì sợ các cháu tranh nhau dễ xảy ra tai nạn”.
Cạnh chiếc xích đu, bức tường xiêu vẹo lở loét vôi vữa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Cô giáo dạy học lúc nào cũng trong tâm trạng lo ngay ngáy mái nhà sập, tường đổ, nên muốn đưa  các cháu ra sân chơi. Nhưng một khi ra sân chơi lại đối diện với nỗi lo khác.
Sân chơi rộng, trên đó chơ vơ  chiếc cầu trượt thô kệch, xám đen vô cảm. Màu xám đen ấy, trong mắt các nhà tâm lí sư phạm mầm non, có vẻ thù địch với trí tưởng tượng trẻ thơ.  Ngay cả chiếc cầu trượt ấy các cháu cũng ít khi được chơi vì một lý do quen thuộc ở đây, sợ tranh nhau bị tai nạn.
Khi các cháu  ra sân chơi, mỗi cô giáo cầm một  cái roi đứng dàn hàng ngang ngoài sân. Cô giáo Nguyễn Cẩm Tú giải thích cho tôi hành động có vẻ bạo lực này: “Vì sân chơi không có rào chắn, nên các cô phải cầm roi đứng canh, đề phòng các cháu rơi xuống ao xuống mương ngay cạnh sân chơi”.
Chiều hôm ấy, các cháu mầm non cứ lúc trong nhà, lúc lại ra sân chơi, gương mặt ngây thơ dường như đã hằn lên những nỗi lo mà ở tuổi thơ  không đáng có. Ở trong thì sợ nhà sập, ra ngoài thì trời nắng, lại có thể rơi xuống ao, mương.
Mỗi lần đến lớp, cô giáo cứ phải “trông trời, trông đất, trông mây” như nông dân vào vụ cấy. Nhiều hôm mưa, cô trò phải nép vào góc lớp, nước mưa tuôn xối xả, ngập cả nền nhà. Các cháu nhỏ nước mắt lẫn nước mưa…
Chiếc xích đu mới tinh vẫn chỉ nằm đấy, trước bao ánh mắt thèm muốn của các cháu
Lương cô giáo trả bằng lúa, lạc và chó con
Long Thành đang vào vụ thu hoạch lúa, đấy cũng là lúc các cô giáo bắt đầu một hành lộ nan mà họ không hề muốn: Đến nhà các phụ huynh thu tiền học. Một tháng các cháu đi học trường mầm non cụm Bắc Sơn xã Long Thành này phải nộp 54 nghìn đồng. Nhưng với số tiền này, đa số các bậc phụ huynh đều phải khất nợ. Khất đến khi bán lợn, bán bò, đến vụ thu hoạch lúa.
Dân ở cụm Bắc Sơn thuộc diện nghèo nhất xã Long Thành, xã Long Thành lại thuộc diện nghèo nhất huyện Yên Thành. Nghèo lại đông con. Có nhà ba, bốn đứa đi học mầm non, nên 54 nghìn đồng đóng học  mỗi tháng cũng là thách thức. Người nghèo không đủ tiền cho con học bán trú nên buổi trưa các cháu phải về nhà ăn cơm, chiều lại đến lớp.
Cô Tú nói với cô Lành: “Em đi từ sáng mà mới  thu được tiền có vài ba nhà. Nhiều phụ huynh vẫn khất: Tui chưa có tiền mô, cho tui nợ. Họ nói rứa mình biết làm sao. Quả thật họ không có tiền”.
Có nhiều nhà đề nghị: “Thôi thì nhà tui chưa có tiền, nhưng tui xin được trả lúa thay tiền được không. Đằng nào cô giáo cũng phải mua lúa về ăn mà”. Các cô giáo đành đồng ý. Cho nên, cô giáo đi thu tiền học vẫn thường mang theo bao tải để đựng thóc.
Cô giáo Nguyễn Thị Vinh, hiệu trưởng trường mầm non Long Thành, tâm sự: “ Chuyện trả tiền học bằng thóc lúa ngô là có thật. Giờ đây việc trả lương cho giáo viên hạ cấp dần từ lúa sang màu để các cô giáo làm thức ăn”.
Có một chuyện ở Bắc Sơn ai cũng biết. Ấy là chuyện một cô giáo đến nhà một phụ huynh rất nghèo để thu tiền học. Phụ huynh này nói như sắp khóc: “Cô giáo ơi, nhà tui không còn  đồng nào cả. Thôi thì có ổ chó con đây, cô giáo bắt vài con về nuôi coi như trả công cho cô nhé”.
Cô giáo biết nếu mình từ chối chắc người đàn ông kia sẽ khóc mất, nên vui vẻ bắt ổ chó con về.
Chuyện có thật, và cô giáo đang kể câu chuyện đó với tôi, coi đó là kỷ niệm khó phai, buồn đắng trong cuộc đời của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Lành nói: “Chúng tôi không hề muốn đến nhà dân thu tiền học. Chúng tôi chỉ muốn đi dạy, đến tháng được nhận lương. Nhưng nếu không đi như thế thì không biết lấy gì mà sống”.
Lương bình quân của mỗi cô giáo ở trường mầm non cụm Bắc Sơn chỉ 650 nghìn đồng/tháng. Từng ấy lương trong thời buổi vật giá leo thang này, xem ra sống còn chật vật hơn cả nông dân. Chưa kể số tiền dân còn khất nợ.
Các cô giáo cũng không thể đi bắt nợ. Thậm chí, đi thu nợ với gương mặt lạnh lùng vô cảm. Các cô không thể! Nhiều cô khi đến nhà phụ huynh, nhìn thấy gia cảnh, cả cô và phụ huynh ôm lấy nhau và khóc.
Qua điện thoại, cô giáo Nguyễn Thị Vinh, Hiệu trưởng trường mầm non Long Thành thông tin: Cô trò mầm non cụm Bắc Sơn sắp được chuyển sang trường mới khang trang. UBND xã Long Thành đã quan tâm đầu tư xây dựng trường mới. UBND xã cũng hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho các cô giáo. Năm nay, lương các cô sẽ được tăng lên mức một triệu đồng.
Phùng Nguyên (TPO)

Bình luận (0)