Trong năm mới, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai đề án thu hút, giữ chân các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành; nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển; mở một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước như: Công nghệ bán dẫn – thiết kế vi mạch, công nghệ năng lượng mới, các mô hình tăng trưởng xanh…
PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại một sự kiện của ĐH này
Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về những dấu ấn nổi bật của ĐH này trong năm qua cũng như định hướng phát triển trong năm tới.
ĐH Quốc gia TP.HCM nằm trong 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới
+ Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại một năm qua, theo ông những thành tựu nổi bật nào mà ĐH Quốc gia TP.HCM đã đạt được cũng như vấn đề gì còn tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới?
PGS.TS Vũ Hải Quân: Năm 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện đổi mới quản trị ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và hỗ trợ địa phương; giữ vững vị thế trên bản đồ học thuật khu vực và thế giới.
Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục thuộc top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới (QS World); là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus (với 2.494 bài báo), dẫn đầu về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (với 125 chương trình) và về số lượng giáo sư, phó giáo sư. Nhiều giảng viên, sinh viên đã đoạt các giải thưởng danh giá trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
ĐH Quốc gia TP.HCM trong năm 2023 cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án “Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Việc thực hiện đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ; trong đó yêu cầu phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã cập nhật và ban hành “Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, xác định tầm nhìn trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Chiến lược cũng xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; mở rộng đào tạo, nghiên cứu liên ngành; phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn lực tài chính bền vững.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu đô thị ĐH xanh, thân thiện và hiện đại; là hạt nhân đổi mới sáng tạo, kết nối vùng Đông Nam bộ. Năm qua, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã mở rộng thử nghiệm chuyển đổi số trong công tác quản trị và điều hành đến một số đơn vị thành viên thông qua hệ thống phần mềm IOC; cập nhật và chuẩn hóa hệ thống LMS tại các cơ sở đào tạo…
Còn rất nhiều kết quả quan trọng khác mà tôi chưa thể kể ra hết ở đây. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn kéo dài. Cụ thể như công tác kiện toàn nhân sự ban giám đốc, chuyển đổi số, đền bù giải phóng mặt bằng, giải ngân… chưa đạt tiến độ như kỳ vọng vì những lý do chủ quan và khách quan.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển
+ Xin ông cho biết vì sao năm 2024 được xác định là năm bản lề đặc biệt quan trọng, quyết định thành công các mục tiêu của ĐH Quốc gia TP.HCM?
Trong năm mới, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục hành trình đổi mới quản trị ĐH theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu quả và trách nhiệm giải trình; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, khu vực và thế giới…
Đáng nói, năm 2024 được xác định là năm bản lề đặc biệt quan trọng, quyết định thành công các mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025; đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện “Chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM trong giai đoạn mới 2021-2030, tầm nhìn 2045”. Trên cơ sở đó, ĐH Quốc gia TP.HCM xác định một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về quản trị, triển khai đề án “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM”; thí điểm đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, viên chức và người lao động dựa trên kết quả đầu ra; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khởi công mới các công trình học tập, thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị. Nghiên cứu đầu tư xây dựng mở rộng ký túc xá và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Về tài chính, hoàn thiện đề án gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư vào khu đô thị và phối hợp hoạt động xúc tiến đầu tư; thành lập doanh nghiệp trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Hoàn thiện quy chế tài chính, tài sản công; phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. |
Về đào tạo, mở một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước như: Công nghệ bán dẫn – thiết kế vi mạch, công nghệ năng lượng mới, các mô hình tăng trưởng xanh. Đồng thời, tăng số lượng học viên sau ĐH và số lượng công bố quốc tế của học viên này. Tiếp tục đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, triển khai đồng bộ hệ thống LMS, hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs, triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh THPT có tài năng vượt trội.
Về khoa học công nghệ, chủ động đặt hàng một số đề tài, dự án nghiên cứu theo hướng liên ngành, phù hợp với chiến lược phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM. Tiếp tục tăng số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus. Triển khai hiệu quả các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước (nhất là chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030), cấp địa phương (nhất là với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ). Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo và ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu – đào tạo theo hướng liên ngành.
Về hợp tác và hội nhập, phát triển thêm một chương trình hợp tác đào tạo với một ĐH tốp đầu thế giới về các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn – thiết kế vi mạch…); phát triển thêm một dự án quốc tế với đối tác Hoa Kỳ về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ưu tiên. Nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động hợp tác với địa phương, doanh nghiệp. Xác định một mạng lưới giáo dục quốc tế mới phù hợp với chiến lược phát triển…
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Ngân (thực hiện)
Bình luận (0)