Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vẫn là câu chuyện tiền cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

• Dự toán của Bộ Tài chính chi cho ngân sách giáo dục – đào tạo – dạy nghề Việt Nam năm 2009 là khoảng gần 100 ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2001 ngân sách giáo dục chỉ có 15.609 tỉ đồng.
• Tổng số sinh viên – học sinh từ năm 2001 đến 2009, về cơ bản không tăng (giảm học sinh phổ thông, tăng số sinh viên và nghề nghiệp, cộng chung tổng số lại không tăng).
• Học phí lại vẫn mỗi năm mỗi tăng.
Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục? Và từ những con số chính thức trên do các cơ quan chức năng công bố, nghĩ gì về cách quản lý và sử dụng tiền trong giáo dục?
Năm học mới 2009-2010 đã đến, cái điệp khúc tiền trường một lần nữa vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lại một lớp trẻ nghèo đứng ngoài cửa lớp! Những dòng tiền khổng lồ được công bố dành cho giáo dục chỉ là ảo, hay sự yếu kém trong quản lý đã khiến dòng tiền ấy rơi vào cảnh “gió vào nhà trống”!?
Không thể là số ảo!
Các em học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11, TP.HCM tại lễ Khai giảng năm học – Ảnh: Minh Đức
Ấn phẩm Ngân sách Việt Nam năm 2008 do Bộ Tài chính chính thức công bố vào tháng 2-2009. Ấn phẩm này “công khai dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước, ngân sách các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và phê chuẩn”.
Ở phần thứ hai của ấn phẩm với nội dung: “Kế hoạch kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009”, chúng tôi đã ghi nhận dự chi cho giáo dục năm 2009 như sau: “Dự toán chi sự nghiệp lĩnh vực giáo dục – đào tạo – dạy nghề là 67.330 tỉ đồng, tăng 10,1% so với dự toán 2008. Cùng với chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, chi đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ và chi điều chỉnh tiền lương, đảm bảo tổng chi giáo dục – đào tạo – dạy nghề đạt mức 20% tổng chi ngân sách Nhà nước”.
Cũng trong phần này của ấn phẩm, Bộ Tài chính cũng đã công bố dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2009 là 491.300 tỉ đồng. Vậy, 20% của 491.300 tỉ đồng, tức là gần 100.000 tỉ đồng ngân sách sẽ được sử dụng cho giáo dục năm 2009.
Như vậy, Chính phủ đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo, cụ thể qua việc chi ngân sách cho giáo dục đào tạo tăng đáng kể qua từng năm. Trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi ghi nhận: Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đào tạo năm 2001 là 15.609 tỉ đồng, năm 2005 đã là 41.630 tỉ đồng, năm 2007 là 66.770 tỉ đồng và theo dự toán của Bộ Tài chính chi cho giáo dục – đào tạo năm 2009 là khoảng 100.000 tỉ đồng.
Song, rõ ràng tiền chi cho giáo dục không dừng lại ở ngân sách Nhà nước, mà chúng ta phải tiếp tục cộng thêm vào các khoản vay vốn nước ngoài, viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho giáo dục. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư về tổng vốn ODA từ 1993 đến 2008 thì y tế, giáo dục – đào tạo, môi trường, khoa học – kỹ thuật là những lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng ODA trong thời gian qua với các chương trình, dự án đã ký đạt tổng số vốn khoảng 4,3 tỉ USD. Và trong đó, riêng giáo dục chiếm khoảng 50% số vốn vay.
Chưa kể tiền đóng góp của nhân dân thông qua học phí, xây dựng cơ sở vật chất, quỹ trường, lớp… không phải là nhỏ. Báo cáo “Giáo dục Việt Nam – đầu tư và cơ cấu tài chính”, đưa ra con số 25% là tỷ lệ đóng góp của người dân trong tổng chi cho giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đã ước tính tỷ lệ đóng góp của dân còn cao hơn con số của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Tổng số học sinh – sinh viên lại không tăng thêm
Trong một thống kê trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2001 số học sinh phổ thông là 17.806.158 học sinh, đến năm 2007 còn 16.371.049 học sinh và năm 2008-2009 theo Tổng cục Thống kê, còn khoảng 15,3 triệu học sinh. Như vậy, sĩ số học sinh phổ thông đang có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, số sinh viên đại học, cao đẳng và nghề lại tăng. Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2000 Việt Nam có 899,5 ngàn sinh viên ĐH-CĐ, năm 2007 có 1,603 triệu sinh viên. Khối học sinh trung cấp nghề, năm 2000 có 255,4 ngàn học sinh và năm 2007 có 614,3 ngàn học sinh.
Nếu cộng chung số học sinh phổ thông, sinh viên ĐH-CĐ và nghề mà nền giáo dục Việt Nam phải dạy dỗ và đào tạo trong khoảng thời gian từ 2001-2009 gần như không tăng hoặc có tăng cũng không đáng kể.
Ai đang quản lý tiền?

Ngày 23-5-2009, tại Hội nghị thông báo về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thì: 74% ngân sách Nhà nước dành cho GD-ĐT do các tỉnh quản, 21% do các bộ, ngành khác quản, Bộ GD-ĐT chỉ quản 5%, và quy định về báo cáo và chế độ báo cáo sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ GD-ĐT lại không có.

Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cho rằng: “Ngành giáo dục không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước cho giáo dục, nhân dân không đánh giá được chất lượng giáo dục trong tương quan với chi của Nhà nước và người dân cho giáo dục”.
Bước vào năm học mới 2009-2010 này, các lời tự bạch trên của ngành GD-ĐT vẫn tiếp tục là “cái gai nhức nhối”, mà lối ra cụ thể vẫn chưa được Bộ chính thức công bố. Trong lúc Bộ GD-ĐT còn loay hoay với đề án “Đổi mới cơ chế tài chính”, thì tiền ngân sách nhà nước tiếp tục tăng rất mạnh; học phí và các khoản phí khác mà người dân phải đóng trong trường học năm 2009-2010 vẫn tăng chưa có điểm dừng.
Và, dĩ nhiên những khoản tiền đầu tư không nhỏ của Nhà nước và nhân dân cũng như của bạn bè quốc tế trong năm học 2009-2010 trên, được sử dụng như thế nào cho việc nâng chất lượng giáo dục – đào tạo, lại tiếp tục chưa có lời giải đáp chính xác. Ngoài những hứa hẹn chưa có cơ sở khoa học.
Cần một lời giải thích
Công trình nghiên cứu về giáo dục đại học Việt Nam do hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thuộc Đại học Harvard thực hiện với tựa đề: Giáo dục – Đại học – Cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó (VNN giới thiệu) đã chỉ rõ: “Việt Nam không có một trường đại học nào có chất lượng được công nhận. Các đại học Việt Nam phần lớn bị cô lập khỏi các dòng chảy kiến thức quốc tế.
Có thể lấy việc Intel tìm cách thuê tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở TP.HCM làm ví dụ minh họa. Khi công ty này thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn với 2.000 sinh viên CNTT Việt Nam, chỉ có 90 ứng cử viên, nghĩa là 5%, vượt qua cuộc kiểm tra, và trong nhóm này, chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà họ từng gặp ở những nước mà họ đầu tư”.
Giáo sư – Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã phải than: “Trên diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) họ có vẽ biểu đồ phát triển của Việt Nam năm 2008. Trong biểu đồ đó, chỗ “lõm” nhất là giáo dục đại học.
Không chỉ dừng lại ở những nội dung nổi cộm như tài chính, chất lượng; mà ngay cả trong cơ cấu của nền giáo dục cũng còn hàng loạt vấn đề chưa có câu trả lời thỏa đáng. Việc phân luồng, phân ban học sinh ở bậc trung học phổ thông, dù đã thí điểm đến lần thứ hai mà vẫn tiếp tục lúng túng từ chất lượng tới chương trình sách giáo khoa.
Tại Hội thảo đánh giá ba năm thực hiện chương trình Sách giáo khoa Trung học phổ thông tổ chức tại TP.HCM vừa qua, đại biểu giáo dục của 25 tỉnh Nam Trung bộ đều đã lên tiếng báo động về chất lượng chương trình sách giáo khoa này và dự báo chương trình phân ban sẽ “chết”.
Còn một bất hợp lý nữa, mà suốt bao nhiêu năm qua ngành GD-ĐT không chuyển biến nổi: số lượng học sinh học nghề luôn thấp hơn số sinh viên đại học. Một quy luật giáo dục trái ngược với thế giới. Ngay cả ở bậc đại học, lộ trình có được 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020 cũng sẽ là không tưởng trong bối cảnh trường lớp, giảng viên thiếu như hiện nay.
Quá nhiều câu hỏi về nền giáo dục, chưa có lời giải rõ ràng. Nhưng, tiền Nhà nước và nhân dân đổ vào cho giáo dục – đào tạo mỗi năm mỗi tăng đến chóng mặt!
Theo MAI LAN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)