Kiến trúc sư Dan Narita vừa làm việc tại London vừa đăng ký học khóa khoa học máy tính – Ảnh: The Guardian
|
Đại học cho mọi người là đại học trên mạng miễn phí đầu tiên trên thế giới vừa chính thức hoạt động vào tháng 9-2009. Sứ mệnh của trường là vì sự phát triển toàn cầu và dân chủ hóa bậc đại học.
Đây là một trường đại học “bốn không”: không giảng đường, không phòng học, hầu như không có nhân viên được trả lương và không học phí. Trường hiện có 178 sinh viên từ gần 50 quốc gia với hai chương trình là quản trị kinh doanh và khoa học máy tính. Mỗi chương trình cần bốn năm để hoàn thành.
Các khóa học hoàn toàn được dạy trên mạng và được thiết kế sao cho hàng trăm triệu người trên trái đất do cách trở về mặt địa lý, vì nghèo đói hay những hạn chế cá nhân… có thể tiếp cận được. “Có biết bao người xứng đáng được học mà không thể – Shai Reshef, doanh nhân người California, người sáng lập trường đại học cho mọi người, nói – Chúng tôi đang chỉ ra con đường mà rất nhiều người có thể học được rất hiệu quả mà không tốn tiền”.
Tham vọng của trường cùng với mục tiêu phi lợi nhuận đã khiến các tổ chức nhân đạo quốc tế để ý và hỗ trợ như Liên minh toàn cầu Vì công nghệ viễn thông – thông tin và phát triển của Liên Hiệp Quốc, các mạng lưới xã hội và khoảng 800 nhà giáo dục đồng ý tự nguyện tham gia giảng dạy.
Daniel Greenwood, giáo sư luật của Đại học luật Hofstra, New York, đã tình nguyện giảng dạy một ngày/tuần và tham gia ban cố vấn. Lý do tham gia, như ông giải thích, vì muốn giúp giáo dục ngày càng đến gần với nhiều người hơn. Ông thích ý tưởng mới và là ý tưởng có tiềm năng tạo ra những ảnh hưởng lớn sau này: “Bạn có thể tạo ra điều gì đó mở rộng, có thể phục vụ hàng triệu triệu người không có điều kiện học hành”.
Peter Scott, giám đốc Viện Truyền thông kiến thức của Đại học Mở (Anh), nhận định: “Ý tưởng này thật tuyệt vời và chúng ta sẽ còn thấy nhiều ý tưởng tốt đẹp hơn nữa như vậy trong tương lai”. Ông cho biết với rất nhiều tài liệu học tập chất lượng cao đang được đưa lên mạng, các mô hình trường đại học truyền thống sẽ không còn là trung tâm chất lượng như trước nữa.
Dan Narita, 30 tuổi, một trong những sinh viên đầu tiên của khóa khoa học máy tính, nói anh cảm thấy hấp dẫn với khóa học không chỉ vì nó giúp anh vừa làm kiến trúc sư ở London vừa tham gia học, mà còn vì sự mới mẻ của khóa học. “Tôi thích mô hình mang tính sáng tạo này” – anh nói.
Mỗi tuần, khoảng 20 sinh viên tham gia lớp học trên mạng, tương tự như diễn đàn thảo luận. Họ có tài liệu học của thầy cùng các tài liệu cần đọc và tham khảo. Họ cũng thấy bài tập, câu hỏi thảo luận. Mỗi học viên đều phải góp ý kiến vào các buổi thảo luận hằng tuần và nhận xét ít nhất bốn lần trong tuần về ý kiến của bạn học khác.
Nếu có câu hỏi mà trong lớp học chưa tìm được câu trả lời, học viên có thể tham gia mạng xã hội dành cho sinh viên trong trường và các tình nguyện viên giáo dục. Thậm chí họ có thể trao đổi trực tiếp với một giáo sư.
Các học giả thế giới đang nhìn nhận mô hình đại học có thể thay đổi hoàn toàn nhờ công nghệ mới.
HẠNH NGUYÊN/TTO
(Theo The Guardian, uopeople.org)
Bình luận (0)