Để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì giáo viên không nên chê bai hoặc làm các em sợ hãi. Ảnh: T.L |
Nhằm thực hiện đúng yêu cầu giảng dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng với định hướng cá thể hóa, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các phòng GD-ĐT quận, huyện về một số vấn đề. Cụ thể, tất cả đối tượng học sinh (đã biết, chưa biết) đều phải được rèn luyện theo chuẩn mực chung (phần hướng dẫn đọc, viết). Phương pháp giảng dạy nên linh hoạt, không tạo sự chủ quan, nhàm chán (cho HS đã biết) và sự vất vả (cho HS chưa biết). Chú trọng dạy kỹ thuật phát âm, kĩ thuật viết đúng, viết đẹp. Giai đoạn dạy âm, quan tâm rèn kỹ thuật viết các nét. Giai đoạn dạy vần cần hướng dẫn kỹ việc nối nét giữa âm và vần. Việc giao yêu cầu làm bài tập phải đảm bảo tính vừa sức với từng nhóm đối tượng học sinh (thực hiện theo tài liệu hướng dẫn dạy và học của chuẩn kiến thức và kỹ năng). Không được dùng từ chính tả như 1 phân môn tiếng Việt khi rèn kỹ năng nghe viết (âm, vần, từ, câu) và không rèn dưới hình thức một đoạn văn (từ tuần 24 trở về trước). Khuyến khích giáo viên rèn luyện kỹ năng nghe, viết âm, vần, từ trên bảng con. Đối với học sinh học 2 buổi/ ngày, không được giao bài viết về nhà và không cho viết quá 6 dòng đối với học sinh học 1 buổi/ngày. Đối với các em tiếp thu còn chậm, khi chấm bài, giáo viên không cho điểm số yếu, kém mà chỉ cần quan tâm uốn nắn, giúp học sinh biết tự sửa sai, giúp các em biết cách viết lại cho đúng, tiến tới viết đẹp. Tuyệt đốikhông được chê bai, nhận xét thiếu tính hướng dẫn. Giáo viên không được dùng thước kẻ gõ bàn, tạo sự chấn động và gây sợ hãi cho học sinh.
Về việc tổ chức kiểm tra định kì: Nội dung ra đề phải bao quát chương trình đã được học ở mỗi giai đoạn (GKI, HKI, GKII). Hình thức cấu tạo đề cần thực hiện theo quy định đã hướng dẫn (kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận). Phải bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu đã được quy định trong chương trình của mỗi môn học. Phần nào chuẩn kiến thức, kỹ năng không đặt ra, các trường không được đưa vào nội dung để kiểm tra. Số lượng câu hỏi trong đề phải phù hợp với thời gian kiểm tra. Sở khuyến khích các trường tự ra đề trên cơ sở đã được hướng dẫn kỹ thuật và rút kinh nghiệm trong các đợt kiểm tra trước. Việc tổ chức ôn tập, kiểm tra phải tiến hành bình thường, nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, đảm bảo đánh giá khách quan trình độ học sinh. Mục tiêu chủ yếu là phát hiện cho được những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng chưa đạt để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, do đó cần chú trọng việc ghi nhận những sai sót và nhận xét chi tiết trên bài kiểm tra của các em.
T.D
Bình luận (0)