Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cấp phép, lập đại học còn tùy tiện

Tạp Chí Giáo Dục

"Việc cấp phép cho những trường ĐH không đủ các điều kiện dạy và học thời gian qua, theo tôi, là khuyết điểm của Bộ GD-ĐT" (ông Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên – nhi đồng của Quốc hội).

Giảng đường 400 chỗ của Trường ĐH Phan Thiết -Ảnh do Bộ GD-ĐT cung cấp
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả kiểm tra ĐH Phan Thiết, nhiều ý kiến tiếp tục lên tiếng…
Sẽ giám sát việc cấp phép thành lập ĐH
Việc cấp phép cho những trường ĐH không có đủ các điều kiện dạy và học thời gian qua, theo tôi, là khuyết điểm của Bộ GD-ĐT. Đành rằng thành lập rồi các trường ĐH vẫn bị giám sát nhưng tôi cho rằng khâu thẩm định thời gian qua chưa kỹ, khuyết điểm chính nằm ở chỗ đó. Bộ GD-ĐT có hai “chìa khóa” là cấp phép và giao chỉ tiêu đào tạo.
Khâu cấp phép anh phải thẩm định, sau đó kiểm tra nếu đủ điều kiện ở mức nào thì giao chỉ tiêu đào tạo ở mức ấy. Cái này Bộ GD-ĐT nên làm nghiêm túc hơn, hiện còn tùy tiện. ĐH Phan Thiết có bấy nhiêu giáo viên, nhà cửa mà giao chỉ tiêu đào tạo mấy trăm người như thế có phải không? Không thể có kiểu cấp phép rồi bảo người ta đủ điều kiện dạy cho sinh viên năm thứ nhất. Vậy sang năm thì sao, cho họ nghỉ?
Ngay từ đầu yêu cầu các trường phải có đủ điều kiện như cơ sở vật chất, giáo viên là khó vì chưa có pháp nhân để chuẩn bị. Nên nếu cần, Bộ GD-ĐT có thể phân làm hai, ban đầu cứ cấp phép cho người ta huy động nguồn lực, sau đó đủ rồi thì thẩm định lại cho chính thức hoạt động. Quy trình thành lập từ các quy định của ta cũng chưa rõ ràng, cần phải sửa. Khi sửa rồi mà những người thực hiện vẫn làm không nghiêm thì phải xử lý.
Tôi không có thông tin và không khẳng định có chuyện mất 1-2 tỉ đồng thành lập được trường như một số báo nói, nhưng chuyện thẩm định không đúng thì đã rõ vì có nhiều trường không đủ điều kiện vẫn được thành lập và hoạt động.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên – nhi đồng đã đề nghị hai chuyên đề giám sát, một trong hai chuyên đề là giám sát việc thành lập các trường ĐH, các yếu tố đảm bảo chất lượng sau đó. Đối tượng giám sát không chỉ là các trường trong nước mà cả các trường có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, ngay cả Thủ tướng cũng phải rút kinh nghiệm vì quá tin vào thẩm định của bộ. Thủ tướng có bộ máy của mình, bây giờ ra nhiều trường không chuẩn, Thủ tướng cũng có trách nhiệm.
Ông ĐÀO TRỌNG THI
(chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên – nhi đồng của Quốc hội)
Khu đất (bên phải) dự định xây dựng đại học Phan Thiết hiện là bãi đất hoang, còn một số ngôi mộ chưa được giải tỏa – Ảnh: Đ.T.DUY
Tầm nhìn xa của bộ?
Cuối cùng, Bộ GD-ĐT cũng đã có kết luận về việc thanh tra đối với ĐH Phan Thiết. Qua việc làm này, quả có lắm điều để mọi người cùng suy ngẫm.
Thứ nhất, lẽ ra vấn đề thanh tra ĐH Phan Thiết phải do một cơ quan nào đó không phải Bộ GD-ĐT làm mới phải vì bộ là nơi quyết định cho thành lập trường, nhưng khi có vấn đề bất ổn và dư luận lên tiếng thì cũng chính bộ lại đi thanh tra chuyện của mình làm. Thử hỏi việc thanh tra như thế có khách quan được không. Hơn nữa, lẽ ra vấn đề quan trọng cần phải thanh tra nằm ở khâu thẩm định đề án xin thành lập trường – một vấn đề có nhiều “khuất tất” mà dư luận rất quan tâm – thì bộ không thanh tra, lại đi thanh tra kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Vì sao như vậy?
Thứ hai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng “trong điều kiện của VN không thể chờ chín muồi mới cho mở trường đào tạo” (Tuổi Trẻ ngày 22-10). Trước đó, ông phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng trước mắt ĐH Phan Thiết “chỉ cần 7, 8 giảng viên là đủ” (Tuổi Trẻ 21-10). Những điều này làm chúng ta không khỏi bàng hoàng, sửng sốt. Thử đặt vấn đề chẳng lẽ hiện việc thành lập ĐH Phan Thiết là vấn đề bức thiết đối với tỉnh Bình Thuận đến vậy sao? Bức thiết đến độ không cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên chưa đủ cũng phải gấp rút mở trường đào tạo rồi sau đó từ từ tính tiếp?
Từ nay về sau nếu dư luận có thắc mắc về cơ sở hạ tầng và phương tiện cùng đội ngũ giáo viên giảng dạy, các trường này sẽ vin vào những phát biểu trên để tiếp tục hoạt động. Đây phải chăng là “tầm nhìn chiến lược” của Bộ GD-ĐT trong việc điều hành và quản lý giáo dục ĐH? Có thể gọi đây là “tầm nhìn xa” của bộ được chăng?
Ông NGUYỄN TRỌNG BÌNH (khoa ngữ văn Trường ĐH Cửu Long)
Học đi đôi với… hành!
Điều trước tiên dư luận bất ngờ là trong phái đoàn thanh tra “khẩn cấp, đặc biệt” của Bộ GD-ĐT có cả ông Ngô Kim Khôi – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phó chủ tịch hội đồng thẩm định đề án thành lập… ĐH Phan Thiết(?). Đây là cách hành xử vừa đá bóng vừa thổi còi. Chỉ riêng cung cách này đã chứng tỏ sự thiếu nghiêm túc của công tác thanh tra và nhìn lướt qua đủ hiểu Bộ GD-ĐT đang cố gắng “dàn xếp” sao cho bộ sai vừa vừa còn ĐH Phan Thiết vẫn sẽ tiếp tục hoạt động đào tạo từ từ.
Điều thứ hai là dư luận không thể hiểu nổi vì sao đến nước này ĐH Phan Thiết vẫn cố tình thách thức dư luận khi cấm cửa không cho nhà báo tác nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lịch, hiệu trưởng, khẳng định ĐH Phan Thiết “là cơ sở tư nhân, có quyền tiếp hoặc không tiếp bất cứ ai”! Nói thế đồng nghĩa với việc coi ĐH Phan Thiết là “góc sân nhà em” nên muốn làm gì thì làm? Thậm chí, ông Phạm Hồng Dũng – chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Phan Thiết – còn ngang ngược tuyên bố đó là do “Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo cấm toàn bộ” báo chí?
Điều thứ ba là cách mà ông Ngô Kim Khôi đang lựa chiều gió để bẻ cong quy trình đào tạo, nghĩa là hành hạ công khai người học khi tuyên bố ĐH Phan Thiết chỉ cần 7-8 giảng viên là đủ(?). Nói như thế thì ĐH chẳng khác gì một trò chơi ú tim: cứ mở trường, vừa mở vừa xây, vừa chạy đôn chạy đáo kiếm người, không lo vì cứ lấy chính trị và quân sự, thể dục bù vào, đằng nào cũng là đào tạo?
Ông Khôi còn cho rằng phải đào tạo “để tránh thiệt thòi cho các em”. Không hiểu người học có nghĩ như ông Khôi không vì sự thật hiển nhiên là mãi đến bây giờ mới có quyết định tạm dừng tham quan, du lịch, mở làng nướng để chuẩn bị công tác đào tạo tinh hoa trí thức của nước nhà?
Bộ GD-ĐT đang cố tình coi thường dư luận khi bất kể đến những khuất tất do việc “đi mòn lốp máy bay” để mở trường, khai khống số lượng giảng viên, tạo nên cái “ĐH ba không” quái gở rồi tiếp tục theo lao bằng cách cho ĐH Phan Thiết giảng dạy và học tập “bình thường”? Không hiểu số lượng 750 sinh viên đó được tuyển chọn theo tiêu chí nào, điểm chuẩn ra sao và bốn năm sau có cơ quan hay cơ sở kinh doanh nào dám nhận “thành phẩm” của ĐH “lu nướng” hay không?
Ông HÀ VĂN THỊNH (ĐH Khoa học Huế)
Dự thảo mới nhất luật giáo dục sửa đổi, bổ sung: Khắc phục tình trạng lập trường dễ dãi
Hôm nay, dự thảo mới nhất Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được trình bày trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Vấn đề được quan tâm nhất ở dự án luật này là việc sửa đổi nội dung ở điều 50, 51 của Luật giáo dục 2005. Theo đó, việc thành lập nhà trường sẽ có hai bước: quyết định thành lập và quyết định trường được hoạt động giáo dục (tuyển sinh).
Điều kiện thành lập trường là có dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, nội dung giáo dục, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính, phương hướng chiến lược phát triển nhà trường.
Điều kiện để cho phép hoạt động giáo dục quy định cụ thể hơn: nhà trường phải “có đất đai, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, học tập, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục khác”.
Ông Chu Hồng Thanh – vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, thường trực ban soạn thảo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung – khẳng định: “Với nội dung sửa đổi bổ sung về vấn đề thành lập nhà trường có thể tạo hành lang pháp lý mới cho việc chấn chỉnh, sắp xếp lại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục tình trạng thành lập nhà trường ở những nơi, những lĩnh vực không có nhu cầu hoặc thành lập và hoạt động khi chưa đủ điều kiện”.
VĨNH HÀ (TTO)

Bình luận (0)